.

Thư viện công cộng: Tìm giải pháp để phát huy văn hóa đọc

Cập nhật: 14:47, 28/11/2018 (GMT+7)

Hiện nay, tình hình hoạt động của hệ thống thư viện công cộng trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trước xu thế ngày càng phát triển của khoa học công nghệ. Từ đó, khiến nhiều người dân, nhất là thanh, thiếu niên mất dần thói quen đọc sách, báo do văn hóa nghe nhìn đang lấn át dần văn hóa đọc.

Khoảng 2 năm nay, Phòng đọc sách xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho chưa nhận thêm sách mới.
Khoảng 2 năm nay, Phòng đọc sách xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho chưa nhận thêm sách mới.

CÒN GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN

Toàn tỉnh hiện có 39 thư viện và 97 phòng đọc sách cấp xã. Mặc dù thư viện, phòng đọc sách cấp xã được đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhưng hầu hết không có cán bộ thư viện, mà kiêm nhiệm, không có nghiệp vụ chuyên môn và chế độ lương còn thấp.

Mặt khác, chính sách hưởng chế độ độc hại vẫn chưa được thực hiện…, dẫn đến nhân sự thay đổi liên tục, nên một số thư viện, phòng đọc mở cửa phục vụ bạn đọc không thường xuyên, có nơi chỉ phục vụ 3 ngày/tuần.

Ngoài ra, nguồn sách phục vụ bạn đọc chưa phong phú, chủ yếu là nguồn sách luân chuyển từ Thư viện tỉnh và thư viện huyện. Đa số thư viện, phòng đọc sách cấp xã được đặt trong khuôn viên UBND xã, nên người dân, học sinh ngại đến, ảnh hưởng đến công tác phục vụ bạn đọc.

Năm 2017, Phòng đọc sách xã Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho) chỉ có 3 lượt mượn sách, đến tháng 10-2018 có 12 lượt mượn sách, lần mượn gần nhất là tháng 6-2018.

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã, quản lý Phòng đọc sách xã Nguyễn Ngọc Cương, cho biết: “Hiện nay, Phòng đọc sách xã có khoảng 700 bản sách, chủ yếu là sách cũ, khoảng 2 năm nay chưa nhận thêm sách mới và đang được sử dụng chung với Văn phòng Hội Khuyến học xã…”.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lê Văn Dũng cho biết: Thời gian tới, cần có sự phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc nghiên cứu đưa ra những giải pháp thiết thực, lâu dài, nhằm xây dựng thói quen đọc sách cho thanh, thiếu niên, nhất là các em thiếu nhi bậc tiểu học và trung học cơ sở như: Đề xuất đưa vào chương trình ngoại khóa với tiết học khám phá thư viện hằng tuần, để phụ huynh đưa con em mình đến thư viện tìm hiểu và đọc sách, qua đó giúp xây dựng thói quen đọc sách, giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về vai trò của thư viện, cũng như ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với con em mình, vì hiện nay thời gian học của các em quá nhiều, cả trong và ngoài nhà trường. Đồng thời, nâng cao hơn nữa vai trò chủ động, sáng tạo, trách nhiệm đối với công việc của cán bộ thư viện trong giai đoạn mới.

Thư viện cần phải được đầu tư xây dựng, không chỉ là nơi để đọc sách với đầy đủ những nguồn tư liệu quý hiếm, mà còn là một địa chỉ văn hóa với môi trường xanh, sạch, đẹp và thoáng mát.
 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 8/11 huyện, thành, thị có thư viện cấp huyện. Trong đó, 4 thư viện có 1 biên chế (các huyện Tân Phước, Chợ Gạo, Gò Công Tây và Gò Công Đông), khi cán bộ được cử đi học hoặc đi công tác đã ảnh hưởng đến việc mở cửa phục vụ bạn đọc.

Thư viện huyện Châu Thành nằm trong Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VH-TT) huyện, diện tích trên giấy tờ là 192 m2, thế nhưng một số phòng bị trưng dụng để làm văn phòng nghiệp vụ của Trung tâm VH-TT huyện, không gian đọc sách cho thiếu nhi bị thu hẹp một nửa.

Tổng số sách thư viện huyện Châu Thành hiện có là 33.341 bản, 15 loại báo, tạp chí, kinh phí hoạt động hằng năm là 160 triệu đồng. Đến nay, Thư viện huyện Châu Thành vẫn chưa thực hiện việc luân chuyển sách báo xuống các phòng đọc sách cơ sở.

