.
CHƠI CÂY KIỂNG, BONSAI

"Thổi hồn" vào cây cảnh

Cập nhật: 10:02, 24/07/2020 (GMT+7)

 (ABO) Cuộc sống con người luôn hòa đồng với thiên nhiên, cây xanh. Thông qua việc chăm sóc cây kiểng, các nghệ nhân đã sáng tạo ra cảnh quan thiên nhiên đầy sinh động và hấp dẫn. Họ thầm lặng gửi gắm những tâm tư, ước vọng, niềm tin vào cái dáng của từng tán cây, đường lượn của thân, của cành một cách giản dị nhưng thật sâu sắc và mang tính tư tưởng. Các bậc cao niên xưa đã có câu nói “Nhất chữ, nhị tranh, tam sành, tứ kiểng”, ngày nay, thú chơi cây kiểng, bonsai ngày càng phát triển tạo nên sân chơi hữu ích vừa thỏa mãn niềm đam mê vừa phát triển kinh tế từ thú chơi tao nhã này.

Từ trong tâm thức người Việt, tạo tác và chơi cây kiểng như một lẽ tự nhiên, đã đưa thiên nhiên vào trong chậu để tạo tác, ngắm nhìn. Chơi cây cảnh làm cho đời sống tinh thần thêm phong phú, trở thành một nếp văn hóa lâu đời của dân tộc Việt.

“YÊU CÂY, YÊU HOA, HÓA RA YÊU ĐỜI”

Cây trồng trong chậu người Nhật gọi là “Bonsai”, còn ở Việt Nam thường gọi là “Bồn cảnh”, “Chậu cảnh”. Xưa kia, thú chơi này chỉ ở những gia đình quyền quý, ngày nay, thú chơi cây cảnh đã phổ biến đến nhiều tầng lớp, đặc biệt ở lớp người lớn tuổi. Để có được những chậu cây cảnh như ý, người ta có thể ươm trồng, cũng có thể khai thác từ thiên nhiên.

Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Chính cho biết: “Nhiều người yêu cây kiểng đã dành hàng chục năm hoặc suốt cuộc đời để hoàn chỉnh một thế cây với những nguyên tắc tạo hình tỉ mỉ, nghiêm ngặt. Mỗi người có cách cảm nhận và thổi hồn vào cây khác nhau, vì thế cũng tạo ra các bồn cảnh có dáng vẻ và biểu đạt ý tưởng khác nhau. Người lớn tuổi thích mô phạm, thích kiểu dáng chịu ảnh hưởng của Nho giáo thì tạo những thế cây: Phúc - Lộc - Thọ, ngũ phúc, phụ tử, mẫu tử, huynh đệ, long thăng, long giáng... Người trẻ tuổi thích phóng khoáng, lãng mạn thì tạo thế cây hoành (nằm ngang), thế huyền (đổ xuống như thác đổ), thế bạt phong (gió thổi bạt về một phía nhưng cây vẫn hiên ngang đứng vững)... và nhiều biến thể khác”. Người chơi cây kiểng không chỉ đầu tư tiền, mà còn cả sự đam mê, sáng tạo và tình yêu thiên nhiên say đắm.

Ngoài am hiểu sâu sắc về nghệ thuật tạo hình cho cây, nghệ nhân phải là người thổi hồn vào cây để người xem quên đi đây là một cây cảnh, chỉ thấy hiện lên một thiên nhiên kỳ vĩ, hài hòa. Theo các nghệ nhân chơi kiểng, mỗi thế kiểng đều thể hiện một tính cách độc đáo riêng. Trong chơi cây kiểng thường chú ý đến 4 yếu tố là: Nhất hình, nhì thế, tam chi, tứ diệp.

Chính điều này ta thấy cây cảnh uốn lượn thành 3 tầng, 4 phân đoạn, 5 chùm nhánh là để tượng trưng cho tam cương, ngũ thường, tam tòng và tứ đức. Nghệ thuật chơi kiểng làm phong phú cuộc sống con người, bởi lẽ sau mỗi tác phẩm kiểng hoàn thành mang dáng dấp lẫn ý nghĩa khác nhau, nhất là ngồi bên ấm trà mọi người cùng nhau đàm đạo, bàn luận về sự đời, rồi ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng được thu hẹp trong chậu kiểng mini đặt trên bàn nước sẽ cảm thấy tâm hồn thật nhẹ nhàng, thoải mái.

NGHỆ THUẬT CHƠI KIỂNG THÚ

Ngày nay, do điều kiện phát triển nên sự giao lưu, trao đổi, phổ biến và hưởng thụ những giá trị về vật chất và tinh thần đã có nhiều biến chuyển theo nhịp sống đương đại. Cây kiểng nghệ thuật là sản phẩm của quá trình lao động sáng tạo nên kết tinh trong nó cả giá trị văn hóa vật thể và giá trị văn hóa phi vật thể, vừa có tính truyền thống vừa có tính hiện đại.

Chính vì vậy, các nghệ nhân còn sáng tạo nghệ thuật chơi cây cảnh với đặc tính nhân cách hóa cây thành những con vật gần gũi trong thiên nhiên như: Long, lân, quy, phụng, đến những loài vật có hình tượng như: Cá hóa rồng, bộ rễ với nét rồng, thường gặp nhất là thế rồng bay.

