.

Giữ gìn và kế thừa di sản diễn xướng Nam Bộ

Cập nhật: 21:41, 28/04/2020 (GMT+7)

Chuỗi Chương trình Diễn xướng Nam bộ do Nhóm Đối thoại Văn hóa cộng đồng, Thư quán Cội Việt tổ chức, nhằm giới thiệu các hình thức diễn xướng dân gian xưa và nay ở miền Nam, qua đó mang lại cho khán thính giả (đặc biệt là khán giả trẻ) những hiểu biết về bối cảnh văn hóa phong phú của vùng đất phương Nam và những kiến thức cơ bản để nắm bắt, thưởng thức, góp phần bảo tồn, phát triển di sản văn hóa phi vật thể này.

Những trích đoạn cải lương do các học viên trẻ thực hiện trong Dự án Truyền dạy cải lương do Hội đồng Anh phối hợp với Nhóm Đối thoại Văn hóa cộng đồng, Thư quán Cội Việt tổ chức.
Những trích đoạn cải lương do các học viên trẻ thực hiện trong Dự án Truyền dạy cải lương do Hội đồng Anh phối hợp với Nhóm Đối thoại Văn hóa cộng đồng, Thư quán Cội Việt tổ chức.

Diễn xướng Nam bộ - vốn văn  hóa đa dạng, quý giá

Nam bộ là đất mới, lưu dân đến lập nghiệp đa phần là cư dân Thuận Quảng trên dưới 400 năm. Văn hóa Thuận Quảng là hạt giống đầu tiên gieo trồng trên vùng thổ ngơi mới này, là cơ sở của văn hóa Nam bộ. Đó là những tập tục, tín ngưỡng, cùng những hình thức lễ hội của làng xã truyền thống; và đáng kể hơn là vốn văn nghệ dân gian nặng về diễn xướng hơn là ngâm vịnh và đọc (hò, hát, lý, nói vè, nói thơ, diễn tuồng…), chuộng “ca vũ”, thích “diễn hí”.

Theo dòng lịch sử, Nam bộ tiếp nhận nhiều làn sóng văn hóa. Từ dòng chảy văn hóa chính là Thuận Quảng, còn là sự giao lưu với văn hóa Khmer, Hoa và sau đó là văn hóa Âu Tây.

Văn hóa Nam bộ là một cơ cấu đan xen giữa những thành tố văn hóa chính thống và những thành tố văn hóa dân gian. Đến đầu thế kỷ XX, văn hóa Nam bộ đã trở thành một phức thể mang tính chất tổng hợp và đa dạng, thể hiện rõ trong các loại hình diễn xướng hình thành và phát triển ở mảnh đất này.

Nam bộ với sự giao lưu không ngừng của những tộc người, những luồng tư tưởng…, nên hầu như không có một dạng thức văn hóa, một hình thức nghệ thuật nào tồn tại nguyên dạng trong một thời gian nhất định, luôn luôn và nhanh chóng đổi mới, đáp ứng nhu cầu của từng thời đại.

Nếu như, từ ban đầu, các loại hình diễn xướng dân gian có nguồn gốc từ miền ngoài mang tính chất trữ tình như hát ru, hò, lý, đến các loại hình diễn xướng mang chất tự sự như nói thơ, nói vần, nói vè…, cho đến các hình thức diễn xướng nghi lễ như hát sắc bùa, hát bóng rỗi, nhạc lễ… và múa lốt thịnh hành trong đời sống dân gian; thì đến thế kỷ XIX, các loại hình diễn xướng bán chuyên nghiệp và chuyên nghiệp giữ địa vị quan yếu, như hát bội và đờn ca tài tử, để rồi, đến đầu thế kỷ XX, một loại hình diễn xướng chuyên biệt của Nam bộ hình thành và phát triển rực rỡ: Cải lương.

