Thứ Hai, 02/03/2015, 16:30 (GMT+7)
.

Hội VHNT tỉnh: Sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng&nghệ thuật cao

Năm qua, mặc dù còn không ít khó khăn, nhưng tình hình sáng tác văn học - nghệ thuật trong tỉnh tiếp tục có sự phát triển tích cực, các văn nghệ sĩ không ngừng nỗ lực sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.

Theo soạn giả Huỳnh Anh, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, năm qua các văn nghệ sĩ Tiền Giang tiếp tục tập trung phản ánh nhiều vấn đề đang được xã hội quan tâm như: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; biển, đảo Việt Nam; xây dựng nông thôn mới…

Bên cạnh đó, các tác phẩm viết về vùng đất và con người Tiền Giang trong 2 cuộc kháng chiến, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước cũng được nhiều tác giả đào sâu khai thác.

Những gương mặt thơ trẻ đầy triển vọng tại Cuộc thi Thơ trẻ Tiền Giang lần III.
Những gương mặt thơ trẻ đầy triển vọng tại Cuộc thi Thơ trẻ Tiền Giang lần III.

Đặc biệt, vào tháng 10-2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2710/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển văn học - nghệ thuật tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2014 - 2024. Đây là một tin vui cho giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà khi lần đầu tiên có một đề án đánh giá một cách khách quan, toàn diện thực chất tình hình văn học - nghệ thuật trong tỉnh thời gian qua; đồng thời đề ra được những nội dung mới trong mục tiêu, phương hướng tiếp tục phát triển văn học - nghệ thuật và các chủ trương cùng những giải pháp cơ bản, đột phá có tính khả thi cho sự phát triển từ nay đến năm 2024.

Việc triển khai đề án này hứa hẹn sẽ tạo được một bước phát triển mới, nâng cao vị trí hoạt động văn học - nghệ thuật của Tiền Giang, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ tỉnh nhà đem sức lực và tài năng cống hiến cho đất nước.

Bên cạnh đó, năm qua cũng là một năm mà các loại hình nghệ thuật dân tộc hoạt động khá khởi sắc. Các chương trình đờn ca tài tử, trích đoạn cải lương, các tiết mục múa dân tộc… được công chúng nhiệt tình đón nhận. Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tiếp tục duy trì các chương trình biểu diễn nghệ thuật định kỳ hàng tháng tại rạp hát Tiền Giang, khơi gợi lại sự yêu thích của công chúng trên mảnh đất từng được xem là cái nôi của nghệ thuật cải lương. Hội cũng đã xây dựng được nhiều chương trình đờn ca tài tử tham gia biểu diễn giao lưu với các tỉnh bạn (Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước, Bạc Liêu…) và nhiều địa phương trong tỉnh.

Chương trình đờn ca tài tử dàn dựng tham dự Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ Nhất tại tỉnh Bạc Liêu đã mang về cho Tiền Giang 2 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Bạc. Song song đó, một số loại hình mới được Hội quan tâm phát triển, đạt hiệu quả cao như xiếc, ảo thuật… Câu lạc bộ ảo thuật của tỉnh vừa tổ chức kỷ niệm 3 năm thành lập.

Soạn giả Huỳnh Anh, Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh trao Quyết định  kết nạp hội viên mới cho các tác giả trẻ.
Soạn giả Huỳnh Anh, Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh trao Quyết định kết nạp hội viên mới cho các tác giả trẻ.

Năm 2014, vai trò là hội trực, Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang được đánh giá cao trong việc tiếp tục làm cầu nối cho nhiều hoạt động liên kết về văn học - nghệ thuật trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tháng 7 vừa qua, Trại Sáng tác văn học - nghệ thuật ĐBSCL do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam tổ chức diễn ra tại Tiền Giang, với sự tham dự của 25 tác giả chuyên ngành văn học và âm nhạc.

Ngoài ra, Hội cũng đã tổ chức hàng chục trại viết và đi thực tế sáng tác với quy mô lớn, nhỏ khác nhau để trau dồi thêm trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như khơi gợi cảm hứng sáng tạo cho hội viên.

Trong công tác tìm kiếm và bồi dưỡng tài năng văn học - nghệ thuật trẻ, năm qua có nhiều tín hiệu khả quan. Hội đã tổng kết Cuộc thi Thơ trẻ Tiền Giang lần thứ III

. Song song đó, các lớp bồi dưỡng sáng tác văn học, lớp mỹ thuật căn bản, lớp hướng dẫn ảo thuật, lớp đờn ca cổ nhạc, lớp hướng dẫn vẽ thư pháp… thường xuyên được tổ chức, góp phần hun đúc niềm đam mê cũng như nâng cao kỹ năng sáng tác, đã thu hút được đông đảo các bạn trẻ tham gia.

Tuy vậy, phong trào văn học - nghệ thuật tỉnh nhà vẫn còn những khó khăn, bất cập. Đó là, số lượng tác phẩm mới xuất hiện nhiều nhưng chưa có tác phẩm tạo được tiếng vang và việc quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật đến với công chúng chưa được sâu rộng.

Bên cạnh đó, chế độ nhuận bút cho tác giả, bồi dưỡng cho nghệ sĩ biểu diễn hiện còn quá thấp; một số chi hội văn nghệ cấp huyện hoạt động còn yếu kém do gặp khó khăn về kinh phí cũng như cơ chế…

Năm 2015 là năm đất nước diễn ra nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội và là năm đầu tiên triển khai Đề án Phát triển văn học - nghệ thuật tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2014 - 2024, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã đề ra phương hướng hoạt động và kế hoạch thực hiện, trong đó việc động viên đội ngũ văn nghệ sĩ đẩy mạnh sáng tác, nghiên cứu các công trình lý luận phê bình, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật, phấn đấu có nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao cả nội dung lẫn nghệ thuật; thiết thực đưa Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng với yêu cầu phát triển bền vững đất nước” gắn kết các hoạt động sáng tạo phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong năm 2015… đã được Hội Văn học - Nghệ  thuật tỉnh xác định là những nhiệm vụ trọng tâm.

LÊ VĂN

.
.
.