Với niềm đam mê chơi kiểng 15 năm nay, anh Trương Phi Hùng, nghệ nhân chơi kiểng chia sẻ, lúc mới bắt đầu chơi kiểng, anh chủ yếu chơi mai vàng. Rồi dần dà, trong quá trình giao lưu, chia sẻ từ các anh em chơi kiểng ở các tỉnh, thành khác nhau, anh dần chuyển sang chơi kiểng thú. Chơi kiểng thú nghe qua rất dễ, nhưng khi bắt tay vào tạo hình cây rất khó; bởi không phải loại cây kiểng nào cũng thích hợp cho việc tạo hình các con thú khác nhau.

Qua tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi từ bạn bè, sách, báo, anh Hùng đã chọn ra những loại cây kiểng phù hợp như cây bông trang, cây si và đã tạo ra nhiều sản phẩm kiểng thú, với nhiều kích cỡ lớn nhỏ khác nhau. Giá trị của mỗi loại kiểng thú cũng khác nhau, tùy vào mỗi cây mà có giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Để tạo ra một con vật kiểng cỡ lớn phải cần 2 người thợ chuyên nghiệp làm trong vòng từ 3 đến 4 tháng mới ra hình dáng, ra bông, ra tược.

Với những kiểng hình thú lớn, trong quá trình uốn, tạo dáng, người thợ phải hết sức cẩn thận và tỉ mỉ. Vì cây bông trang vốn có cành nhỏ lại giòn nên rất dễ gãy. Đặc biệt, khi uốn phải căng chỉnh hai bên cho đều, tránh bị méo và phân bố cành sao cho hợp lý mới có thể tạo ra một con vật hoàn chỉnh. Thông thường, để xử lý ra hoa tương đối dễ, chủ yếu tưới nước đầy đủ và phòng trừ sâu hại. Xử lý chồi lớn đều thì sẽ ra bông nhiều. Bên cạnh đó phải thường xuyên cắt tỉa để cây giữ được bộ khung đẹp.

LƯƠNG Y - NGHỆ NHÂN CHƠI KIỂNG

“Chơi cây kiểng là một nghệ thuật và niềm đam mê cháy bỏng sẽ tạo ra tác phẩm nghệ thuật thật đẹp mang lại ý nghĩa nhân văn cao cả. Trồng cây mang đến “sự cát tường” cho gia đình, xóm làng. Cây mang lại lá xanh, hoa đẹp và cũng từ đó hình thành nên một phần cốt cách làm người, tạo nên triết lý sống thảnh thơi”. Đây là những tâm sự của ông Nguyễn Văn Diệp, phường 10, TP. Mỹ Tho, một người đam mê và tâm huyết với cây kiểng.

Vốn dĩ theo nghề y, song niềm yêu hoa, yêu kiểng mãnh liệt quá lớn đối với ông Diệp nên bên cạnh sản xuất, bào chế thuốc đông y, thời gian còn lại ông Diệp dành hết cho hoa, kiểng. Ông Diệp cho hay: “Lúc đầu tôi chỉ chơi vài ba cây cho thư giãn và có dịp kết giao với bạn bè. Thế nhưng, cây kiểng lại có một sức hút kỳ lạ, càng chơi càng say mê, càng khám phá ra nhiều điều kỳ diệu”.

Chỉ vài năm sau, ông Diệp trở thành người chơi kiểng “chính hiệu”, am hiểu rất nhiều loại cây kiểng cũng như thế kiểng cổ, kiểng bonsai. Không những vậy, được sự tin tưởng, quý mến của nhiều người chơi kiểng, ông Diệp được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP. Mỹ Tho.

Theo ông Diệp, chơi cây kiểng ngoài thư giãn tinh thần, còn giúp cho con người gần gũi với thiên nhiên và yêu cuộc sống nhiều hơn. Ngoài ra, cây kiểng còn có thể mang đến cho con người nguồn thu nhập không nhỏ.

Hiện vườn của ông Diệp có rất nhiều loại kiểng khác nhau, mỗi cây, mỗi chậu đều là một tác phẩm nghệ thuật vừa sắc sảo vừa kín đáo... thể hiện sự tài hoa lịch lãm của người chơi. Mặc dù bận công việc kinh doanh, nhưng với niềm đam mê mãnh liệt, mỗi lần nghe bạn bè báo tin có cây nào hay, đẹp, đặc biệt là kiểng cổ, bonsai là ông Diệp tìm đến ngay, không bỏ lỡ cơ hội sở hữu một cây kiểng đẹp.

Ông Diệp tâm đắc: “Để cho ra tác phẩm kiểng đẹp, ngoài niềm đam mê, người chơi kiểng cần phải đặc cái tâm của mình vào trong cây kiểng, tinh túy hơn là người chơi phải hiểu và nắm rõ thuộc tính của các loại cây để từ đó chăm sóc cũng như uốn nắn cây kiểng hợp theo các dáng kiểng mình yêu thích. Bên cạnh sự phá cách thế chơi kiểng hiện nay, tôi vẫn còn giữ những dáng cây cảnh bonsai cơ bản như: Dáng trực, dáng xiên, nghiêng dáng tà là; dáng hoàng; dáng huyền”.

Ngày nay, phong trào chơi hoa và cây kiểng, bonsai đã trở thành một nhu cầu của đời sống xã hội. Đối với những người có niềm đam mê cây kiểng, không có gì bằng những phút giây tĩnh lặng thả hồn theo những cảm xúc phong cảnh thiên nhiên được thu nhỏ trước sân nhà. Trong không gian trầm lắng ấy dường như giúp cho mọi người trút đi mọi ưu phiền, rũ bỏ hết những trăn trở trong cuộc sống mưu sinh thường nhật và trên hết vẫn là thỏa mãn niềm đam mê của mình, mang lại cho cuộc sống những giá trị tinh thần vô giá.

LÊ PHƯƠNG

.
.
.