Thứ Tư, 07/01/2015, 17:09 (GMT+7)
.

Ngọc Sương - giọng hát thanh thoát như chim họa mi còn ngân vang mãi

Vào năm 1980, tôi dự Hội nghị Thanh niên tiên tiến do Tỉnh đoàn tổ chức. Trong chương trình văn nghệ phụ diễn, khi nghe ca sĩ Ngọc Sương hát Câu hát bông sen của nhạc sĩ Thanh Trúc, cả hội trường như lặng đi thưởng thức và như vỡ òa bằng những tràng pháo tay không dứt khi chị kết thúc bài hát.

Sau đó các đại biểu đồng hô lớn “Hát lại đi! Hát lại đi!”, buộc Ngọc Sương phải trở ra sân khấu hát lại bài hát đó. Tuy bài hát này khá dài nhưng tất cả đại biểu lại tiếp tục im lặng thưởng thức.

Riêng tôi, thực sự xúc động khi nghe và nhìn chị hát, chị như tỏa sáng bởi gương mặt đẹp thanh thoát và chất giọng trung cao mượt mà sâu lắng. Nghe chị hát, tôi như được rong ruổi trên chiếc xuồng ba lá qua những cánh đồng sen trải rộng và đồng cảm sâu sắc với những tâm tư, tình cảm người phụ nữ có chồng đi kháng chiến trong bài hát.

Năm 1977, Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát hiện chị trong phong trào văn nghệ quần chúng của phường 7 (TP. Mỹ Tho) và chọn chị đi Hội diễn Văn nghệ quần chúng toàn quốc tổ chức tại Nhà hát lớn TP. Hồ Chí Minh. Lúc đó chị được ca sĩ Thanh Tâm của Đoàn Văn công Tiền Giang dạy hát bài Người con gái Đồng Tháp của nhạc sĩ Phạm Minh.

Mới 22 tuổi, chưa qua trường lớp thanh nhạc và lần đầu tiên được hát trên một sân khấu hoành tráng với nhiều áp lực của một cuộc hội diễn toàn quốc, thế nhưng sau những hồi hộp ban đầu, chị đã gởi gắm tất cả tấm lòng của mình vào bài hát và được khán giả cũng như Ban Giám khảo cảm nhận sâu sắc.

Sau phần thi của đoàn Tiền Giang, nhạc sĩ Phạm Tuyên, thành viên Ban Giám khảo hội diễn đã đến bắt tay chị và có nhận xét về Ngọc Sương với lãnh đạo của đoàn Tiền Giang: “Ngọc Sương có chất giọng thiên phú mượt mà, nhất là khi hát bài Người con gái Đồng Tháp chữ Hồng Gấm ở âm vực cao rất khó phát âm nhưng chị phát âm rất tròn vành rõ chữ - ca sĩ chuyên nghiệp chưa chắc đã hát tốt như thế!”. Lần đó, chị được nhận chiếc Huy chương Vàng đầu tiên cấp toàn quốc trong sự nghiệp ca hát của mình, khi chị mới 22 tuổi.

Năm 1979, chị lại được cử đi dự Hội diễn Văn nghệ quần chúng toàn quốc tổ chức tại Cần Thơ. Chị đơn ca 2 bài: Ru con Nam bộ (lời Lưu Hữu Phước) và Câu hát bông sen. Lúc đó Câu hát bông sen đang nổi qua giọng hát của ca sĩ Tô Lan Phương (phát âm theo giọng miền Bắc), tuy nhiên với chất giọng Nam bộ ngọt ngào, chị lại một lần nữa chinh phục được khán giả và Ban Giám khảo.

Chị hát Ru con trong khi thi và hát Câu hát bông sen trong đêm công diễn phát thưởng, đoạt chiếc Huy Chương Vàng thứ hai, được mời thu Chương trình “Những giọng ca vàng” cùng với ca sĩ Nhã Phương đang rất nổi tiếng lúc bấy giờ. Có lẽ, điều quan trọng nhất trong hội diễn đó là chị được các nhà chuyên môn đánh giá cao, như là một phát hiện tài năng mới.

