Bác Hồ, người có nhiều duyên nợ với báo chí
Cập nhật: 20:33, 08/05/2019 (GMT+7)
Giữa những ngày cả nước hướng tới kỷ niệm lần thứ 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, tôi nhận được món quà quý. Đó là tập sách Bác Hồ, người có nhiều duyên nợ với báo chí (ảnh, NXB Đại học Quốc gia - Hà Nội - 2019) của nhà báo, nhà văn Phan Quang - một nhà báo lão thành đã có may mắn được nhiều lần phục vụ Bác Hồ khi Người đi thăm đồng bào, chiến sĩ và tiếp bạn bè quốc tế.
Chân dung nhà báo cách mạng vĩ đại
Xoay quanh chủ đề: Bác Hồ với báo chí, tác giả đã dụng công sưu tầm các bài báo công bố suốt 70 năm hoạt động báo chí của mình để làm sáng rõ quan điểm, phương pháp luận của Bác Hồ về nghề báo, nhà báo. Bác Hồ quan niệm, văn hóa văn nghệ là một mặt trận. Văn nghệ sĩ và nhà báo là chiến sĩ trên mặt trận ấy.
Bác Hồ, người có nhiều duyên nợ với báo chí |
Đúng như nhà báo Hà Đăng đã viết trong bài Đọc Phan Quang viết về Bác Hồ in ở cuối tập sách này: “Bằng sự sắp xếp hợp lý, đan xen giữa chính luận và bút ký, kết hợp nghiên cứu với sáng tác văn học, chỉ nói người thật việc thật mà không hư cấu, sử dụng nguồn tài liệu phong phú, tác giả đã khắc họa nên hình tượng một Bác Hồ có nhiều duyên nợ với báo chí... Qua những chặng đường hoạt động cách mạng và do yêu cầu của cách mạng, Bác Hồ đã kết duyên với báo chí và sử dụng báo chí như một công cụ đắc lực để phục vụ cách mạng”. Điều này được thể hiện rất rõ trong từng bài báo của tác giả Phan Quang.
Nhà báo Phan Quang kể lại: Mùng 1 Tết Bính Thân năm 1956, Bác Hồ bất ngờ ghé vào tòa soạn báo. Khi tôi tiễn Bác ra xe, Bác nắm tay tôi tươi cười: “Chú là phóng viên, là nhà báo, năm mới Bác chúc chú nhà báo viết cho đúng, cho hay, có nhiều người đọc”.
Lời chúc đầu năm của Bác Hồ không chỉ là “định hướng cho cuộc đời nghề nghiệp” của nhà báo Phan Quang mà còn của tất cả các thế hệ nhà báo cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: Viết báo phải trả lời được 3 câu hỏi: Viết cho ai, viết như thế nào và viết để làm gì? Ba thành tố mang tính sống còn trong định hướng tác nghiệp báo chí của Bác Hồ (qua ngòi bút của nhà báo Phan Quang) đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Tiêu chí đầu tiên của báo chí là viết đúng. Phản ánh đúng bản chất của sự việc, hiện tượng mang tính nguyên tắc trong hoạt động báo chí. Nhưng viết đúng chưa đủ, theo Bác còn phải viết hay và có nhiều người đọc nữa. Lời dạy của Bác rất thiết thực, bổ ích đối với những người làm báo cách mạng Việt Nam hôm nay.
Một vấn đề mang tính thời sự nữa, đó là tính chiến đấu của báo chí cách mạng. Trong bài Bác Hồ hỗ trợ báo chí phê bình, nhà báo Phan Quang kể lại chuyện ông viết các bài điều tra về tình hình sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa và Cao Bằng (năm 1955).
Thâm nhập thực tế, nhà báo Phan Quang phản ánh tình hình sản xuất ở đây có nhiều tiêu cực. Nguyên nhân chính dẫn đến tình hình trên là trách nhiệm của cán bộ, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền. “Cán bộ lãnh đạo huyện Quảng Xương thì “mải bận công tác, bận họp hành”, “Đồng chí Tỉnh ủy viên phụ trách Hội Nông dân tỉnh thì trong thời gian nửa năm tại chức chưa ký một văn bản nào chỉ đạo công việc ngoài đôi ba lần tới đọc diễn văn khai mạc hội nghị...”.
