Thứ Tư, 25/02/2015, 14:31 (GMT+7)
.

Múa lân - nghề dành cho sự đam mê và bản lĩnh

Theo anh Nguyễn Ngọc Trung, Tổ trưởng Tổ Văn hóa - Nghệ thuật của  Trung tâm Văn hóa - Thông tin
(VH-TT) TP. Mỹ Tho: “Hiện nay, chúng tôi quản lý 6 đội lân, sư, rồng (LSR) là Tiên Sư đường, Đạt Anh đường, Vạn Sư đường (phường 2); Kim Long đường (phường 3); Hoàng Phương đường (phường 4) và Hoàng Long đường (xã Trung An). Còn rất nhiều đội lân tự phát ở các xã, phường… nhưng chưa thống kê đầy đủ”.

Đội Đạt Anh đường với cú nhảy Mai hoa thung ngoạn mục và đầy nguy hiểm.
Đội Đạt Anh đường với cú nhảy Mai hoa thung ngoạn mục và đầy nguy hiểm.

MÚA LÂN - SƯ - RỒNG LÀ NGHỆ THUẬT DÂN GIAN

Theo tìm hiểu trong các tài liệu, múa lân là một nghệ thuật dân gian đường phố xuất phát từ Trung Quốc và du nhập vào các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Vẫn chưa có công bố múa lân đến Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng vào thời gian nào, nhưng theo các cụ trên 100 tuổi: “Hồi nhỏ rất thích xem múa lân!”.

Múa lân như một môn thể thao dụng cụ, gồm có đầu LSR, mà người thực hiện đã “thổi hồn” vào đó để nó biết “hỉ, nộ, ái, ố”, đem niềm vui đến cho người thưởng lãm, không phân biệt tuổi tác.

Nghề múa lân thu hút niềm đam mê cao độ của nhiều người từ thuở thiếu thời, là một nghề dành cho những người có sự đam mê, khéo léo, bản lĩnh, sức khỏe và nghệ thuật leo cây sào cao, nhào lộn như xiếc các bài múa: Mai hoa thung, Tứ quý hưng long, Tam anh, Độc chiếm ngao đầu, Giao long tranh ngọc, Lân địa phủ, Địa hí lân… trong dịp chúc xuân, khai trương, động thổ, lễ hội…

Múa lân thường có ông Địa thể hiện sự hưng thịnh, may mắn, vui vẻ. Múa rồng phải có sự phối hợp ít nhất từ 7 - 9 người hoặc nhiều hơn tùy theo kích thước lớn nhỏ của rồng… Khi múa chúc tết gia đình, công ty, doanh nghiệp… lân phải trèo lên cao để nhận tiền lì xì, quà thưởng hay nhảy Mai hoa thung rất khó khăn và nguy hiểm, thế nên nhiều người đến với nghiệp này phải học và luyện thêm võ thuật. Đó là một nghề dễ gặp rủi ro (nguy hiểm đến tính mạng) nhưng chẳng thể nuôi sống được mình.

Đạt Anh đường và Mini đường như mái nhà chung. Đó là một tập hợp gồm 25  thanh thiếu niên và nhi đồng gần 5 tuổi đến 20 tuổi, chia làm 2 đội: Đạt Anh đường (tuổi từ 10 - 20) và Mini đường (tuổi từ 10 trở xuống).

Đây là đội LSR do vợ chồng anh Nguyễn Thành Đông (thường gọi là anh Sơn) và chị Lý Nguyệt Hằng quản lý. Anh Sơn cho biết: “Tôi thành lập Đạt Anh đường do con trai là cháu Nguyễn Thành Đạt (sinh năm 2005) rất mê múa lân. Đạt 10 tuổi nhưng đã có hơn 5 năm theo nghề múa lân.

Trong 25 gương mặt măng tơ đó, các cháu đa phần là học sinh, còn lại có những hoàn cảnh khá đặc biệt. Có cháu không được diễm phúc sống trong một mái ấm gia đình, phải lây lất ngoài đời tự nuôi sống mình. Có cháu do anh chị Sơn nuôi hẳn trong nhà mình. Ai có ghé cửa hàng buôn bán đầu lân ở số 89, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP. Mỹ Tho) sẽ gặp một số cháu phụ giúp việc buôn bán. Đó là nơi anh Sơn - chị Hằng tạo ra cho các cháu mưu sinh.

Anh chị làm nghề kinh doanh nên việc tìm hiểu về nghệ thuật múa LSR để truyền đạt cho các cháu, nâng cao tay nghề cho đội lân quả là một quá trình đáng trân trọng. Ngoài sự đam mê tự học hỏi của bé Đạt, anh chị còn bỏ công tìm hiểu tài liệu, cho các cháu giao lưu học hỏi các đội lân có tiếng ở TP. Hồ Chí Minh: Sùng Anh, Hoàng Anh, Phù Đổng… Mỗi lần tập dợt hay biểu diễn, anh chị cho quay hình và sau đó cả đội ngồi lại xem để nghe đóng góp rút kinh nghiệm.

Xem một buổi tập dợt của Đạt Anh đường, nhìn những giọt mồ hôi lăn xuống mặt, thấm lưng áo với những cú nhảy ngoạn mục đầy nguy hiểm của Mai hoa thung hay múa Mẹ con sư tử và Võ Tòng cùng những pha đi trên trái châu, những pha phối hợp ăn ý, nhào lộn, bê lên không, lăn nhiều vòng trên sàn diễn, những động tác phối hợp múa rồng… của các cháu quả là điệu nghệ. Đặc biệt, cháu Đạt quả thực là một “nghệ nhân” LSR. Cháu đánh đàn Organ, cũng là tay trống chính trong tiết mục biểu diễn trống hội và ôm đầu LSR múa rất điêu luyện.