Trưởng bộ phận thư viện huyện Châu Thành Ngô Hồng Tuyến cho biết, kinh phí hoạt động bổ sung sách hằng năm từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tương đương 700 đến 750 đầu sách. Để đủ điều kiện đạt chỉ tiêu mỗi năm ra mắt 1 thư viện cấp xã thì cần ít nhất 1.500 đầu sách/thư viện xã. Như vậy, thư viện cấp huyện sẽ không còn sách để phục vụ bạn đọc.

Trong năm 2018, dự kiến huyện Châu Thành sẽ ra mắt Thư viện xã Vĩnh Kim. Huyện đã xin Thư viện tỉnh một số đầu sách để đủ điều kiện ra mắt thư viện xã này. Từ khi Trường THPT Tân Hiệp chuyển về cơ sở mới, lượt bạn đọc đến thư viện giảm dần…

Còn Thư viện huyện Chợ Gạo, diện tích 68 m2, ở tầng 1 của Trung tâm VH-TT  huyện. Cán bộ phụ trách Thư viện huyện Chợ Gạo Nguyễn Thị Thùy Linh cho biết, vị trí thư viện nằm khuất bên trong Trung tâm VH-TT huyện nên bạn đọc ít biết đến để tìm tới đọc, khi nào có bạn đọc đến thì mới mở cửa để phục vụ.

Riêng Thư viện tỉnh, trong 9 tháng của năm 2018 đã phục vụ 74.597 lượt bạn đọc, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2017, với 183.725 lượt sách báo được lưu hành (giảm 6,4%)…

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lê Văn Dũng cho biết, hiện nay, cơ sở vật chất trong hệ thống thư viện công cộng nhiều nơi chưa có hoặc đã xuống cấp, thiếu nhiều trang thiết bị, máy móc, sách báo, kể cả nguồn nhân lực.

Thậm chí, một số cán bộ thư viện chưa chủ động sắp xếp công việc, chưa năng động, sáng tạo trong công việc nhằm tìm ra những giải pháp hay để thu hút bạn đọc đến với thư viện, một phần do nguồn kinh phí, các chế độ hỗ trợ người làm công tác thư viện còn hạn chế.

Về việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại thư viện vẫn còn gặp nhiều hạn chế, điển hình như: Dự án “Phát triển ứng dụng CNTT tại Thư viện tỉnh” chưa được thông qua, nên thời gian qua việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện chủ yếu dựa vào cá nhân cán bộ thư viện tự nghiên cứu viết phần mềm ứng dụng vào lĩnh vực thư viện.

Hiện nay, biên chế thư viện vẫn còn thiếu, nhất là nguồn lực về CNTT, đa số các thư viện cấp huyện chỉ có 1 cán bộ thư viện, còn ở thư viện cấp xã thì gần như không có cán bộ thư viện, mà kiêm nhiệm.

Ngoài ra, kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất còn thiếu, do đó kinh phí để đầu tư mua sắm trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT trong lĩnh vực thư viện gặp nhiều hạn chế, nhiều máy móc, trang thiết bị chuyên dụng phục vụ cho việc xây dựng thư viện số còn thiếu…

GIẢI PHÁP CĂN CƠ

Hằng năm, Thư viện tỉnh đều tổ chức trưng bày, triển lãm Hội Báo Xuân, với hơn 250 loại báo, tạp chí Xuân của 63 tỉnh, thành và các ngành được phát hành trên toàn quốc, đã thu hút nhiều thành phần đến tham quan và thưởng lãm.

Ngoài ra, Thư viện tỉnh còn phối hợp với Trại giam Mỹ Phước và Phước Hòa thuộc Bộ Công an tổ chức Cuộc thi “Viết cảm nhận về sách” dành  cho phạm nhân. Đây là dịp để phạm nhân hiểu rõ ý nghĩa thiết thực và tác dụng của việc đọc sách, từ đó giúp phạm nhân rút ra bài học kinh nghiệm, tạo nghị lực sống để cải tạo tốt trong quá trình chấp hành án.

Nhân Ngày Sách Việt Nam 21-4, Thư viện tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động trưng bày và giới thiệu sách ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Quý III-2018 vừa qua, Thư viện tỉnh đã đưa vào thử nghiệm và ký hợp đồng thuê cơ sở dữ liệu sách ebook của Nhà Xuất bản Trẻ (Ybook) để giới thiệu, phục vụ 3.000 tài khoản miễn phí cho bạn đọc trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức của đơn vị trong giai đoạn hiện nay.

VĂN THẢO

.
.
.