Thứ Tư, 27/11/2019, 15:19 (GMT+7)
.

Mang văn hóa thư pháp đến lễ hội dân gian

Nghệ thuật viết thư pháp đã trở thành nét văn hóa cổ truyền dân tộc từ xưa. Ngày nay, thú chơi chữ, hay nói cách khác là chơi thư pháp không ngừng phát triển qua các năm và đã trở thành nét văn hóa đặc trưng vào mỗi dịp lễ, tết. Tại Lễ hội Văn hóa, Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) mới đây, với hình thức các “ông Đồ” cho chữ đã góp phần làm “sống dậy” giá trị văn hóa của dân tộc, tô điểm thêm nét đẹp có từ xa xưa, thu hút nhiều du khách thưởng lãm.

 “Ông Đồ” cho chữ tại Lễ hội Văn hóa, Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp.
“Ông Đồ” cho chữ tại Lễ hội Văn hóa, Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp.

Xin chữ là một việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa của Việt Nam, thể hiện sự trọng chữ nghĩa và cũng là mong muốn xin được con chữ lấy may mắn, cầu tài lộc, hạnh phúc cho gia đình. Tùy theo đối tượng, ngành nghề mà xin những chữ khác nhau: Chữ Hán, chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Thư pháp tỉnh Tiền Giang Võ Thanh Sơn, cho biết: “Hiện nay, giới trẻ chuộng chữ Quốc ngữ chuyển sang thể thư pháp. Ngày nay, không gian thư pháp có nhiều cải tiến, mở rộng hơn xưa, từ đối tượng thưởng ngoạn đến nghệ nhân. Ngày xưa, ông Đồ đa phần là giới văn nghệ sĩ, theo học chuyên sâu về thư pháp và có kiến thức về hội họa, bởi tác phẩm thư pháp cũng đòi hỏi có giá trị thẩm mỹ cao về nội dung và hình thức.

Ngày nay, thư pháp có phần đại chúng hơn, người chơi thư pháp không chỉ là văn nghệ sĩ, mà đủ thành phần trong xã hội, nhiều người đến với thư pháp như để lắng lòng lại, tìm kiếm sự bình yên, thanh thoát trong tâm hồn, lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống... Chất liệu viết thư pháp cũng đa dạng hơn ngày xưa, có thể viết trên mọi chất liệu: Giấy, gỗ, đá, lụa, trên các trái dưa hấu, bưởi, dừa…

Mỗi giai đoạn có những cái mới để đáp ứng nhu cầu thị trường. Thư pháp cũng đã có nhiều cách tân, song sự cách tân ấy vẫn thể hiện được tư tưởng, kiến thức, tâm hồn của người viết, được xem là một thú chơi tao nhã, một nghệ thuật tôn quý…

Tùy theo đối tượng, ngành nghề mà chọn những chữ khác nhau. Chẳng hạn, đa phần những người đi học thường thích chữ trí, tài, nhẫn; người kinh doanh chọn chữ lộc, chữ tín; người đi làm xin chữ danh; gia đình thường dùng chữ hiếu, phúc, lộc, thọ, tâm...

Thật vậy, hình ảnh du khách và các em học sinh ngồi chờ “ông Đồ” cho chữ tại Lễ hội Văn hóa, Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp mới đây cho thấy thư pháp vẫn đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Điều này góp phần làm cho không gian Lễ hội trở nên sôi nổi, hấp dẫn du khách.

Em Lê Thị Cẩm Ly, học sinh Trường THPT Cái Bè, đang ngồi chờ xin chữ, đã chia sẻ: Em rất thích chữ thư pháp, nét chữ không bị gò bó mà bay lượn, tính nghệ thuật cao. Em nghe nói Lễ hội Văn hóa, Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp có hoạt động viết thư pháp nên cùng bạn đến để xin chữ đem về treo trong nhà. Em mong những dịp lễ, tết sẽ có hoạt động này để chúng em có dịp thưởng lãm bút pháp của những “thầy Đồ” và xin chữ về tặng gia đình, bạn bè người thân.

Thật vậy, trong mỗi gia đình, bức tranh thư pháp vẫn được nhiều người lựa chọn, ngoài mục đích trang trí trong nhà, còn có ý nghĩa răn dạy con cái về đạo làm người và cách ứng xử trong cuộc sống. Không những vậy, không ít người còn đăng ký học thư pháp để học tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, cẩn trọng… của cha ông. Vì lẽ đó, ở giai đoạn nào thư pháp vẫn có giá trị riêng, thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Nhiều người đánh giá: Lễ hội Văn hóa, Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp là hoạt động văn hóa mang lại nhiều cảm xúc cho du khách đến tham quan và việc mang nét đẹp của thư pháp đến lễ hội là việc cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, bởi thư pháp không chỉ là hoạt động mang tính thư giãn, mà còn góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc hiệu quả.

TUỆ MẪN

.
.
Liên kết hữu ích
.