Chuyện về những người mê sách
Tôi trót mang “bệnh” mê sách từ nhỏ, nên thấy người đồng “bệnh” là tương lân. Tôi có dịp tương lân với nhiều người mê sách. Ở Tiền Giang, có nhiều dịp được mời dự giao lưu với nhóm văn nghệ Tiền Giang, tôi quen ông thầy Nguyễn Văn Quý.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Quý bên tủ sách của gia đình. Ảnh: T.D |
Thú mê sách của ông cũng lạ. Một quyển sách hay như “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân, ông có tới mấy cuốn. Ông nói, mỗi lần xuất bản đều có thêm bớt khác nhau do sự kiểm duyệt của chính quyền thời đó.
Sách Hồ Biểu Chánh ông có đầy đủ, nhờ vậy khi phong trào in sách Hồ Biểu Chánh của Nhà Xuất bản (NXB) Tiền Giang nở rộ là có phần đóng góp của ông. Ông nói với tôi, hồi đất nước mới thống nhất, nhà văn Nguyễn Công Hoan vào TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang được ông tặng lại quyển “Bước đường cùng”, xuất bản năm 1938, khiến nhà văn mừng rỡ khi gặp lại đứa con tinh thần của mình.
Tủ sách của ông có nhiều loại, loại nào ông xem là sách quý thì đưa vô tủ kiếng, sách thường thì đặt ngoài kệ. Mỗi lần tôi từ TP. Hồ Chí Minh về quê ở tỉnh Bến Tre là tôi đều ghé thăm ông để trò chuyện về sách. Gặp ông để nghe, cuốn sách nào mới ra, sách nào được dư luận bàn tán.
Ông chỉ cho tôi một vài “mánh” mua sách. Cùng là một tựa sách, nhưng nhiều khi xuất bản ở nhiều NXB, có thể là sách của NXB Văn học, có thể là NXB Kim Đồng… Ông khuyên tôi nên mua thêm sách của NXB Kim Đồng, sách đẹp, bìa cứng giá “mềm” hơn, có lẽ vì sách này được Nhà nước tài trợ hay sao đó (?). Nhờ đó, tôi ra hiệu sách của NXB Kim Đồng mua được bộ sách “Bè Trầm” của Nguyễn Trọng Tín chỉ có 6 ngàn đồng/cuốn, trong khi cùng tựa đó của NXB khác giá gấp hai, gấp ba lần.
Tuy nhà là một kho sách lớn nhưng ông Quý cũng thường đến Thư viện tỉnh Tiền Giang để nghiên cứu. Tôi có người em làm quản thủ thư viện này, nên thường hỏi thăm sức khỏe của ông qua người em này. Mỗi lần tết đến, tôi về quê bằng xe máy, ngang qua TP. Mỹ Tho, tôi ghé nhà ông, trước là thăm ông, sau là trò chuyện mê sách.
Nhớ có lần đến thăm, ông bệnh nặng, nằm ghế bố, vậy mà ông ngồi bật dậy nói chuyện với tôi gần hai giờ đồng hồ mà không cảm thấy mệt. Sau đó vài tháng, theo thói quen, tôi lại đến thăm ông vào dịp tết, vô nhà thì thấy ông đã hưởng khói hương trên bàn thờ. Tôi không ngờ lần gặp lúc ông bệnh kỳ trước là lần gặp ông cuối cùng!
Ông Nguyễn Văn Tâm là bạn già của ông Sơn Nam, giáo viên tiểu học ngày xưa. Tôi quen ông Tâm qua nhà văn Sơn Nam, vì thường uống cà phê sáng ở Thư viện quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh. Ông Tâm có thói quen mỗi sáng Chủ nhật đi lễ nhà thờ ở quận Phú Nhuận, qua uống cà phê với Sơn Nam và các bạn ở Thư viện quận Gò Vấp.
Từ khi Sơn Nam bị tai nạn giao thông, rồi mất đi, ông chuyển xuống uống cà phê với các đồng nghiệp cũ ở Thư viện Gia Định, gần Lăng ông Bà Chiểu. Sau khi uống cà phê là ông đi lựa sách ở khu sách cũ đường Trần Huy Liệu. Sách của nhà văn Sơn Nam viết là ông gom hết.