Chị Lý Nguyệt Hằng tâm sự: “Chúng tôi luôn tạo điều kiện cho các cháu yêu nghề có sân chơi và có nơi nương náo. Đạt Anh đường như mái nhà chung của trên 20 cháu yêu nghề múa LSR. Ngày thường vẫn tập dợt để phục vụ lễ hội hoặc khai trương của các công ty, xí nghiệp và vào mùa tết thì các cháu có cơ hội biểu diễn nhiều hơn.

Hiện nay, hàng đêm chúng tôi tổ chức cho Mini đường múa phục vụ miễn phí ở Nhà Thiếu nhi tỉnh. Dù có nhiều show diễn mà thu nhập từ nghề này không thể nuôi sống được các cháu, nhưng chúng tôi vẫn luôn phải đổi trang phục, đạo cụ, nhạc cụ mới để tôn trọng khán giả, thu hút người xem…”.

Đạt Anh đường sẽ phục vụ lễ đón giao thừa mừng Xuân Ất Mùi tại sân khấu ngoài trời của Trung tâm VHTT tỉnh, thời lượng 90 phút với các bài “trống hội” và múa LSR chúc mừng năm mới.

VẠN SƯ ĐƯỜNG - LỬA NHIỆT HUYẾT VÀ ƯỚC MƠ ĐƯỢC VƯƠN XA

Đó là một đội lân trẻ gồm 20 thành viên (lớn nhất là Mai Văn Cường, sinh năm 1989 và nhỏ nhất là cháu Nguyễn Trần Quốc Khang, sinh năm 2005). “Trụ sở” của Vạn sư đường nằm trong hẻm Thái Văn Đẩu, khu phố 3, phường 2, TP. Mỹ Tho. Đó cũng là nhà của Đội trưởng Huỳnh Ngọc Phong, sinh năm 1991, tên thường gọi là Vàng. Vàng còn làm nghề sơn sửa ô tô. Đội thành lập vào năm 2005, lúc ấy Vàng chưa tròn 14 tuổi.

Em nhớ lại: “Hồi đó, thấy Đội Lân phường 6 múa là tụi em chạy theo xem và ước ao được nhảy múa như vậy, mê tới mức ngủ không được nên em tập hợp các bạn mê múa lân trong xóm hùn tiền mua đầu lân về tập. Lúc ấy được 6 bạn, không có thầy dạy nên tụi em tự tìm mua đĩa múa LSR về xem để làm theo. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, những pha khó lắm lúc bị thương tích, nhưng nghề dạy nghề, mỗi lần xảy ra sự cố tụi em rút kinh nghiệm nên dần dần múa tốt hơn…”.

Còn Quốc Thái (22 tuổi) đã có trên 11 năm ôm đầu lân biểu diễn, hiện là nhạc công đàn Organ, hàng ngày chạy show đàn cho đám tiệc và sắp xếp thời gian tập lân với anh em. Có khiếu về âm nhạc nên Thái nghe đĩa rồi chỉ lại cho các bạn cầm nhạc cụ như chập chõa, trống…

Thái tâm sự: “Nghề này đã “ngấm vào máu thịt”, nên dù nó không nuôi sống nổi mình, nhưng chúng em không thể tách ra khỏi nó được, cứ nghe trống nhạc múa lân là “máu nghề” nổi lên. Có nhiều anh em bỏ đội đi làm ăn xa, nhưng khi nghe trống lân đâu đó vọng vào tai là tất tả quay về để tập luyện, múa, tiếp tục sống với niềm đam mê của mình…”.

Ngoài thành tích giải II giải III tại Liên hoan LSR Tiền Giang năm 2010 và 2013, Vạn Sư đường còn đoạt 2 giải I múa lân và múa rồng ở Giải “Múa LSR tỉnh Bến Tre mở rộng năm 2014”. Các chàng trai trẻ này còn có một biệt tài làm đầu LSR. Các em cho biết, đã bỏ công 2 năm đi giúp việc để “học lóm”, những đầu LSR làm lần đầu không đẹp, rút kinh nghiệm từ từ và làm đẹp hơn.

Các em nghiên cứu tư liệu để sản phẩm của mình đạt chuẩn quốc tế và hiện nay có nhiều nơi đặt hàng. Mỗi đầu lân 2 người làm từ 1 tháng đến 1 tháng rưỡi mới xong. Đầu rồng thì lâu hơn và khó hơn vì có nhiều chi tiết, hoa văn…

Hiện tại, Vạn Sư đường còn nhiều khó khăn về kinh phí, phương tiện hoạt động, thiếu chỗ tập dợt cùng với đầu tư sản xuất dụng cụ múa. Các em mong muốn có nơi hợp tác để mở một cơ sở nhỏ chuyên sản xuất đầu LSR và phát triển tay nghề. Quốc Thái nói trong niềm khát khao cháy bỏng:

“Chúng em mong có cơ hội để vươn xa hơn trong nghề biểu diễn cũng như làm đầu LSR, nhất là mong có lớp dạy nghề múa LSR để đào tạo đúng bài bản và rất mong có một câu lạc bộ để các đội lân sinh hoạt, tập dợt, giao lưu…”.

Biết bao thế hệ trẻ, già khi nghe trống lân rộn ràng đều háo hức đón xem, nhưng có ai hiểu được cuộc sống vất vả và những ước mơ đi cùng sự đam mê cháy bỏng của những người trong nghề. Xuân đã về, tiếng trống lân lại thúc giục, một điệp khúc sinh động đầy phấn khởi cho ta yêu đời hơn. Chúng ta dành sự ngưỡng mộ, yêu thương, đồng cảm cho những người này luôn đem niềm vui và mong muốn may mắn đến cho mọi nhà.

NGỌC LỆ

.
.
.