Nhạc sĩ Thanh Trúc lúc đó là Trưởng đoàn Ca múa nhạc Tháng Tám và Nhạc sĩ Hồ Bông là Trưởng đoàn Nhạc nhẹ Bông Sen TP. Hồ Chí Minh đã đến tận xã Long Trung, huyện Cai Lậy quê chị - nơi chị đang dạy học để mời về cộng tác ở các đoàn ca nhạc lớn này. Lúc đó chị đang có một số trục trặc về thủ tục ở Sở GD-ĐT và cũng muốn thử sức mình nên đã nhận lời về công tác ở Đoàn Ca nhạc nhẹ Tháng Tám TP. Hồ Chí Minh, do Nhạc sĩ Thanh Trúc làm Trưởng đoàn.

Từ năm 1979 đến 1983, khi công tác ở Đoàn Ca nhạc nhẹ Tháng Tám, chị đã thử sức của mình trên các lĩnh vực ca nhạc, làm MC phục vụ các đoàn ca nhạc nước ngoài vào TP. Hồ Chí Minh biểu diễn, hỗ trợ phong trào văn nghệ quần chúng cho các Phòng Văn hóa quận, huyện trong TP. Hồ Chí Minh và cũng có lần theo Đoàn Ca nhạc nhẹ Tháng Tám đi biểu diễn 1 tháng tại Liên Xô.

Trong thời gian làm ca sĩ chuyên nghiệp, chị nghiệm ra một điều: Hình như chị chỉ phù hợp với sân khấu quần chúng hơn là sân khấu chuyên nghiệp. Và nỗi nhớ quê hương âm ỉ đã khiến chị đồng ý từ bỏ một sự nghiệp đang tỏa sáng phía trước để trở về quê hương công tác khi ông Lê Quang Đồng, Giám đốc Sở VH-TT Tiền Giang lúc bấy giờ trực tiếp đề nghị với chị.

Sinh ra ở xã Long Trung, huyện Cai Lậy; lớn lên ở tỉnh Tây Ninh và sinh sống tại TP. Mỹ Tho, ca sĩ Ngọc Sương có một cuộc đời khá thăng trầm trong sự nghiệp, nhưng đã có tuổi thơ và thời niên thiếu thật đẹp bên gia đình với 9 anh chị em.

Trong nhà chị chỉ có anh hai là Trịnh Chí Hùng học khoa Piano tại Trường Quốc gia Âm nhạc, các anh em còn lại không ai theo đuổi con đường nghệ thuật như chị. Chính anh hai Trịnh Chí Hùng cũng là người thầy đầu tiên dạy chị phát âm trong khi hát.

Lúc nhỏ Ngọc Sương chưa mê ca hát, mà loại hình đầu tiên chị tiếp cận với nghệ thuật là múa và con đường đưa chị đến với ca hát cũng thật tình cờ. Lúc đó có một cuộc thi văn nghệ thiếu nhi toàn tỉnh, 1 học sinh trong đội múa bị bệnh đột xuất nên cô giáo bắt chị thay thế và chị hoàn thành tốt vai diễn của mình, tiết mục đó được lãnh thưởng.

Đến lúc học lớp Nhất, có một cuộc thi hát cấp tỉnh dành cho các trường tiểu học, thầy cô tuyển học sinh hát đơn ca, chị được tuyển đi thi và hát bài Ai ra xứ Huế, được giải Nhất cấp tỉnh, sau đó được cử đi thi khu vực miền Đông đã vinh dự đoạt Huy chương Vàng. Cô ca sĩ nhí xinh đẹp, quý tộc bắt đầu nổi tiếng trong khu vực trường học lúc bấy giờ.

Lúc đó chị cũng chưa thật sự yêu thích ca hát, mà chỉ chuyên tâm học tập và chỉ hát khi có yêu cầu của nhà trường. Đến năm 1973, chị học lớp Đệ nhất (lớp 12 bây giờ), được trường cử tham gia Liên hoan Văn nghệ - Thể thao miền Đông Nam bộ tổ chức tại Vũng Tàu, chị đã đoạt Huy chương Vàng với bài hát Tình hoài hương của nhạc sĩ Phạm Duy.