Cải lương đã thủ đắc được vốn dân ca phong phú của miền này, kế thừa được những kinh nghiệm sáng tạo của các loại hình sân khấu khác và thừa hưởng các thành tựu từ đờn ca tài tử. Đầu thế kỷ XX, trước cuộc chuyển giao tư tưởng mới, nghệ thuật hát bội dần mất đi thế thượng phong, nhường chỗ cho loại hình cách tân vừa ra đời: Cải lương.

Bản chất xã hội - thẩm mỹ của sân khấu cải lương là sự phát triển dung hợp giữa hai dòng văn hóa Đông - Tây, sự kết hợp tài tình của yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc cội nguồn dân tộc và ánh sáng văn minh tân thời.

Và, tới lượt mình, cải lương cũng có nhiều thay đổi biến chuyển theo thị hiếu để hình thành nhiều phong cách: Cải lương xã hội, cải lương pha hát bội, cải lương hồ quảng, cải lương tuồng cổ sau năm 1975 tạo nên sự phong phú, đa dạng trong đời sống văn hóa nghệ thuật Nam bộ.

Lễ Xây chầu đại bội và các trích đoạn kinh điển của hát bội được tái hiện trên sân khấu được đông đảo khán giả trẻ  mua vé thưởng thức.
Lễ Xây chầu đại bội và các trích đoạn kinh điển của hát bội được tái hiện trên sân khấu được đông đảo khán giả trẻ mua vé thưởng thức.

Làm sao để có sự kế thừa?

Trong Hội thảo “Làm thế nào để người trẻ tiếp cận văn hóa cổ truyền?” do Thư quán Cội Việt tổ chức, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nam bộ Huỳnh Ngọc Trảng cùng Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp (giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng) thống nhất quan điểm rằng, chương trình giáo dục phổ thông hiện nay chỉ chủ ý giáo dục cho học sinh, sinh viên về ngôn từ thông qua môn Văn - Tiếng Việt và hầu như bỏ ngỏ hoàn toàn việc đào tạo về nghệ thuật, nhất là nghệ thuật cổ truyền.

Người trẻ ngày nay ít biết đến các hình thức nghệ thuật xưa, thậm chí còn chưa nghe nói đến. Trong chiều kích ngược lại, những nghệ sĩ đang cố gắng “giữ lửa” cho các loại hình văn hóa cổ truyền ngày một thưa dần, ngoài lý do tuổi tác, còn vì thiếu khán giả, nguồn lực chính duy trì sự tiếp nối...

Để người trẻ kế thừa vốn văn hóa dân gian quý giá, có thể bắt đầu bằng những chương trình đào tạo, kết nối khán giả, cụ thể bằng việc chia sẻ, giáo dục những điều cơ bản nhất: Các loại hình diễn xướng hình thành, phát triển như thế nào, có tính chất nghệ thuật gì nổi bật? Ví dụ, khi tìm hiểu về hát bội, đầu tiên phải biết hát bội thuộc loại hình nghệ thuật nào và xuất hiện từ đâu, khi nào, rồi mới lần lượt tìm hiểu sâu hơn về hành trình phát triển từ Bắc vào Trung rồi vô Nam; các quy tắc ước lệ trong hóa trang, điệu bộ, âm nhạc đến các quy cách tổ chức sân khấu, rồi đến nội dung tuồng tích…

Hay như đờn ca tài tử, nếu như người trẻ không biết được các khái niệm về ngũ cung, về lòng bản và nhịp trong sự đối sánh với nhạc phương Tây thì e rằng rất khó mời gọi họ thành những khán giả ái mộ.

Diễn xướng Nam bộ góp phần gìn giữ nghệ thuật cổ truyền

Từ tiêu chí lôi kéo khán giả (đặc biệt là khán giả trẻ) đến với loại hình nghệ thuật cổ truyền, các chương trình diễn xướng Nam bộ do nhóm bạn trẻ tâm huyết của Thư quán Cội Việt được tổ chức.

