Du lịch nông nghiệp cuối dòng Mê Công
Chỉ từ 2 cây siro, một nhà vườn ở Gò Công Đông (Tiền Giang) đã tạo nên điểm nhấn du lịch nông nghiệp. Châu thổ cuối nguồn Mê Công cần được “đánh thức” từ những tài nguyên bản địa do chính tay người nông dân tạo dựng.
Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng |
Từ cột mốc số không
Tháng 7-2019, xứ Gò Công - Tiền Giang bỗng được nhiều khách du lịch cả nước chú ý bởi con đường với những hàng cây siro trái chín đỏ.
Chủ nhân của hàng cây siro là ông Nguyễn Văn Vũ (Chín Vũ), môt nông dân ở xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông. Những ngày qua, nhà ông Vũ đầy khách du lịch đến tham quan.
Cách đây khoảng 6 năm, ông Chín Vũ trồng 2 cây siro làm kiểng trước cổng. Cây hạp đất phát triển nhanh, ông nhân ra hàng chục gốc, bao bọc thành hàng rào siro chín mọng.
Giờ ông Chín Vũ, một nông dân bản địa đã thành hướng dẫn viên du lịch. Chủ vườn niềm nở đón tiếp, nhiệt tình giới thiệu đến khách những sản phẩm từ trái siro. Khách đến tham quan, chụp ảnh, rồi thưởng thức vị lạ của ly siro giữa không gian xanh mát.
Câu chuyện của lão nông Chín Vũ ở Gò Công như một điển hình tiêu biểu cho nhận định của ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ Du lịch Vòng Tròn Việt (chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL):“ĐBSCL là đồng bằng đẹp hàng đầu châu Á. Nơi đây có khí hậu tốt với đồng lúa, vườn cây, làng xóm đẹp. Cùng với hệ thống sông ngòi, rừng ngập mặn và các khu bảo tồn, là điều kiện lý tưởng để làm du lịch nông nghiệp”.
Nhận ra những tiềm năng du lịch nông nghiệp, trong tháng 7-2019, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức một hội thảo để tìm cách giúp nông dân chung tay làm du lịch nông nghiệp.
Từ hội thảo này, nhiều người biết đến những tiềm năng du lịch nông nghiệp độc đáo của Hậu Giang như: Khu du lịch sinh thái tại Trung tâm nông nghiệp Mùa Xuân; Khu du lịch sinh thái Việt Úc - Hậu Giang; Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng…
Ông Stiermann Marrin, Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Ricefield Logge ở xã Trường Long, huyện Phong Điền (Cần Thơ), khi đi thực tế tại Lung Ngọc Hoàng đã nhiều lần thốt lên: “Tuyệt vời!”.
Ông nói: “Tôi nghĩ Lung Ngọc Hoàng đẹp hàng đầu Việt Nam. Tôi đã đi nhiều nơi ở Việt Nam nhưng chưa nơi nào tôi thấy có cảnh quang tuyệt vời như thế này”.
Cách đây không lâu, có dịp cùng anh Bảy Chánh (Trần Công Chánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang) tham quan Lung Ngọc Hoàng mà cứ ngỡ như đi vào vùng lõi của rừng U Minh Thượng.
Nhiều người gọi Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là “lá phổi xanh” của ĐBSCL. Với diện tích trên 2.800ha, đây là vùng đất rất đặc biệt khi có hơn 500 loài cây, con sinh sống. Trong số đó, rất nhiều loại thuộc dạng quý hiếm.
Người dân sống gần Lung Ngọc Hoàng có cách giải thích rất đơn giản: “Do lung lớn quá, đi mãi không hết, ban đầu dân địa phương gọi là “Lung Trời”. Dần dà có người cách điệu gọi Lung Ngọc Hoàng”.
Quơ tay vớt mấy cọng rong trứng, chỉ tay lên phía bờ, anh Bảy Chánh nói: “Đây là cột mốc số không, nơi đất có cao độ thấp nhất châu thổ”.
Thấy tôi và vài đồng nghiệp có vẻ chưa thông, lát sau anh Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, giải thích thêm: “Khu đất đó là rốn của rốn. Nếu toàn diện tích Lung Ngọc Hoàng thuộc diện có cao độ thấp nhất trong vùng, thì chỗ anh Bảy chỉ là nơi đất trũng nhất trong khu bảo tồn”.
Đến hội quán cộng đồng
Tiếp nối hội thảo chung tay làm du lịch nông nghiệp của Hậu Giang, trung tuần tháng 7-2019, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức Tuần lễ văn hóa du lịch 2019. Đây được xem là chuỗi sự kiện với những điểm nhấn đặc trưng của du lịch nông nghiệp châu thổ cuối dòng Mê Công.
Cách đây một năm, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, đã kể một câu chuyện: “Hôm rồi, tôi gặp một nông dân chuyên trồng quýt ở Lai Vung, nay làm thêm một điểm tham quan trải nghiệm mà chúng ta gọi là “du lịch nông nghiệp”.
Anh ấy trăn trở rằng: Đã đem những trái quýt lúc xuống giá hoặc không đủ kích cỡ để bán tươi và ép thành nước cho khách và được họ khen. Nhưng làm sao để bảo quản nước ép đó nhiều ngày hơn? Tôi không trả lời được câu hỏi đơn giản đó và mong ước các viện, trường cung cấp những công nghệ như vậy”.
Có lẽ để “giải mã” một cách thiết thực câu hỏi của anh nông dân trồng quýt ở Lai Vung, cần phải có một cuộc “thảo luận”. Và ông Lê Minh Hoan đã rất vui khi thành lập được Hội quán cùng nhau làm du lịch ở Tân Quy Đông - Sa Đéc với 15 thành viên.
Ông Lê Minh Hoan nói như không chỉ nhắc nhở các thành viên hội quán: “Chuyện du lịch khi trồi, khi sụt có phần do ứng xử thiếu tinh tế mà ra. Mỗi người lo sợ cái bánh mà chia phần nhiều quá thì phần mình hưởng nhỏ lại. Sao không nghĩ rằng, tất cả cùng nhau làm cho chiếc bánh ngày càng to ra, gấp đôi gấp ba… rồi ai cũng được chia phần nhiều hơn”.
“Khách du lịch dừng chân sẽ trò chuyện nhiều điều thú vị. Người nông dân làm du lịch sẽ cảm nhận, tiếp thu kiến thức, từ đó, tạo ra sự thay đổi về tri thức. Nhất thiết họ phải thay đổi trong lời ăn tiếng nói, thậm chí thay đổi cách sản xuất theo hướng: Tui là nông dân tử tế, chứ không phải làm ăn qua loa...”, ông Lê Minh Hoan nhận định.
Ông Chín Vũ giờ bán cả cây siro giống cho khách tham quan (giá dao động từ 20.000 - 150.000 đồng/cây). Bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của cây siro, khách tham quan thường chọn mua vài cây, thậm chí vài chục cây về trồng với hy vọng sở hữu vườn cây đáng mơ ước như ông Chín Vũ.
(Theo sggp.org.vn)