Kiểng cổ lưỡng diện mang đậm giá trị văn hóa dân gian vùng Gò Công
Có thể nói, vùng đất Gò Công là nơi xuất phát đầu tiên của trường phái kiểng cổ lưỡng diện, là loại kiểng nhìn được ở 2 mặt: Mặt trước và sau của cây kiểng.
Kiểng cổ lưỡng diện được nghệ nhân sáng tạo trên cơ sở nhân sinh quan của xã hội đương thời. Bởi vì vùng đồng bằng duyên hải khu vực Gò Công nhỏ hẹp, cho nên các nghệ nhân đã sáng tạo trường phái kiểng lưỡng diện để phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi này.
Đặc biệt là nghệ thuật kiểng cổ lưỡng diện có tính triết lý, tính giáo dục sâu sắc, tiêu biểu ở 2 cây kiểng Tam tòng tứ đức và Tam cương ngũ thường gắn với địa danh Giồng Sơn Quy, nơi đã sinh ra Hoàng thái hậu Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức.
Cũng vì là nơi phát tích bên ngoại vua nên kiểng cổ thuộc 2 thế dáng này đã góp phần phản ánh được phẩm hạnh cao quý của bà và tư tưởng trung quân ái quốc của nhân dân Gò Công.
Cây kiểng Tam cương ngũ thường: Theo các nghệ nhân vùng Gò Công, nghệ thuật kiểng cổ phản ánh nhân sinh quan của người xưa là “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Muốn vươn đến khát vọng đó, người đàn ông phải đạt những chuẩn mực nhất định trong xã hội nhằm khẳng định giá trị của mình. Cây kiểng cổ Tam cang ngũ thường ra đời trên cơ sở đó.
Ngoài ra, đối với nghệ nhân Gò Công, cây kiểng này còn là biểu tượng cho tài năng và phẩm chất của vua Tự Đức (1847 - 1883), vị vua học rộng, có tài làm thơ và rất hiếu thảo với mẹ. Dáng thế bộ Tam cương ngũ thường được đánh giá là đẹp phải có dáng tổng thể của cây ở trong một tam giác cân, thể hiện sự ngay ngắn, vững bền của gia đình.
Thân có gốc to, ngọn nhỏ, ngụ ý trụ cột gia đình vững chắc, gương mẫu. Gốc cây mẫu (cây cao lớn) và gốc cây tử (cây thấp nhỏ) phải nghiêng 45 độ so với mặt đất và hợp với nhau một góc 90 độ, ngụ ý các thành viên trong gia đình có thế đứng cân bằng trong xã hội, nền móng vững chắc của gia đình.
Gốc của các tàng từ yểm tâm, ngưng sương đến tàng nghinh thiên phải nhiễu ngay thẳng tâm của gốc cây, thể hiện gia đình sống ngay thẳng, không lỗi đạo, không bao giờ mất gốc, luôn nhớ về cội nguồn dân tộc. Tàng ngọn phải trực thiên, chữ “tín” của bậc trượng phu, có nghĩa bao giờ cũng hiên ngang, ngẩng cao đầu với xã hội, không luồn cúi mọi thế lực.
Tàng ngọn cây tử phải ngang và thấp hơn hay bằng, không được cao hơn tàng nghinh phong của cây mẫu, thể hiện con cái luôn luôn vâng lời dạy dỗ của cha mẹ. Thân cây tử phải uốn thế giống thân cây mẫu từ đoạn trên tàng nghinh phong đến tàng ngọn, ngụ ý con cái trong gia đình là sản phẩm ưu tú của cha mẹ, thành viên gương mẫu của xã hội mai sau.
Nếu như cây kiểng lưỡng diện Tam cương ngũ thường được người dân xứ Gò xem là biểu tượng nhân cách của vua Tự Đức, thì cây kiểng Tam tòng tứ đức là biểu hiện phẩm hạnh của bà Từ Dũ (1810 - 1902) với sự thanh cao trong chuẩn mực phẩm chất công - dung - ngôn - hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Bà được tiến vào cung vua từ năm 14 tuổi cho đến lúc tạ thế vẫn giữ vững cốt cách của bậc mẫu nghi thiên hạ, là tấm gương sáng của giới nữ trong việc nuôi dạy con cái.
Chủ thể sáng tạo ra 2 cây kiểng này chính là những nho sĩ xứ Gò để bày tỏ lòng kính trọng Thái hậu Từ Dũ - người trọn đạo tam tòng tứ đức và tôn vinh vua Tự Đức - người trọn đạo tam cương ngũ thường. Bởi vì, xuất thân và phẩm hạnh của 2 người này là niềm tự hào của nhân dân Gò Công.
Tuy xuất phát từ quan niệm Nho giáo về giá trị con người, song việc các nghệ nhân Gò Công sáng tạo ra 2 cây kiểng lưỡng diện Tam tòng tứ đức và Tam cương ngũ thường là sự đóng góp rất lớn vào dòng văn hóa dân gian cho vùng đất Gò Công.
Trong đời sống hiện nay, khi nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần ngày càng được nâng lên thì con người luôn tìm về với những giá trị đẹp của cuộc sống để thư giãn và giảm bớt áp lực trong công việc, cuộc sống. Vì thế, thú vui tao nhã qua loại hình nghệ thuật kiểng cổ lại tìm về đâu đó trong ký ức mỗi người chúng ta.
Trên vùng đất Gò Công, đi đâu chúng ta cũng gặp loại hình chơi kiểng phổ biến trong từng nhà, từng cơ quan, đơn vị. Dù nghèo hay giàu, trước sân nhà của mỗi gia đình đều có một vài chậu kiểng, một vài cây mai vàng để nở hoa chào năm mới.
Vượt qua sân chơi tao nhã, thú vui điền viên của những nghệ nhân trong khoảng sân trước nhà, ngày nay loại hình nghệ thuật kiểng cổ đã bước ra thị trường lưu thông hàng hóa với việc trao đổi, mua bán, chuyển nhượng những tác phẩm có giá trị, mang tính nghệ thuật cao, thể hiện tinh tế, sắc sảo những quan niệm sống, những triết lý nhân sinh của xã hội đương thời, góp phần tạo sự chuyển động mạnh mẽ trong vòng quay của kinh tế thị trường, qua đó tăng thêm thu nhập cho người kinh doanh, nghệ nhân chơi kiểng cổ nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương và nâng cao thị hiếu thẩm mỹ về những giá trị nghệ thuật của văn hóa dân gian cho người dân vùng đất Gò Công và cả nước.
LÊ HỒNG QUÂN