.

Hai mặt của chương trình cho thiếu nhi

Cập nhật: 21:32, 10/07/2019 (GMT+7)
Những hệ lụy, mặt trái của các chương trình dành cho trẻ em là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Việc các con tham gia liên tiếp từ chương trình này đến chương trình khác, hay khi đã có danh tiếng phải chạy show, vốn không phải là điều xa lạ. Cũng không ngạc nhiên việc nhiều ngôi sao nhí chính là người tạo ra thu nhập chính cho gia đình.
 
a
Siêu nhí khởi nghiệp, màu sắc mới trong các chương trình cho trẻ em
Nhiều lựa chọn
 
Từ ngày 20-7, trên sóng VTV3 sẽ ra mắt 2 chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em gồm: The Voice Kids (Giọng hát Việt nhí, 21 giờ 15 thứ bảy hàng tuần) và Kiddie Shark (Siêu nhí khởi nghiệp, 15 giờ thứ bảy hàng tuần). Với Giọng hát Việt nhí, trong mùa thứ 7 tổ chức đã có những đổi mới nhất định để thu hút sự chú ý của khán giả. Năm nay, chương trình có 3 ghế nóng dành cho 3 cặp huấn luyện viên gồm: Dương Khắc Linh - Phạm Quỳnh Anh; Lưu Thiên Hương - Ali Hoàng Dương; Hương Giang - Dương Cầm. 
 
Còn Siêu nhí khởi nghiệp thì dành cho các em nhỏ từ 7-14 tuổi, nhằm tìm kiếm, nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp, đồng thời hướng dẫn, thực hành các kỹ năng lãnh đạo phù hợp với lứa tuổi của các bạn nhỏ. Quỹ “Tài năng khởi nghiệp Apax Leaders” với số vốn ban đầu 100 tỷ đồng, sẽ được sử dụng đầu tư cho các bé khi tham gia gọi vốn cho các dự án tương lai và cũng là dạng trao học bổng, giúp các bé phát triển kỹ năng tiếng Anh, lãnh đạo… Chương trình có sự tham gia trong vai trò cố vấn của nghệ sĩ hài Xuân Bắc, ca sĩ Đoan Trang, diễn viên Midu, diễn viên Ngô Kiến Huy, diễn viên Minh Hằng. Họ sẽ đưa ra các góp ý, chất vấn các bạn nhỏ trước khi quyết định để các bé gặp gỡ nhà đầu tư. 
 
Theo diễn viên Xuân Bắc: “Chúng tôi không chỉ quan tâm đến việc học tập mà còn quan tâm đến sự an toàn của các cháu khi khởi nghiệp. Có những dự án rất tốt nhưng không an toàn khi thực hiện, dù có thuyết phục thế nào, chúng tôi cũng không cho gặp nhà đầu tư. Vì hơn ai hết, chúng tôi là những người có trách nhiệm, không chỉ ngồi đó làm bình hoa cho đẹp”.
 
Trước đó, từ ngày 14-7, Model Kid Vietnam mùa đầu tiên cũng chính thức lên sóng VTV9 với sự tham gia của 4 huấn luyện viên: Tuyết Lan, Mâu Thủy, Quang Đại và Hương Ly.  
Ngoài những cái tên trên, trên sóng các kênh truyền hình, những chương trình truyền hình thực tế, gameshow dành cho trẻ em vẫn xuất hiện đều đặn như: Tuyệt đỉnh song ca nhí, Biệt tài tí hon, Gia đình vui vẻ, Nhanh như chớp nhí, Đối thủ xứng tầm nhí…
 
Động lực hay áp lực 
 
Một bà mẹ giấu tên có con tham gia một chương trình gameshow đã cho biết, đó cũng là lần cuối cùng chị cho con tham gia. “Tôi xem trên truyền hình thấy khá vui và muốn con có thêm cơ hội trải nghiệm trong dịp hè. Khi đến ghi hình, các bé được phân chia về các đội chơi nhưng con mình bị gạt ra vì bề ngoài con khá nhỏ.
 
Các phụ huynh khác sợ bé ảnh hưởng đến thành tích chung của cả đội nên không ai muốn nhận, nhưng cuối cùng phải miễn cưỡng nghe theo sự sắp xếp của ban tổ chức. Nhìn thấy con bị phân biệt, tôi cũng chạnh lòng và thấy sợ tâm lý thắng thua của chính các ông bố bà mẹ khác”, chị nói.  
 
Tại buổi ra mắt Siêu nhí khởi nghiệp, nhà báo Diễm Quỳnh, Trưởng ban Thanh thiếu niên VTV6, cũng là người đồng hành cùng chương trình, chia sẻ một khía cạnh rất đáng được lưu tâm: “Khi xem chương trình, tôi sẽ đặt câu hỏi: Tôi đã đủ lắng nghe con tôi chưa? Và tôi đã hỏi con: Con thích làm gì? Con có thích kinh doanh không? Nếu con kinh doanh mẹ giúp con, con có đồng ý không?”. Theo chị, cha mẹ phải đặt câu hỏi cho chính mình trước. Và khi trả lời được câu hỏi đó, mỗi ông bố, bà mẹ sẽ hiểu rõ mong muốn của con, giúp con thực hiện ước mơ một cách mạnh mẽ hơn, đồng thời khiến “chúng ta làm bố, làm mẹ tích cực hơn”.  
 
Đồng quan điểm, phụ huynh của một ngôi sao nhí đình đám hiện nay, nói: Việc các con tham gia vào gameshow hay truyền hình thực tế, quyền quyết định đều thuộc về bố mẹ. “Tôi dám cược, đa phần do bố mẹ thích nên đăng ký cho con tham gia, chứ thực tình không phải bé nào cũng biết đến, hay thích được tham gia các chương trình. Và nếu có, các bé cũng chỉ nghĩ, tham gia để được vui hơn là thắng thua. Khi con có thành tích, bố mẹ cũng là người sung sướng, hãnh diện đầu tiên”. 
 
Không quá ngạc nhiên khi hiện nay nhiều ông bố, bà mẹ sẵn sàng đầu tư cho các bé tham gia các lò luyện tài năng để đi thi. Hệ quả là mỗi lần bước lên sân khấu, các bé không còn giữ được sự hồn nhiên, trong sáng, thay vào đó là hình ảnh của những ông, bà cụ non. Thấu hiểu, tin tưởng và chọn cách đồng hành đúng đắn cùng con, rõ ràng là thử thách không nhỏ với các bậc phụ huynh. Đừng để chỉ vì ham muốn của cha mẹ, các bé sẽ bị đẩy vào cuộc cạnh tranh và cuối cùng, người chịu thiệt thòi nhất chính là con trẻ.
 
(Theo sggp.org.vn)
.
.
.