Lăng Ông Cây Bàng gắn liền với những sự kiện lịch sử cách mạng
Lăng Ông Cây Bàng (Lăng Ông Nam Hải) tọa lạc tại ấp Cây Bàng, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông được xây dựng năm 1910. Khi mới xây dựng có tên là Tân Khánh Hội, được làm bằng gỗ, tre, lá thô sơ (cột gỗ, vách ván bổ kho) để thờ cá Ông và Bà Chúa Xứ; đồng thời cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng với ý muốn cầu cho mưa thuận gió hòa và an lành cho những chuyến ra khơi của ngư dân.
Một góc Lăng Ông Cây Bàng. |
Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay lăng được xây dựng mở rộng bằng vật liệu xi măng, gỗ, tôn, gạch tráng men…, gồm: Lăng Ông Nam Hải, miếu bà Nam Hải, miếu Bà Chúa Xứ và miếu Tiên sư, xây theo kiểu 2 tầng mái (mái bánh ú), các góc mái uốn cong hình đầu đao, với tổng diện tích 1.140 m2, cửa quay về hướng Đông - Nam.
Trong lăng còn lưu giữ những nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian độc đáo như thờ Đức Thủy tướng (tức cá Ông) để cầu mong được sự an lành, may mắn của ngư dân trong vùng. Hàng năm, vào ngày 18, 19 tháng Giêng âm lịch, tại lăng Ông Cây Bàng, ngư dân quy tụ về đây để cúng bái rất long trọng (lễ hội Nghinh Ông).
Lăng Ông Cây Bàng không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ lăng còn là nơi chứng kiến và gắn liền với các sự kiện lịch sử cách mạng của quân - dân xã Tân Thành trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Theo lời kể của các vị lão thành cách mạng, trong năm 1940, tại khu vực lăng Ông Cây Bàng, bọn địch ruồng bố rất gắt gao, đàn áp nhân dân. Để hưởng ứng Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tại Mỹ Tho, những người yêu nước ở xã Tân Thành đã tập hợp nhân dân dùng mõ khua vang tại hầu hết các ấp trong làng (trong đó có ấp Cây Bàng) và tuyên truyền vận động, giáo dục trong nhân dân về tinh thần đấu tranh chống lại ách thống trị của thực dân Pháp.
Sau sự kiện Nam kỳ khởi nghĩa ngày 23-11-1940, nhân dân vô cùng phấn khởi, truyền đơn được rải nhiều nơi, nói rõ tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân Nam kỳ, phản đối sự đàn áp đẫm máu của địch. Để tăng cường sự kiểm soát, chính quyền Pháp tiến hành xây dựng đồn bót ở ấp cây Bàng, đưa lính khố xanh, khố đỏ canh gác, ruồng bố bắt bớ những người chúng tình nghi.
Năm 1942, chi bộ Đảng đầu tiên của Tân Thành được thành lập, đã phân công đảng viên tích cực vận động nhân dân trong xã tham gia các tổ chức Hội Trợ táng, Hội Nhà vàng, các tổ vần công… Thông qua các tổ chức hợp pháp, các đảng viên đã vận động quần chúng đấu tranh chống thuế khóa, chống bắt lính, chống bắt xâu, từ đó quy tụ được nhiều người tham gia các tổ chức cách mạng. Lăng Ông Cây Bàng là nơi các phong trào trên diễn ra rất mạnh mẽ.
Tháng 7-1945, chi bộ đã lãnh đạo chuyển tất cả các tổ chức hợp pháp hợp thành tổ chức Thanh niên Tiền phong. Sau khi ổn định tổ chức, Thanh niên Tiền phong đã kết nạp thêm hội viên và ngày đêm luyện tập võ nghệ, trang bị gậy gộc, giáo mác, mã tấu, tầm vông… để chuẩn bị khởi nghĩa. Lúc này phong trào diễn ra mạnh nhất tại lăng Ông Cây Bàng, sau đó lan rộng ra các ấp Cầu Muống, Bà Lẫy…
Ngày 22-8-1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời xã Tân Thành được thành lập, đã huy động quần chúng tiếp tục nổi trống, mõ, kéo băng, cờ chia từng tốp tiến về hướng các đồn tua, công sở của bọn tề xã. Trong ngày này, tất cả các đồn bót, nhà việc của bọn tề xã đã bị nhân dân đập phá san bằng.
Để xóa giặc đói, giặc dốt, chi bộ đã phát động nhân dân thực hiện “Tuần lễ vàng”, đóng góp của cải, tiền bạc ủng hộ cách mạng, chỉ trong một thời gian ngắn đã huy động được hàng trăm giạ lúa, hàng trăm mét vải và mở các lớp bình dân học vụ. Tại lăng Ông Cây Bàng phong trào diễn ra sôi nổi.
Năm 1948, xã Tân Thành thành lập Ban Trừ gian diệt ác để bảo vệ cách mạng, bảo vệ xóm ấp và nhân dân. Ban Trừ gian diệt ác xã đã kết hợp với Đại đội 915, Tiểu đoàn 305 tỉnh Gò Công chặn đánh 1 trung đoàn quân Pháp tại ấp Cây Bàng:
Vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 16-12-1948, Đại đội 915 và Đại đội Vệ quốc đội kết hợp với lực lượng địa phương đang làm nhiệm vụ bảo vệ buổi xử án của Tòa án tỉnh Gò Công tại ấp Cây Bàng thì địch dùng 1 trung đoàn quân Pháp, chia thành 2 cánh từ Bình Luông Đông và Tăng Hòa kéo vào bao vây lực lượng ta.
Trong tình thế bị động, Ban Chỉ huy 2 đại đội thống nhất kế hoạch và tổ chức lực lượng chống càn. Sau gần 1 ngày chiến đấu gay go, ác liệt, lực lượng ta đã đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch. Đến 19 giờ 30 phút chúng buộc phải lui quân. Kết quả, ta diệt và làm bị thương gần 100 tên địch, thu 20 súng các loại.
Cuối năm 1961 đầu năm 1962, phong trào đóng góp tài chính nuôi quân phát triển mạnh, thu hút được mọi tầng lớp nhân dân khu vực Lăng Ông Cây Bàng để nuôi giấu cán bộ cách mạng và đóng góp nhiều mâm đồng, thau, lư, chân đèn đồng cho lực lượng cách mạng để sản xuất vũ khí đánh giặc.
Năm 1972, lực lượng cán bộ nằm vùng của ta đã đột kích đánh toán lính phòng vệ tại ấp Cây Bàng, diệt tại chỗ tên phó trưởng ấp phụ trách an ninh và diệt 1 tên lính, thu 1 súng Cacbin M2.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975) đến nay, lăng Ông Cây Bàng được trả lại chức năng như ban đầu và là trụ sở của hội những người dân làm nghề biển vùng đất Gò Công.
Với tầm vóc và ý nghĩa chứa đựng trong di tích, năm 2014 UBND tỉnh đã ra Quyết định công nhận Di tích Lăng Ông Cây Bàng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
NGUYỄN MẠNH THẮNG