Ngôi đình 200 năm tuổi giữa lòng TP. Mỹ Tho
Đình Phú Hội gọi theo tên làng Phú Hội, tổng Thạnh Phong, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường. Năm 1820, nhân dân làng Phú Hội xây dựng đình Phú Hội để thờ Thành hoàng làng và các vị thần linh trong làng. Ở làng Mỹ Chánh gần đó cũng xây dựng một ngôi đình (đình Mỹ Chánh). Đầu thế kỷ XX, hai làng Phú Hội và Mỹ Chánh sáp nhập thành làng Hội Mỹ.
Để không nhầm lẫn trong một làng có hai ngôi đình, khi trùng tu đình Phú Hội vào năm 1912, nhân dân đã đặt tên chữ “Phú Hội Đình” ngay trên bảng đại tự của đình để phân biệt với đình Mỹ Chánh trong làng Hội Mỹ. Hiện đình Phú Hội tọa lạc tại phường 8, TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) nằm cách trung tâm TP. Mỹ Tho 500 m về hướng Đông, cách Quốc lộ 50 khoảng 1 km về phía Tây. Do nằm trong khu vực dân cư cạnh trục lộ và chợ Cũ (phường 8) nên đường đi đến di tích đình này bằng phương tiện ô tô rất thuận lợi.
Trải qua 200 năm tồn tại chịu nhiều ảnh hưởng của tự nhiên, chiến tranh, đình được trùng tu vào các năm1912, 1973, 2013, nhưng vẫn giữ gần như dáng dấp ban đầu. Đình có diện tích xây dựng 291 m2, gồm chánh điện và nhà khói.
Trên con lươn bờ nóc chánh điện trang trí lưỡng long tranh châu bằng gốm men xanh. 2 đầu hồi trang trí cá hóa long, trên bờ nóc con lươn chạy xuống mái phần trên trang trí kỳ lân gốm men xanh thời Nguyễn, phần dưới cuối mái trang trí cá hóa long và hoa văn dây lá rất sinh động.
Chánh điện là ngôi nhà 3 gian 2 chái có kết cấu kèo, cột theo kiểu nhà rường. Mái lợp ngói, hệ thống đỡ mái gồm 30 cột (trong đó có 18 cột gỗ tròn kê trên táng đá vuông và 12 cột bê tông chung quanh mái hiên), nền lót gạch men.
Xung quanh được xây tường gạch có lam thông gió, các thanh xiên, thanh kèo, trính, thanh xà có tiết diện khá lớn được trang trí chủ yếu hoa văn ở ba mặt dưới nhìn lên qua các khuôn chạm và đầu kèo, đuôi kèo khá công phu, đỡ các thanh trính ở các đầu cột là những mặt bợm. Trang trí trên kèo chánh điện hình vỏ đậu, cuối đầu kèo hình mang cá được chạm trổ độc đáo.
Mặt dưới những thanh xà có các khuôn chạm những họa tiết hoa lan, chùm nho, con sóc, dơi sinh động. Trên xiên ngang có 9 khuôn chạm với các đề tài hoa cúc ở gian giữa, 2 gian hai bên chạm đề tài tứ quý và cách điệu chữ “song hỷ”, riêng 2 cột gian giữa chánh điện từ ngoài cửa đình nhìn vào có một đôi liễn viết bằng chữ Quốc ngữ.
Trên các bao lam được sơn son thếp vàng, chạm khắc các họa tiết hoa cúc và tứ quý. Bàn thờ sơn son thếp vàng, mặt chánh chạm đầu rồng và đề tài long ẩn vân (rồng ẩn mây), các con vật tứ linh (long - lân - quy - phụng). Trên bao lam 3 gian của đình đều chạm hoa cúc và chim trĩ, song phụng chầu hoa cúc, sóc, nho và bát bửu trong đạo Lão. Nhà khói là hạng mục được xây dựng hoàn toàn bằng xi măng, cột bê tông cốt thép, mái lợp tole fifro, nền lót gạch men.
Những hoa văn và hoa tiết trang trí ở đình Phú Hội được lấy từ những hình tượng và triết lý trong cuộc sống, đã thấm sâu vào đời sống tâm linh của dân tộc ta và được hình tượng hóa qua tứ linh, tứ quý, bát bửu…, các hình tượng này hàm ý về sự giàu sang, phú quý, mong cho hạnh phúc tràn đầy, mưa thuận gió hòa trường tồn với thời gian.
Với những bề dày lịch sử, văn hóa và kiến trúc độc đáo minh chứng cho sự hình thành làng Phú Hội xưa - phường 8 ngày nay, nên đình Phú Hội được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào năm 2010.
NGUYỄN MẠNH THẮNG