Chương trình đầu tiên: Khải khúc tang tình, giới thiệu các loại hình diễn xướng cơ bản: Trữ tình dân gian (dân ca, hò, hát lý…), tự sự dân gian (nói vè, nói thơ, nói tuồng…), tổng hợp (sắc bùa, nghi lễ, khoa nghi ứng phú), múa lốt (múa hẩu, múa lân, múa sư tử…) đã thu hút hơn 300 khán giả đến dự, phần đông là sinh viên, học sinh.

Từ sự phản hồi tích cực của truyền thông và giới trẻ, diễn xướng Nam bộ tiếp tục với: Hò lý phương Nam, tìm hiểu về lịch sử, đặc điểm và vai trò của 2 loại hình diễn xướng lâu đời nhất ở Nam bộ là hò và lý, được tiếp nhận nồng nhiệt.

Tiếp đến là: Xướng khúc nghênh xuân, khơi gợi lại một hình thức diễn xướng hầu như đã mai một: Hát sắc bùa Nam bộ. Khán giả trẻ thấy lại không khí rộn ràng vào đêm 30 Tết đến mùng 7 tháng Giêng, với tiếng trống phách của các đội sắc bùa vừa di chuyển vừa hát trên những con đường làng, rồi tới từng nhà chúc tụng, được tái hiện trên sân khấu.

Khi những ngày tết qua đi cũng là lúc các đình Nam bộ rộn ràng chuẩn bị đại lễ Kỳ Yên (cầu an). Các gánh hát bội cũng náo nức chuẩn bị tập tuồng để hát cúng đình bằng những lễ xây chầu - đại bội chỉn chu nhất, những kịch bản đặc sắc nhất.

Diễn xướng Nam bộ mang tên “Xây chầu đại bội” đã kể cho khán giả nghe câu chuyện sinh thành của hát bội, cũng như tái hiện không gian đình làng vào dịp lễ Kỳ Yên với các lớp tuồng được chọn lọc và chuẩn bị chu đáo.

Hát bóng rỗi là hình thức diễn xướng tổng hợp dân gian gồm nhiều tiết mục như ca, nhạc, múa và biểu diễn sân khấu. “Bóng rỗi - Địa Nàng” không chỉ giới thiệu nghi lễ cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mà còn thu hút khán giả bởi các trò diễn độc đáo, đầy tính sáng tạo, kịch tính: Múa dâng bông, dâng mâm… tín ngưỡng dân gian tồn tại một thời.

“Đờn ca tài tử” - loại hình nghệ thuật mang đậm dấu ấn Nam bộ, tiếp biến từ nhạc lễ, ca Huế, câu hò điệu lý dân gian, được giới thiệu trong Chương trình “Rặc ròng cung - nhịp”, với 20 bản tổ qua âm điệu nhặt khoan của độc tấu, hòa tấu, hòa ca, mang đến cho khán giả sự thưởng lãm ngoạn mục của loại hình âm nhạc dân tộc được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng đang dần mai một.

Diễn xướng Nam bộ: “Vàng son lần giở” không chỉ điểm qua các loại hình nghệ thuật đã được cải lương kế thừa, mà còn làm sống lại bối cảnh lịch sử hình thành, tái hiện các dạng thức cải lương đã từng vang danh với những giá trị vàng son của những người trẻ cùng các thế hệ diễn viên đi trước.

Hơn 1 năm thể nghiệm, diễn xướng Nam bộ không chỉ tái hiện lại không gian nghệ thuật xưa, trong đó có những bộ môn đang dần mai một, mà còn thu hút sự quan tâm hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả trẻ.

Người trẻ một khi có kiến thức nền tảng, hiểu được tính chất nghệ thuật của từng loại hình diễn xướng thì mới có thể thưởng thức, yêu mến, kế thừa. Và, nếu như khán giả trẻ đã có hiểu biết sâu sắc, biết cách thưởng thức, phê bình để thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật cổ truyền thì người nghệ sĩ sẽ được tiếp thêm động lực cố gắng gìn giữ nghề, giữ nghiệp để truyền lại cho thế hệ sau.

THU TRANG

.
.
.