.

200 năm với Bửu Lâm cổ tự

Cập nhật: 09:21, 26/02/2020 (GMT+7)

Từ thế kỷ XVIII, chợ Cũ là Mỹ Tho Đại Phố, tục gọi là Phố Lớn, là 1 trong 3 trung tâm thương mại của Nam bộ, ngoài Cù lao Phố (Biên Hòa) và Hà Tiên. Bờ đông của sông Bảo Định là phía tả ngạn, ngoài chợ Cũ nổi tiếng sầm uất thì có chùa Bửu Lâm nổi tiếng là một ngôi chùa đẹp.

 

Hiện nay, Bửu Lâm cổ tự tọa lạc tại đường Nguyễn Văn Giác, phường 3, TP. Mỹ Tho. Đến TP. Mỹ Tho mà không đến chùa Bửu Lâm hẳn là một thiếu sót. Ngày xưa, ở vùng đất này từng có câu ca:
“Về sông Bảo Định bờ đông
Có ngôi chợ Cũ, có chùa Bửu Lâm”.

Tương truyền, vào những năm đầu thế kỷ XVIII, Chúa Nguyễn di dân từ các tỉnh miền Trung vào miền Nam khai khẩn đất hoang để lập làng định cư, sinh sống. Trong đoàn người ấy có một vị ni cô (không rõ tên) am hiểu về cây thuốc Nam, nên đã đến xóm Dầu lập am nhỏ để tu niệm và trồng cây thuốc chữa bệnh cho nhân dân quanh vùng. Xưa kia, vùng đất này có nhiều cây mù u, dân trong vùng có nhiều người làm nghề ép dầu để đem ra chợ bán, vì thế xóm này còn được là xóm Dầu.

Với tinh thần từ bi, cứu khổ, danh tiếng ni cô được đồn xa, bá tánh đến cúng dường ngày một đông. Nhờ thế, ni cô cất được ngôi chùa khá khang trang vào khoảng năm 1742 (đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát). Sau khi ni cô viên tịch, chùa trở nên vắng vẻ, có vài vị kế thế, nhưng trước và trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút (năm 1785) nơi này trở thành bãi chiến trường, Mỹ Tho Đại Phố bị tàn phá và trở nên vắng vẻ, chùa này cũng bị hư hại gần hết, cảnh vật hoang tàn.

Chùa Bửu Lâm cũng là nơi thành lập Chi bộ Xóm Dầu, một trong những chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) vào đầu những năm 1930. Trong chùa, tại chánh điện có một tủ thờ Hộ pháp, diện tích 2 m x 3,5 m có thể chứa được từ 6 - 10 người, nhờ vậy trong nhiều năm chi bộ hoạt động nhưng không hề bị lộ. Năm 1945, chiếc đại hồng chung trong chùa được hòa thượng hiến cho cách mạng để sản xuất vũ khí, góp phần vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta.

Năm Gia Long thứ 2 (năm 1803), bà Nguyễn Thị Đạt, phật tử giàu có và mộ đạo nhất trong vùng, sang tỉnh Bến Tre vào chùa Hội Tôn đảnh lễ. Hòa Thượng Tổ Trí - Khánh Hưng cho đệ tử là ngài Tiên Thiện, pháp danh Từ Lâm về làm trụ trì chùa. Nhờ vào sự cúng dường của bà Nguyễn Thị Đạt, Hòa thượng Tiên Thiện đã cất mới ngôi chùa rộng lớn bằng gỗ căm xe và đã đặt tên chùa là “Bửu Lâm” với ước muốn bảo tồn và phát triển dòng Lâm tế Chánh Tông.

Từ năm 1803 đến nay, chùa đã qua nhiều lần trùng tu, nhưng kiến trúc ban đầu vẫn không thay đổi. Chùa Bửu Lâm là một di tích kiến trúc nghệ thuật thuộc loại hình kiến trúc tôn giáo, được xây dựng gồm 3 phần: Tiền đường, chánh điện và hậu tổ. Trên bệ thờ của ngôi chánh điện, tượng Phật ngồi cao lớn, gương mặt nhân hậu như đang nhìn xuống phật tử bên dưới, chung quanh có hàng chục tượng lớn nhỏ làm bằng nhiều loại vật liệu với dáng vẻ khác nhau.

Qua nhiều lần trùng tu, nhưng đáng kể nhất là lần trùng tu sau cơn bão năm Giáp Thìn (năm 1904) do Hòa thượng Như Lý, tự Thiên Trường chủ trì, mà ngày nay chùa vẫn còn như nguyên vẹn và lần trùng tu tôn tạo lớn từ năm Giáp Tý (năm 1984) do Hòa thượng Nhựt Chiếu, tự Huệ Thông thực hiện, làm cho ngôi chùa cổ thêm đẹp và khang trang hơn.

Bên cạnh đó, nghệ thuật chạm khắc gỗ còn được thể hiện trên 12 tấm hoành phi nền là một tấm gỗ dày 20 cm, trên chạm 2 - 3 lớp với hoa văn được thể hiện công phu, sinh động, xung quanh chạm tứ linh, lưỡng long tranh châu... Đó là những tác phẩm khắc chữ nổi rất độc đáo, thực hiện bởi các đôi tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân chạm trổ cách đây trên 100 năm.

Từ năm 2006 đến nay, đời trụ trì thứ 11, Đại đức Lệ Hiếu tiếp tục xây dựng thêm nhiều hạng mục như: Cổng Tam Quan, đài Quan âm lộ thiên, giảng đường…

Được biết, từ năm 1926 đến năm 1945, chùa còn là nơi tụ họp các nhà yêu nước, trong đó có các cụ Phan Chu Trinh, Mai Bạch Ngọc, Nguyễn Văn Nguyễn, Xích Hồng… Hòa thượng Như Lý còn là bạn thâm giao của cụ Phan Chu Trinh, có lần 2 cụ thức sáng đêm, cụ Phan Chu Trinh nhìn cây đèn sáp, xuất khẩu thành thơ tặng Hòa thượng Như Lý, trong đó có 2 câu thơ:

Mở cửa vì dân nên gió lọt
Trót đêm nhỏ giọt tỏ cùng ai”.

Với niên đại trên 200 năm từ lúc khai sơn đến nay, với những công trình kiến trúc nghệ thuật còn lưu giữ, những sinh hoạt tâm linh, giáo dục đạo đức gắn liền với đạo pháp và dân tộc - hộ quốc an dân, vào năm 1999 chùa Bửu Lâm được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp Quốc gia. Ngôi chùa cổ hiện gần như nguyên vẹn, là nơi đào tạo được nhiều vị danh tăng, làm tăng uy tín của phái Lâm Tế dòng Bổn Nguyên, rất đáng để du khách đến chiêm ngưỡng và tìm hiểu.

HÀ ANH

.
.
.