.

Cần giải pháp sâu hơn để vực dậy cải lương

Cập nhật: 16:16, 06/07/2020 (GMT+7)

 (ABO) Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, tuy có nhiều thăng trầm nhưng cải lương vẫn tồn tại và “phủ sóng” rộng rãi, các hình thức nghệ thuật khác phải kết hợp với cải lương để tăng tính hấp dẫn. Tuy nhiên, hiện nay khi cải lương “đứng một mình” thì lại không thu hút được khán giả. Chính vì vậy, trong thời gian qua, các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương phải nỗ lực để vực dậy bộ môn nghệ thuật độc đáo này.

abc
Chương trình nghệ thuật Tiền Giang - "Cái nôi của nghệ thuật cải lương"

Theo NSND-TS. Bạch Tuyết thì ngày nay, chuyện một ca sĩ nhạc trẻ hay một diễn viên hài cố gắng hát 1 câu vọng cổ trong phần biểu diễn của mình không còn quá lạ lẫm với công chúng. Đó là một tín hiệu vui, cho thấy cải lương luôn song hành với thời đại, đúng như bản chất của hình thức bộ môn nghệ thuật này, đó là mang tính “mở”. Nghệ thuật cải lương luôn thay đổi từng ngày để đáp ứng với tinh thần: Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh. Khả năng hội nhập, thích ứng của cải lương vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính hiện đại.

NỖ LỰC VỰC DẬY CẢI LƯƠNG

Cải lương có bề dày lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm, đã đi vào lòng biết bao thế hệ khán giả. Cải lương không chỉ góp mặt, làm phong phú thêm cho nền nghệ thuật nước nhà, mà cao hơn nữa, nó còn là văn hóa, là giá trị tinh thần của người dân Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Cải lương được xem là bộ môn nghệ thuật “sinh sau đẻ muộn” của dân tộc, nhưng đã phát triển rực rỡ trong giai đoạn đầu và kéo dài đến thập niên 90 của thế kỷ XX. Tuy nhiên, từ khi các phương tiện nghe nhìn phát triển ồ ạt, cộng với việc các loại hình nghệ thuật khác phát triển mạnh mẽ, nhất là âm nhạc, điện ảnh, đã khiến cải lương thoái trào, mất dần khán giả.

abc
Một cảnh trong vở cải lương Trăng soi dòng Bảo Định đã được anh em nghệ sĩ Tiền Giang dàn dựng để dự Liên hoan Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc.

Trong những năm gần đây, các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương đã nỗ lực vực dậy bộ môn nghệ thuật độc đáo này. Dễ nhận thấy nhất là ở TP. Hồ Chí Minh, hàng loạt các chương trình như Chuông vàng vọng cổ, Giải Trần Hữu Trang, Ngân mãi chuông vàng, Đường đến danh ca vọng cổ… đã được Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các ngành chức năng, các đơn vị đầu tư thực hiện, phát sóng, nhằm nỗ lực vực dậy bộ môn cải lương.

Tiền Giang được xem là “cái nôi” của cải lương. Dù muộn nhưng tỉnh ta cũng đã có nhiều nỗ lực để vực dậy bộ môn nghệ thuật dân tộc đã ăn sâu vào lòng biết bao thế hệ mộ điệu. Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Tiền Giang Nguyễn Thanh Hải cho biết: Từ tháng 5-2017, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật Tiền Giang) tổ chức chương trình Dạ khúc tri âm định kỳ vào tối 17 hằng tháng ở Rạp hát Thầy Năm Tú (hiện chương trình bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19, sẽ khôi phục lại trong thời gian tới).

abc
Một trích đoạn cải lương trong chương trình Dạ khúc tri âm.

Trong chương trình Dạ khúc tri âm, Ban Tổ chức quy tụ những nghệ sĩ tên tuổi của tỉnh như NSƯT Đào Vũ Thanh, NSƯT Nhơn Hậu; đồng thời, mời các tài danh ở TP. Hồ Chí Minh như: NSND Bạch Tuyết, nghệ sĩ Thanh Kim Huệ, Thanh Điền, Kim Tiểu Long, Trọng Phúc… về để tái hiện lại các trích đoạn cải lương kinh điển như Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Lan và Điệp… nhằm phục vụ khán giả mộ điệu của tỉnh nhà. Chương trình hoàn toàn miễn phí, thu hút mỗi đêm từ 150 đến 200 khán giả đến xem nếu có tài danh. Còn không có tài danh từ TP. Hồ Chí Minh về phục vụ thì chừng hơn 100 khán giả là mừng.

