.

"Thương hiệu" của Đoàn nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang

Cập nhật: 19:55, 09/01/2019 (GMT+7)

Mỗi tiết mục thành công đều là kết quả từ quá trình sáng tạo, những giọt mồ hôi và sự đam mê của từng thành viên Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang (viết tắt là Đoàn); nhất là tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018, vở cải lương của Đoàn đã đoạt Huy chương Bạc và nhiều cá nhân đoạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc.

Qua đó cho thấy, Đoàn không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, mà còn khẳng định được uy tín và thương hiệu trong giới nghệ sĩ trong bối cảnh hoạt động nghệ thuật cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Năm 2018, Đoàn dàn dựng nhiều chập tấu hài, cải lương, kịch phục vụ nhu cầu giải trí của nhân dân.                     	      							Ảnh: THANH HẢI
Năm 2018, Đoàn dàn dựng nhiều chập tấu hài, cải lương, kịch phục vụ nhu cầu giải trí của nhân dân. Ảnh: THANH HẢI

Thành lập năm 1976 trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị nghệ thuật: Đoàn Văn công Đồng Tháp, Đoàn Văn công Mỹ Tho và Đoàn Văn công Gò Công, với tên gọi ban đầu là Đoàn Văn công Tiền Giang; đến năm 1977 đổi tên là Đoàn Ca múa kịch tổng hợp Tiền Giang.

Cũng trong năm 1997, thêm bộ phận cải lương, nên một lần nữa Đoàn đổi tên là Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang cho đến nay. Đoàn là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có chức năng tổ chức biểu diễn loại hình nghệ thuật ca múa nhạc, sân khấu chuyên nghiệp, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật và giải trí của nhân dân.

Phó Trưởng đoàn Đặng Thanh Liêm cho biết: Hiện đơn vị có 39 cán bộ, viên chức và người lao động (CB-VC-NLĐ). Từ khi thành lập đến nay, Đoàn luôn là mũi nhọn xung kích trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó, đạt nhiều thành tích đáng khích lệ. Đặc biệt, những năm gần đây, hoạt động của Đoàn ngày càng có nhiều khởi sắc.

Một trong những dấu ấn trong năm 2018 phải kể đến là Đoàn tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc tại tỉnh Long An, với vở cải lương “Bão dậy trời Long Hưng” (soạn giả Huỳnh Anh, đạo diễn Kim Phương, cố vấn nghệ thuật Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu), đề tài chiến tranh cách mạng, dựa trên cuộc đời hoạt động cách mạng của bà Nguyễn Thị Thập (Mười Thập) - người con ưu tú của vùng đất Long Hưng (tỉnh Tiền Giang).

Với sự nỗ lực của tập thể, Đoàn đã đoạt Huy chương Bạc dành cho vở diễn và 2 Huy chương Vàng cá nhân (Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Đào Vũ Thanh và NSƯT Nhơn Hậu); 1 Huy chương Bạc cho nghệ sĩ Huỳnh Mơ…

Nhạc công Lâm Chí Lợi đã gắn bó với nghệ thuật cải lương 20 năm, chia sẻ: “Để đưa được một vở diễn tốt lên sân khấu, những người làm nghệ thuật cần phải tuân thủ theo quy trình và có những sáng tạo thực sự, đặc biệt là phải đam mê với nghề. Sân khấu là một loại hình nghệ thuật tổng hợp. Một vở diễn thành công, có hiệu quả là nhờ sự sáng tạo, phối hợp, kết hợp của nhiều bộ môn nghệ thuật và ngành nghề khác nhau. Đội cải lương hiện nay chỉ có 6 người nòng cốt, tuy nhiên mỗi khi có liên hoan thì cả Đoàn đều dồn sức hỗ trợ những gương mặt nghệ sĩ đã thành danh như: NSƯT Đào Vũ Thanh, Nhơn Hậu, nghệ sĩ Huỳnh Mơ…, đã tạo được dấu ấn trong liên hoan vừa qua. Đây chính là động lực để anh em nghệ sĩ tiếp tục cố gắng tạo thêm những tác phẩm đi vào lòng người mộ điệu…”.

Bên cạnh đó, trong năm 2018, Đoàn đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Cụ thể: Đoàn xây dựng 20 chương trình ca múa nhạc; thực hiện 6 chương trình “Dạ khúc tri âm” tại rạp Thầy Năm Tú; dàn dựng nhiều chập tấu hài, cải lương, kịch đi phục vụ như: Dàn dựng trích đoạn “Ngao Sò Ốc Hến”, kịch “Bác sĩ bất đắc dĩ”, vở cải lương “Bão dậy trời Long Hưng”…

Bên cạnh đó, Đoàn cũng đã xây dựng được hàng chuỗi chương trình nghệ thuật tổng hợp đặc sắc, phục vụ các hoạt động kỷ niệm, các sự kiện lịch sử của tỉnh như: Chương trình kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc; Chương trình văn nghệ chào mừng Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ấp Bắc; Chương trình kỷ niệm 154 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết; Chương trình Lễ hội văn hóa du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp…

Ngoài ra, Đoàn còn tích cực biểu diễn phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, phục vụ 10 suất diễn và các hoạt động giao lưu trên tàu trong chuyến đi Trường Sa, phục vụ văn nghệ chào mừng đại hội, hội nghị của các sở, ban, ngành trong tỉnh… Trong năm 2018, Đoàn đã biểu diễn được 97 buổi, trong đó 70 buổi biểu diễn sử dụng ngân sách nhà nước và 27 buổi biểu diễn phục vụ bên ngoài, thu về gần 200 triệu đồng.

Phó Trưởng đoàn Đặng Thanh Liêm tâm sự: Cơ sở vật chất, trang thiết bị tuy đã được đầu tư và cải thiện đáng kể, song vẫn thiếu và chưa đồng bộ so với yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động phục vụ các ngày lễ lớn, phục vụ nhân dân và các cơ quan, ban, ngành trong thời kỳ công nghệ phát triển. Mặt khác, đội ngũ kế thừa còn hạn chế, nhất là đối với nghệ thuật cải lương; đời sống của đội ngũ CB-VC-NLĐ từng bước được nâng cao, nhưng còn không ít khó khăn…

Để có những chương trình tốt, thời gian tới, Đoàn sẽ khắc phục mọi khó khăn, thường xuyên sưu tầm, lựa chọn những tác phẩm có giá trị nghệ thuật để xây dựng các chương trình có chủ đề tư tưởng rõ ràng.

Đặc biệt, quan tâm đầu tư cho thế hệ kế thừa; tổ chức dàn dựng, luyện tập nâng cao chất lượng cho từng tiết mục, với mong muốn phục vụ tốt nhất các yêu cầu của các cơ quan, địa phương và nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao; đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh con người, quê hương Tiền Giang đến với công chúng trong và ngoài tỉnh.

HOÀI THU

.
.
.