.

Nhân chuyện năm Tý: Những câu nói thâm thúy về loài chuột

Cập nhật: 11:07, 26/01/2020 (GMT+7)

Chuột là loài vật đặc biệt trong văn hóa dân gian Việt Nam với rất nhiều cao dao, thành ngữ, tục ngữ ý nghĩa sâu xa. Trong đó phần lớn đều mang ý gièm pha, chế diễu, phê phán… thân phận con chuột.

Bức tranh kinh điển của dòng tranh Đông Hồ Việt Nam - Đám cưới chuột. Ảnh tư liệu
Bức tranh kinh điển của dòng tranh Đông Hồ Việt Nam - Đám cưới chuột. Ảnh tư liệu

Dân gian có câu “Chuột chạy cùng sào,” hàm ý chỉ những người lâm vào bước đường cùng, bế tắc, không có lối thoát.

Để giễu cợt kẻ hợm đời, trưởng giả học làm sang, làm ra bộ khó tính, ca dao có câu “Chuột chê xó bếp chẳng ăn/ Chó chê nhà dột sang nằm bụi tre.”

Chê những kẻ muốn che giấu bản chất xấu xa, không tốt của mình bằng vỏ bọc ngoài giả tạo, có câu “Chuột đội vỏ trứng.”

Chỉ những kẻ táo bạo, liều lĩnh, làm những việc phiêu lưu mạo hiểm, có câu “Chuột gặm chân mèo.”

Gặp những người xưa nay vốn sống trong cảnh nghèo khó, túng thiếu, bỗng dưng gặp vận may, được cuộc sống đổi đời, sung sướng, ấm no và hạnh phúc, dân gian thường nói “Chuột sa chĩnh gạo” hay “Chuột sa bồ nếp,” “Chuột sa lọ mỡ.”

Phê phán những hạng người không biết tự lượng sức mình mà làm những việc quá khả năng, dân gian có câu “Mèo nhỏ bắt chuột to.”

Ở đời có lắm chuyện rủi ro, có lúc rơi vào cảnh hết sức hiểm nguy, trường hợp này người đời thường nói “Chuột sa cũi mèo.”

Để chỉ hạng người có bộ dạng gian xảo, chỉ chờ chực làm những việc xấu xa, hại người, dân gian có câu “Mắt dơi mày chuột.”

Để chỉ những kẻ đạo đức giả, tục ngữ có câu “Mèo già khóc chuột;” hoặc để chỉ hạng người hay nói những chuyện không ăn nhập vào vấn đề, người đời thường bảo “Nói dơi nói chuột.”

Với kẻ tiểu nhân, sống cố tình che giấu những điều ám muội, đến khi nguy hiểm mới lộ ra bộ mặt hèn hạ, được người đời ví với hình ảnh “Cháy nhà ra mặt chuột.”

Triển lãm về hình tượng con giáp Tý. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN
Triển lãm về hình tượng con giáp Tý. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Để chỉ hạng người mới bắt đầu làm công việc gì thì phô trương nhưng kết cục kém cỏi, chẳng được tích sự gì, tục ngữ có câu “Đầu voi đuôi chuột.”

“Chuột bầy đào không nên lỗ” phê phán những người vô trách nhiệm với công việc chung.

Trước hành động gây ra tổn thất lớn hơn kết quả đạt được người ta thường nói “Ném chuột vỡ chum.”

Chuột thường hoạt động về đêm, vào ban ngày thì trốn chui trốn lủi. Vì vậy, câu nói “Thì thụt như chuột ngày” ý chỉ những việc làm lén lút, ám muội, thiếu đứng đắn.

Câu thành ngữ “Chuột chạy hở đuôi” chỉ việc bị bại lộ một phần bí mật.

Họ hàng nhà chuột có đến hàng chục loài, nhưng có lẽ loài chuột chù được nhắc đến nhiều nhất. Do đặc biệt hôi hám nên người đời thường ví “Hôi như chuột chù.”

Và để cười những kẻ đua đòi, đài các rởm không tự biết thân phận mình dân gian có câu “Chuột chù đeo đạc (mõ).” Ca dao cũng có câu “Chim chích mà đậu cành sồi/ Chuột chù trong cống đòi soi gương Tàu.”

Phê phán những kẻ bất tài vô tướng nhưng hay khoe khoang, khoác lác, có câu “Chuột chù lại có xạ hương.”

Người xưa còn dựng câu đối thoại vui và dí dỏm để ám chỉ những kẻ chỉ biết chê người mà không tự xét mình “Chuột chù chê khỉ rằng hôi/ Khỉ mới trả lời: cả họ mày thơm?”

Chê những kẻ ngu dốt mà lại hay tỏ ra thành thạo, lên mặt dạy đời, có câu “Chuột chù nếm dấm.”

Để chỉ hạng người chậm chạp, lù đù, không lanh lợi, người đời mai mỉa “Chuột chù phải khói.”

Dù ghét họ hàng nhà chuột, đôi khi người lao động dưới thời phong kiến luôn bị bọn cường hào ác bá áp bức, bóc lột lại kéo chuột về phía mình để đối chọi với mèo giả nhân, giả nghĩa đại diện phe thống trị, nên mới thành bài ca dao: “Con mèo trèo lên cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ Chú chuột đi chợ đường xa/ Mua mắm, mua muối giỗ cha chú mèo.” Mèo và chuột xưa nay như nước với lửa, mèo đã cất công leo lên tận ngọn cau hẳn không phải chỉ để thăm chú chuột.

Người đời còn mượn hình ảnh chuột để nói về chuyện vụng trộm ái tình trong đêm khuya qua câu ca dao "Chuột kêu chút chít trong rương/ Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay."

Như vậy, có bao nhiêu thành ngữ, tục ngữ, ca dao trong văn học dân gian Việt Nam nói về chuột thì có bấy nhiêu lời gièm pha, chế diễu, phê phán... May có được câu ca dao lãng mạn, tình tứ này vớt vát phần nào cho “thân phận” con chuột trong tâm thức vốn ghét bỏ loài chuột từ lâu đời của nhân dân ta.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/nhan-chuyen-nam-ty-nhung-cau-noi-tham-thuy-ve-loai-chuot/619354.vnp)

.
.
.