Ngoài ra, thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử giai đoạn 2016 - 2020, Sở VH-TT&DL phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức biểu diễn đờn ca tài tử tại Rạp hát Thầy Năm Tú vào tối thứ 6 hằng tuần. Chương trình này mỗi đêm cũng đưa vào diễn 1 đến 2 trích đoạn cải lương để phục vụ khán giả mộ điệu.

CẦN CÓ GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

Tuy nhiên, dễ nhận thấy là các hoạt động nhằm nỗ lực vực dậy bộ môn nghệ thuật cải lương vẫn chưa đủ mạnh và chưa có chiều sâu, chủ yếu chỉ tập trung vào hoạt động dàn dựng và biểu diễn. Song, để nâng chất cải lương, thu hút khán giả, nhất là đối với khán giả trẻ thì phải cần nhiều yếu tố, trong đó vấn đề soạn giả và kịch bản được xem là then chốt.

Theo Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở VH-TT&DL Nguyễn Thanh Hải thì “có bột mới gột nên hồ”. Muốn cải lương hay, hấp dẫn, cuốn hút công chúng thì trước tiên phải có soạn giả giỏi và kịch bản hay. Theo anh, kịch bản là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất để cải lương hay, nhưng hiện nay vấn đề đầu tư cho soạn giả để viết kịch bản vẫn còn bỏ ngỏ.

Tiếp đến là tài năng của đạo diễn và nghệ sĩ cũng là một trong những yếu tố quan trọng làm cho cải lương hấp dẫn. Thiếu đạo diễn và nghệ sĩ có tài thì kịch bản dù có hay đến đâu cũng không có sức sống. Đồng thời, phải có sự khổ công tập luyện. Ngày xưa một vở cải lương trước khi biểu diễn cho công chúng xem, anh em nghệ sĩ và đạo diễn phải tập tuồng ròng rã trong nhiều tháng, cho nên nghệ sĩ nhuần nhuyễn từng cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt, nét mặt…, “hóa thân” vào nhân vật một cách trọn vẹn, làm cho nhân vật có sức sống.

Cố-nghệ-sĩ-nhân-dân-Bãy-Nam-trong-một-lần-về-giao-lưu-với-anh-em-nghệ-sĩ-Tiền-gIang.jpg
Cố NSND Bảy Nam trong một lần về giao lưu với anh em nghệ sĩ Tiền Giang.

Còn hiện nay, nghệ sĩ tập tuồng chưa kịp nhuần nhuyễn lời thoại, chưa kịp thấu cảm nội tâm nhân vật thì phải biểu diễn cho công chúng xem. Chính vì vậy, để có một vở cải lương hay đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiêm túc trong việc tập tuồng, không nên dễ dãi mang những vở diễn chưa có độ “chín” để biểu diễn cho công chúng xem.

Bên cạnh đó, để vực dậy bộ môn nghệ thuật cải lương, thì các yếu tố khác như: Đầu tư âm nhạc, cảnh trí, sân khấu…. cũng cần được quan tâm đúng mức. Đây là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho vở diễn thành công. Vấn đề then chốt nữa là cần có chính sách đặc biệt trong thu hút, đào tạo nguồn nhân lực cho cải lương. Hiện nay do chính sách ưu đãi còn hạn chế nên chưa thu hút được nguồn lực có chất lượng để đào tạo.

Các yếu tố này dường như vẫn còn bỏ ngỏ, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Chính vì vậy, dù trong thời gian qua, các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương đã rất nỗ lực để vực dậy bộ môn nghệ thuật cải lương, nhưng chỉ mới đáp ứng được một phần. Công chúng vẫn đang mong mỏi các ngành, các cấp cần có giải pháp đồng bộ hơn, sâu hơn, mạnh mẽ hơn nữa để cải lương thật sự tạo được dấu ấn đậm nét, cạnh tranh được với các loại hình nghệ thuật khác.

THIÊN LÊ
 

.
.
.