Thời ấy phê bình trên báo chí như thế cũng là “bạo gan” lắm. Từ Thanh Hóa một số lãnh đạo cấp tỉnh phản ứng gay gắt rằng: “Quái, một cậu phóng viên mặt còn non choẹt lại dám viết bài chê cả một tỉnh lớn nhất nước như tỉnh Thanh Hóa”.
Tác giả bài báo đang “bồn chồn” chờ công văn phản đối của địa phương thì ngày 4-7-1955, Báo Nhân Dân đăng bài: “Có phê bình phải có tự phê bình” của H.B (bút danh của Bác Hồ). Tác giả H.B chỉ rõ: “Còn nhiều việc phê bình nêu lên báo rồi không thấy những cơ quan hay địa phương có vấn đề lên tiếng, như đối với bài phê bình Tỉnh ủy Thanh Hóa coi nhẹ lãnh đạo sản xuất, nhà ga Hà Nội có những hiện tượng lãng phí...”.
Di sản đạo đức của người làm báo
Tập sách Bác Hồ, người có duyên nợ với báo chí không chỉ khắc họa chân dung một nhà báo cách mạng vĩ đại - nhà báo Hồ Chí Minh, mà còn là thông điệp và di sản về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Theo nhà báo Phan Quang, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức báo chí. Xác định báo chí là một mặt trận nên Người mong muốn các nhà báo cách mạng phải là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Để hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ, nhà báo phải không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng.
Các bài báo: Nghĩ về bản lĩnh báo chí Việt Nam, Tờ báo ra ngày hạ chí, Bác Hồ với Hội Nhà báo Việt Nam..., bằng thực tế tai nghe, mắt thấy, nhà báo Phan Quang đã cung cấp cho chúng ta những thông tin bổ ích về cái “duyên”, cái “nợ” của Bác Hồ đối với báo chí.
Bác Hồ đã từng căn dặn: “Nói đến báo chí, trước hết phải nói đến những người làm báo”. Đạo đức trước tiên của người làm báo là trung thành với Tổ quốc, với Đảng, vì lợi ích của nhân dân. Đến nay, lời dạy ấy của Bác vẫn còn nguyên giá trị. Luật Báo chí và quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo cũng chỉ rõ: “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”. Để làm tròn sứ mệnh ấy, nhà báo phải không ngừng học tập, tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức.
Theo nhà báo Phan Quang, những tiêu chí đạo đức nghề báo: “tâm sáng, bút sắc, lòng trong” mà Hội Nhà báo Việt Nam ban hành cũng xuất phát từ tấm gương đạo đức cách mạng, phong cách lối sống của nhà báo Hồ Chí Minh.
Nhà báo Phan Quang đã trên tuổi 90, trong đó ông có hơn 70 năm làm báo cách mạng và hàng chục năm được phân công “theo mảng” chính trị đặc biệt: tháp tùng Hồ Chủ tịch trong các chuyến công tác của Người.
Với sự khiêm nhường gần như thuộc tính của tác giả, trong lời thưa mở đầu tập sách, nhà báo Phan Quang viết: “Hồ Chí Minh là cánh rừng bạt ngàn trên đỉnh Hoàng Liên Sơn, tôi đứng ở chân núi chỉ có thể nhìn thấy mấy cây trước mặt”. Thực sự đọc Bác Hồ, người có nhiều duyên nợ với báo chí, kết quả đã vượt lên ước nguyện, mục đích của tác giả. Đó là tài liệu quý báu cho tất cả chúng ta, đặc biệt thế hệ mai sau về chân dung một nhà báo cách mạng vĩ đại thế kỷ XX và di sản về đạo đức của người làm báo.
(Theo sggp.org.vn)