Huyện Cai Lậy: Khơi dậy tiềm năng du lịch
Nằm trên trục giao thông về các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, không khí thiên nhiên trong lành, huyện Cai Lậy có nhiều tiềm năng phát triển các loại hình du lịch.
Du khách tìm hiểu nghề đan lục bình tại ấp Tân Thiện, xã Tân Phong. |
1. Được phù sa bồi đắp nên từ lâu, cù lao Tân Phong (xã Tân Phong) nổi tiếng là vùng đất cây lành trái ngọt. Những năm gần đây, Tân Phong trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, tạo ấn tượng với du khách trong nước và quốc tế.
Từ bến phà Cái Bè, du khách có thể đi thuyền tham quan chợ nổi Cái Bè, đạp xe dạo quanh cù lao Tân Phong tìm hiểu hoạt động sản xuất, các nghề truyền thống của người dân nơi đây, hòa mình vào thiên nhiên giữa những khu nhà nghỉ yên tĩnh, vườn cây ăn trái trĩu quả.
Du khách Nguyễn Thị Tường Vân đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi chọn cù lao Tân Phong vì muốn trải nghiệm không khí thiên nhiên trong lành sau thời gian làm việc, học tập căng thẳng. Ấn tượng đối với tôi là người dân rất vui vẻ và hiếu khách. Không quá xa TP. Hồ Chí Minh nên nơi đây đáp ứng yêu cầu của kỳ nghỉ cuối tuần cùng gia đình, bạn bè với chi phí hợp lý”.
Huyện Cai Lậy có 15.000 ha vườn cây ăn trái với các loại trái cây đặc sản, hệ thống sông, kinh, rạch chằng chịt, nguồn thủy sản nước ngọt khá dồi dào, phong phú, 9 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia... Lợi thế thiên nhiên ban tặng và truyền thống văn hóa, lịch sử là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển các loại hình du lịch.
Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cai Lậy, toàn huyện có 14 điểm kinh doanh du lịch ở các xã Tân Phong, Phú An, Cẩm Sơn và Tam Bình, với hình thức lưu trú homestay, tham quan vườn cây ăn trái, du thuyền trên sông…
Nắm bắt nhu cầu của du khách, các điểm kinh doanh chú trọng khai thác tiềm năng, tạo sự phong phú, đa dạng cho sản phẩm du lịch. Chị Nguyễn Thị Hồng Huế (Khu du lịch MeKong Ecolodge ở ấp Tân Luông A, xã Tân Phong) cho biết: “Khu du lịch Mekong Ecolodge được đầu tư xây dựng theo tiêu chí gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu “sống xanh” của du khách. Các bungalow cho khách nghỉ dưỡng từ nguyên liệu dân dã với mái lá, nội thất tre, gỗ. Hiện nay, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động để khách tìm hiểu văn hóa địa phương như tham quan các nghề truyền thống, tự tay chế biến một số món ăn của miền Tây như bánh xèo, bánh lá mít, trải nghiệm hoạt động tát mương bắt cá, thu hoạch trái cây tại vườn…”.
2. Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 11 ngày 5-4-2017 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, nhận thức, tư duy, cách làm du lịch ở huyện Cai Lậy có sự chuyển biến tích cực.
Năm 2018 và 9 tháng năm 2019, huyện Cai Lậy thu hút trên 122.000 lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó có gần 91.000 lượt khách quốc tế.
Để phát triển hoạt động du lịch, huyện Cai Lậy phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát tình hình phát triển du lịch ở cù lao Tân Phong, lập quy hoạch phát triển du lịch xã Tân Phong giai đoạn 2018 - 2022 và tầm nhìn đến năm 2030.
Từ định hướng này, huyện phối hợp các sở, ngành tỉnh thực hiện giải pháp huy động nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển du lịch, bước đầu tạo được những tín hiệu khả quan.
Về phát triển hạ tầng du lịch, huyện Cai Lậy đã được ngân sách tỉnh đầu tư trên 216 tỷ đồng thi công công trình bờ kè Tân Phong và đường trung tâm xã Tân Phong, tạo động lực phát triển du lịch cho xã.
Giai đoạn 2019 - 2025, huyện lập quy hoạch 8 dự án hạ tầng du lịch trên địa bàn huyện với tổng mức đầu tư hơn 290 tỷ đồng trình UBND tỉnh xem xét, phân bổ kinh phí.
Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch cũng được huyện chú trọng triển khai; đồng thời, thu hút, mời gọi doanh nghiệp đầu tư các dự án du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện cho du khách khám phá, trải nghiệm văn hóa, phong cảnh thiên nhiên gắn với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đặc thù...
Phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, tương lai không xa, huyện Cai Lậy sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trên hành trình khám phá miền Tây.
TRƯỜNG GIANG