Sau năm 1975, gia đình chị chuyển về sinh sống tại TP. Mỹ Tho, chị vẫn chưa định hình cho mình công việc gì cụ thể khi đang học dở dang Đại học Khoa học Sài Gòn. Chị tiếp tục học khóa Sư phạm, tham gia sinh hoạt Đoàn và phong trào văn nghệ quần chúng tại phường 7. Chị cảm thấy thích những ca khúc truyền thống cách mạng và hát rất chuẩn xác các bài hát có kỹ thuật cao như Việt Nam đường chúng ta đi, Những cô gái quan họ, Nổi lửa lên em... dù chưa học thanh nhạc bao giờ.

Có một lần Thành đoàn Mỹ Tho mời nhạc sĩ Tô Vũ về nói chuyện về dân ca cho thanh niên, Ban tổ chức lớp đã sắp xếp cho chị hát minh họa bài hát Những cô gái quan họ với 1 cây đàn Mandolin. Sau khi nghe chị hát, nhạc sĩ Tô Vũ đã khen ngợi chị:

“Ngọc Sương hát rất trong sáng, duyên dáng. Người miền Nam nghiệp dư mà hát tài tình bài hát mang âm hưởng dân ca Bắc bộ hay như vậy!”. Lời khen của nhạc sĩ Tô Vũ và các bài hát truyền thống cách mạng đã khơi gợi mạch nguồn văn nghệ vốn tiềm ẩn trong chị và chị bắt đầu đam mê ca hát từ đó.

Từ ca sĩ của một đoàn ca nhạc lớn với những sân khấu hoành tráng rực rỡ, Ngọc Sương chấp nhận trở về diễn ở những sân khấu quần chúng của tỉnh Tiền Giang và chính thức là cán bộ của Nhà Văn hóa trung tâm Tiền Giang mà không có một yêu cầu nào, được giao nhiệm vụ biểu diễn, xây dựng chương trình văn nghệ cho Nhà Văn hóa, xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng cho các địa phương, cơ quan, ban, ngành tỉnh và tham gia các đợt hội diễn, hội thi của ngành Văn hóa - Thông tin...

Giọng hát của chị Ngọc Sương đã từng “chiếm lĩnh” sân khấu Tiền Giang và hình như “độc quyền” trong những chương trình lớn của tỉnh suốt những năm 1980 - 1990. Khi chị hát, khán giả luôn nín lặng để cảm nhận những ca từ, những giai điệu được hòa quyện với những cảm xúc chân thật xuất phát từ trái tim người hát, lan tỏa đến người nghe tạo sự đồng cảm sâu sắc với ca khúc được trình bày.

Cho đến lúc đã ở hàng U50 mà chị vẫn giữ được nét tươi trẻ trong giọng hát và dáng dấp thanh xuân. Với chị, hình như thời gian không làm tàn phai mà càng làm tăng thêm độ chín mùi của giọng hát, của dáng vẻ quý phái.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Văn hóa quần chúng, chị quyết định lui về hậu đài để làm công tác giảng dạy, dàn dựng, chỉ đạo nghệ thuật cho các chương trình của Trung tâm Văn hóa và các cơ quan, ban, ngành tỉnh tham dự hội thi, hội diễn cấp khu vực và toàn quốc.

Với trình độ chuyên môn và những kinh nghiệm tích lũy suốt trên 30 năm theo nghề và với tinh thần luôn học hỏi cầu tiến chị tỏ ra “mát tay” và thành công trên lĩnh vực mới này với nhiều giải thưởng về đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật cấp khu vực và toàn quốc.

Sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, hôm nay chị đã về cõi vĩnh hằng để lại nhiều tiếc thương cho gia đình, bạn bè và công chúng. Xin thắp nén hương lòng kính cẩn trước một phụ nữ tài danh nhưng đoản mệnh. Dù chị đã ra đi nhưng với nhiều người, giọng hát thanh thót như chim họa mi của chị vẫn còn ngân vang mãi!

HƯỚNG THU HƯƠNG

.
.
.