Tác giả "Em ơi! Hà Nội phố" qua đời
Cập nhật: 20:56, 18/07/2019 (GMT+7)
Nhà thơ Phan Vũ đã qua đời sáng 17-7-2019, hưởng thọ 93 tuổi, khép lại chặng đường gần một thế kỷ lãng mạn và đam mê.
Từ thuở đôi mươi, khi gia nhập quân đội và hoạt động văn nghệ trong kháng chiến, chàng trai Trần Hồng Hải đã chọn bút danh Phan Vũ thay cho tên thật. Phan Vũ tài hoa và đào hoa, đã cao hứng rong chơi qua nhiều lĩnh vực nghệ thuật, sân khấu cũng có, điện ảnh cũng có, hội họa cũng có. Thế nhưng, thành tựu quan trọng của Phan Vũ vẫn là thi ca, như chính ông bộc bạch: “Tôi là chiếc phi thuyền/Trong không gian mắc nợ/Cả cuộc đời mắc nợ những câu thơ”.
Chân dung Phan Vũ tự họa |
Bài thơ khởi nghiệp Bình vỡ viết năm 1956, đã cho thấy một Phan Vũ nhiều suy tư: “Chỉ còn màu xanh trong từng mảnh nhỏ/Sao đâu đây phảng phất mùi hương thơ ngây”. Tuy nhiên, so với những tên tuổi văn chương lúc bấy giờ, thơ Phan Vũ cũng không có gì nổi trội.
Mãi đến cuối năm 1972, lúc bom Mỹ điên cuồng phá hoại thủ đô, thì Phan Vũ ngồi trên căn gác nhỏ ở phố Hàng Bún đã viết được tác phẩm Hà Nội phố đắc ý nhất đời ông. Tuy chưa thể gọi là trường ca, nhưng bài thơ Hà Nội phố dài 443 câu thơ được chia làm 23 đoạn thơ. Trừ đoạn thơ thứ 13 có tên Riêng về một chuyến đi và đoạn thơ thứ 20 có tên Riêng về một tháng chạp, thì các đoạn thơ còn lại chủ yếu được trợ hứng từ câu cảm thán nửa như thầm thì nửa như nhắc nhở “Em ơi, Hà Nội phố”.
Bài thơ Hà Nội phố được Phan Vũ mang đi đọc khắp nơi cho bạn bè nghe giữa những chiếu rượu hoặc những buổi trà. Năm 1986, nhạc sĩ Phú Quang đã lẩy ra vài câu trong các đoạn thơ thứ 1, 2, 3, 7, 10, 20, 21 và 23 để phổ thành ca khúc Em ơi, Hà Nội phố. Phải thừa nhận, nhạc sĩ Phú Quang đã tinh tường chọn được những câu thơ bay bổng và có sự trau chuốt thêm để ca từ mềm mại theo giai điệu: “Em ơi, Hà Nội phố/Ta còn em mùi hoàng lan/Ta còn em mùi hoa sữa/Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ/Ai đó chờ ai, tóc xõa vai mềm…/Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông/Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông, mảnh trăng mồ côi mùa đông…”.
Bài hát Em ơi, Hà Nội phố nhanh chóng được nhiều thế hệ yêu thích như một trong những bài hát tiêu biểu về mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến! Sau này, khi có điều kiện in ấn trọn vẹn bài thơ Hà Nội phố, Phan Vũ cũng chấp nhận luôn cái tên Em ơi, Hà Nội phố cho tác phẩm của mình!
Ngoài những câu thơ được đưa vào ca khúc Em ơi, Hà Nội phố, phần còn lại của bài thơ Hà Nội phố vẫn không mấy quen thuộc với công chúng. Đoạn thơ thứ 8 cũng có giá trị như một bài thơ hoàn chỉnh: “Em ơi Hà Nội phố/Ta còn em khuya phố mênh mông/Vùng sáng nhỏ/Bà quán ê a chuyện nàng Kiều/Rượu làng Vân lung linh men ngọt/Mắt cô nàng lúng liếng đong đưa/Ngơ ngẩn bao chàng trai Kẻ Chợ/Cơn say quá dài thành một cơn mê”.
Có không ít đoạn thơ trong Em ơi, Hà Nội phố la đà kể lể, nhưng thỉnh thoảng bật lên những câu ấn tượng. Đoạn thơ thứ 10 giàu chất điện ảnh: “Ta còn em một tên thật cũ Cổ Ngư/Chiều phai nắng/Cành phượng vĩ la đà/Bông hoa muộn in hình ngọn lửa”.
Đoạn thơ thứ 15 phác họa một bức tranh phong cảnh trầm mặc và run rẩy: “Ta còn em đường lượn mái cong/Ngôi chùa cổ/Năm tháng buồn/Xô lệch ngói âm dương”. Đoạn thơ thứ 18 nhận diện sự thay đổi trên mảnh đất ngàn năm văn hiến: “Ta còn em một Hàng Đào không bán đào/Một Hàng Bạc không còn thợ bạc/Đường Trường Thi không chõng không lều, không ông nghè bái tổ vinh quy”.
Đặc biệt, đoạn thơ thứ 21 có 2 câu thể hiện đầy đủ sự ngổn ngang và sự mất mát của Hà Nội cuối năm 1972, mà giá trị hoàn toàn vượt trội ca từ Em ơi, Hà Nội phố về mặt nhận thức thẩm mỹ: “Một mình giữa bóng chiều sa/Tha hương ngay trước cửa nhà mẹ cha”.
Năm 1990, nhà thơ Phan Vũ vào TPHCM định cư và không ngần ngại bày tỏ mơ ước viết cho đô thị sầm uất nhất phương Nam một bài thơ dài có sức lan tỏa tương đương Em ơi, Hà Nội phố. Đáng tiếc, thi ca lắm lúc giống như món quà của định mệnh, không thể cưỡng cầu bằng kinh nghiệm và nỗ lực. Mất 10 năm cặm cụi, từ 1998 đến 2008, Phan Vũ viết Bài thơ về một câu hỏi với ngôn từ mạnh mẽ không thua kém một bài xã luận nồng nàn...
Bây giờ Phan Vũ đã xuôi tay về miền xanh thẳm. Có thể không ai nhớ ông từng viết kịch hoặc từng làm phim, nhưng nhiều người sẽ nhớ ông với những câu thơ đắm đuối: “Ly rượu đầy xin rót cúng cha/Nghìn lạy cúi đầu thương đất Tổ/Bến nước nào đã neo thuyền ngự/Đám mây nào in bóng rồng bay”.
Đặc biệt, những người yêu Hà Nội sẽ mãi biết ơn ông vì những câu thơ ông viết đã góp phần cho Hà Nội lung linh hơn với “Mỗi góc phố một trang tình sử”.
(Theo sggp.org.vn)