Những người thổi hồn vào bánh dân gian
Làm nghề nào cũng cần có sự đam mê để theo đuổi lâu dài. Nghề làm bánh cũng vậy, không chỉ khéo tay, mà còn phải trải qua quá trình mày mò học hỏi, kiên nhẫn thực hiện mới có thể tạo nên những chiếc bánh bắt mắt, thơm ngon hấp dẫn thực khách. Cô Lê Thị Chính (ngụ xã Đông Hòa Hiệp) và chị Trương Lệ Thu Trúc (ngụ xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) là những phụ nữ như thế.
* Làm bánh không chỉ có khéo tay
Đến xã Đông Hòa Hiệp, hỏi nhà cô “Chính bánh ít”, thì hầu như ai cũng biết, bởi cô nổi tiếng với nghề làm bánh dân gian. Theo cô Lê Thị Chính, cô lớn lên từ miệt vườn và đã được má cô dạy làm bánh từ nhỏ. Bây giờ, cô làm được vài chục loại bánh dân gian, nhưng chiếc bánh mà cô thường tham gia hội thi và đạt nhiều giải thưởng là bánh ít.
Cũng theo cô Chính, bánh ít - một loại bánh đặc trưng được nhiều người dân Nam bộ ưa thích. Không chỉ đặc trưng từ hình dáng tựa ngôi tháp Chàm cổ kính, từ sắc màu đen lục của lá gai và nếp dẻo, mà còn đặc trưng bởi cái tên gọi vô cùng ý nghĩa. Nói về tên gọi của bánh ít, có rất nhiều tích kể và có nhiều quan niệm khác nhau, có người thì quan niệm “ăn ít mới ngon”, người khác thì cho rằng đây là món quà “của ít lòng nhiều”, thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu làm để dâng cúng tổ tiên và hiếu nghĩa với cha mẹ… Mỗi quan niệm đều có ý nghĩa giáo dục để truyền dạy lại con cháu đời sau.
Theo kinh nghiệm của cô Chính, để cho ra những cái bánh ít thơm ngon, người làm bánh không chỉ khéo tay, mà còn phải kiên nhẫn, bởi làm bánh rất vất vả. Để bánh ngon, người làm phải ngâm nếp từ 3 đêm trước, sau đó thức dậy từ rất sớm vớt nếp cho vào cối xay, xay xong đem bột đi bồng. Nếu muốn cho bánh có màu đẹp, thơm thì lấy nước lá gai hay lá dứa vào nhồi chung với bột.
Lá gói bánh phải là lá chuối tươi gói bánh mới xanh, nhìn đẹp mắt. Lá chuối được xé thành những miếng hình vuông, sau khi rửa thì hơ lửa cho mềm. Nhân bánh có thể làm nhân dừa, nhân đậu hay nhân thịt. Nếu gói bánh nhân dừa thì phải lựa loại dừa rám; nhân thịt thì không được xào trước, mà nhồi bột xong mới xào nhân và gói, sau đó đem đi hấp cách thủy khoảng 40 phút là bánh chín.
Theo quan sát của chúng tôi, các nguyên liệu để làm bánh do cô tự làm. Màu của bánh từ các loại lá, trái vườn nhà như lá dứa tạo màu xanh, gấc tạo màu cam, lá cẩm tạo màu tím than…Cô Chính cho biết, màu tạo ra từ “cây nhà lá vườn” có giá rẻ, lại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bánh ít đã được cô Chính gói tham gia nhiều Hội thi Bánh dân gian và nhiều lần đoạt giải Nhất; thế nhưng, khi chia sẻ kinh nghiệm làm bánh với chúng tôi, cô Chính khiêm tốn nói rằng: “Ông bà mình hồi xưa khéo tay, từ lá, từ nếp, gạo hay củ khoai mì đã làm ra nhiều loại bánh dân gian thơm ngon, bắt mắt, hấp dẫn. Mình cóp nhặt lại, lưu giữ để chia sẻ cho con em. Gói bánh mà nhiều người ăn khen ngon thì mình vui trong lòng, làm hoài không cảm thấy mệt…”.
* “Ôi quê ta bánh đa, bánh đúc..."
Cũng có niềm đam mê làm bánh dân gian, nhưng chị Trương Lệ Thu Trúc lại thích làm bánh đúc. Nếu có dịp đến xã Hậu Thành, ghé chợ cầu Xéo sẽ thấy gian hàng bánh của chị Trúc, thử ngay một tô bánh đúc để cảm nhận hương vị thơm ngon đậm chất Nam bộ do chị làm.
Bánh đúc là một món ăn dân dã của Việt Nam, được người dân ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam ưa chuộng. Bánh đúc được làm bằng bột gạo với bột năng và một số gia vị. Bánh ăn giòn, mát, mịn. Bánh đúc còn được biến tấu thành nhiều loại, như bánh đúc lá dứa, bánh đúc lạc, bánh đúc dừa... Bánh đúc lá dứa gần giống bánh đúc mặn nhưng là loại bánh đúc ngọt, màu xanh đẹp mắt, có hương thơm đặc trưng của lá dứa.
Chị Trúc tâm sự: Từ nhỏ đã thích ăn bánh đúc, nhưng không biết công thức làm. Mấy năm gần đây công nghệ phát triển, tôi lên mạng thấy nhiều trang web chỉ cách làm bánh đúc, rồi mày mò tập làm. Ban đầu làm không đạt, khuấy bột khi nhão khi đặc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Làm bánh phải có đam mê và sự kiên nhẫn mới thành công. Đến nay đã có hơn 2 năm tôi làm bánh đúc bán, được nhiều khách hàng ăn khen ngon…
Theo kinh nghiệm của chị Trúc, cách làm bánh khá đơn giản: Lá dứa rửa sạch, xay nhuyễn, lọc lấy nước. Sau đó đổ bột gạo, bột năng và nước lá dứa vào nồi nấu sôi. Bí quyết để có một nồi bánh đúc ngon là khi nấu phải chú ý canh lửa và khuấy thật đều tay.
Nếu muốn tăng độ dai của bánh thì bỏ thêm chút nước tro tàu. Bánh đúc ăn kèm với 2 thứ nước chan: Dừa khô nạo vắt lấy nước, bỏ thêm chút bột năng, thắng lên thành nước cốt dừa; hay nước đường thốt nốt cũng được thắng cho kẹo lại. Kèm theo là mè rắc lên trên bánh. Nếm một miếng bánh, thực khách sẽ cảm nhận có nhiều hương vị đặc trưng được hòa tan với nhau trong một món ăn: Độ dẻo dai của bột, mùi thơm của lá dứa, độ béo của nước cốt dừa, mè… Tuy là món ăn bình dị nhưng không kém phần tinh tế.
Trên đường về, tôi vẫn nhớ hương vị bánh đúc của chị Trúc và nhớ đến mấy câu trong bài hát “Về quê” của nhạc sĩ Phó Đức Phương: Ôi quê ta bánh đa, bánh đúc, nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt, nơi tuổi thơ ta đã trải qua đẹp như giấc mơ....
Thật vậy, trong xu thế phát triển hiện nay, quà bánh không thiếu nhưng những chiếc bánh dân gian vẫn cho người ta nhiều cảm xúc đặc biệt, như được trở về với tuổi thơ, với quê hương, với nguồn cội. Có lẽ vì thế mà những chiếc bánh dân gian luôn được các thế hệ gìn giữ và lưu truyền.
HOÀI THU