Ngoài sách của Sơn Nam, những bài báo viết về “Ông già Nam bộ” này ông cũng gom, bài viết đăng trong báo thường không ngay ngắn và không theo khuôn khổ như sách, nên ông cắt từng bài dán vào tờ giấy cứng trên khổ A4, xong ép plastic lại trông đẹp mắt. Nếu so sánh sách của ông với các tay mê sách khác thì số lượng sách của ông không nhiều, nhưng nếu riêng về tác giả Sơn Nam thì không ai qua ông được.
Chính vì vậy mà Nguyễn Trọng Tín “phong” cho ông là “Đệ nhất độc giả Sơn Nam” và các nghiên cứu sinh làm đề tài về Sơn Nam phải cần đến tủ sách của ông. Sau khi nhà văn Sơn Nam qua đời, ông Tâm chuyển sang sưu tầm tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, nhưng không biết ông mua sách tới năm nào thì ngưng, bởi Nguyễn Ngọc Tư còn trẻ, còn ông thì đã hơn bát tuần rồi. Ở tỉnh lẻ, gặp các tiền bối mê sách, tôi cứ nghĩ là do họ hấp thụ nền văn hóa xưa, ngày nay chắc hiếm người vì sách trên mạng có rất nhiều, ai mà mua sách nữa.
Ấy vậy mà, gần đây tôi gặp anh Trần Trọng Quốc Khanh có trong nhà hơn 3 ngàn quyển, từ Phật giáo đến Ki tô giáo, từ tài chính đến triết học. Anh mua sách từ năm 26 tuổi khi đã ra trường có việc làm, có tiền mới mua sách được.
Đối với anh, mua sách không phải để chưng, để khoe, mà là muốn ủng hộ cho nhiều người trong xã hội, trong đó có tác giả, dịch giả, nhà xuất bản, nhà in, nhà sách và nhân viên trong chuỗi sản xuất, kinh doanh đó. Anh còn chủ trương mua sách gốc, không mua sách in lậu vì muốn ủng hộ chính tác giả. Anh nói, cứ mua sách về trước đã, nếu không đọc hoặc đọc không hết thì vẫn còn cơ hội trao tặng lại cho người khác.
Theo anh, góp phần tạo thu nhập cho người khác tức là tạo thu nhập cho chính mình. Hằng tháng anh ra nhà sách ít nhất 2 lần để xem có sách mới hay sách mới tái bản. Nhìn kệ sách của anh, tôi thấy có 40 bảng phân loại chủ đề sách rất rõ ràng, giúp anh tìm nhanh những quyển sách có chủ đề đang quan tâm. Bảng phân loại chủ đề được thiết kế với màu nhũ vàng, nhìn xa trông giống như những ánh sao vàng tỏa sáng.
Lập tủ sách gia đình hay cường điệu thêm chút là “thư viện mi ni”, anh mong muốn bạn bè, thân hữu khi đến nhà uống trà đàm đạo sẽ cảm thấy ấn tượng về một kệ sách được sắp đặt tỉ mỉ. Đã có nhiều bạn đến nhà chơi, thấy bắt mắt về “thư viện” mi ni này, họ chụp nhiều hình ảnh ở đây để lưu niệm.
Trong những người mê sách, đa số ít ai nói về lợi ích của nó, dù họ biết sách đem lại sự uyên bác, trí tuệ, nhưng khi trả lời thì họ khiêm tốn nói rằng chơi sách hay mê sách làm thỏa tính đam mê của mình như mê cây cảnh, mê đánh cờ tướng…; còn “hại” thì nhiều người cũng thấy, hao tài, mất thời gian bảo quản… Nhưng với Quốc Khanh, anh cho rằng, mê sách bớt thói kiêu ngạo, dạy đời, bớt phê bình, chỉ trích, ganh tị, đố kỵ, ích kỷ. Đọc sách để chấp nhận sự khác biệt, đa dạng, sáng tạo, biết hài hước, lôi cuốn người khác…
LƯƠNG MINH