Ca khúc ra đời trên Quảng trường Nhà hát Lớn đúng ngày 19/8
Cập nhật: 20:59, 15/08/2020 (GMT+7)
Đó là ca khúc “19 tháng Tám” mà nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh hoàn thành đúng lúc ông và đồng đội tiến vào Quảng trường Nhà hát Lớn vào ngày 19-8-1945, ngày Cách mạng tháng Tám thành công.
Nhạc sĩ Xuân Oanh (1923-2010). Nguồn: Lao đông Thủ đô |
Nguyên là phóng viên quân sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, đã vài lần tôi đến thăm, trò chuyện với nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh, tác giả bài hát “19 tháng Tám” để tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của ca khác này.
Khi ấy, ông vẫn ở trong căn hộ tập thể của Đài Tiếng nói Việt Nam, số 54 phố Quán Sứ. Mặc dù tuổi cao, nhạc sĩ vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, vui vẻ trò chuyện với khách.
Ông tâm sự: “Tôi sinh năm 1922, ở huyện Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh; trong gia đình thợ mỏ nghèo, mẹ mất sớm. Bản thân chỉ được học hết bậc tiểu học và học dở dang trung học; mới 14 tuổi đã phải về Hải Phòng làm đủ nghề để kiếm sống. Một ít “vốn liếng” về âm nhạc, hội họa và ngoại ngữ có được là do tự học. Năm 19 tuổi, tôi lên Hà Nội làm gia sư dạy trẻ, vẽ mẫu quần áo, sửa chữa giày dép và được nhà văn Nguyễn Đình Thi hướng dẫn làm công tác tuyên truyền cho Mặt trận Việt Minh. Công việc cụ thể là đi phân phát, giới thiệu báo Cờ Giải phóng, báo Hồn Nước. Được tham gia công tác cách mạng, tôi thấy vinh hạnh lắm!...”.
Hồi tưởng lại không khí sục sôi cách mạng, ông cho biết, cả đêm 18 tháng 8 năm 1945, Hà Nội hầu như không ai ngủ. Nhân dân chuẩn bị cờ, băng rôn, biểu ngữ cho cuộc biểu tình ngày mai. Mới 3-4h sáng ngày 19/8, từng đoàn người rầm rập từ 5 cửa ô kéo vào trung tâm Thành phố. Ông cùng đồng đội từ phía nam Hà Nội, tiến thẳng về Quảng trường Nhà hát Lớn trong biển người náo nức, sôi động, hừng hực khí thế cách mạng như tức nước vỡ bờ. Mọi người cầm cờ, biểu ngữ, vừa đi vừa hô to các khẩu hiệu: “Toàn dân Việt Nam vùng lên! Vùng lên!”, “Thề đem xương máu quyết chiến đấu! Chiến đấu!”
Được hòa mình trong dòng thác cách mạng đó; được chứng kiến những giờ phút thiêng liêng hào hùng của đất nước, người thanh niên 23 tuổi Xuân Oanh không kìm nổi cảm xúc dâng trào và cảm xúc ấy bật lên thành ý nhạc, lời ca: “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày. Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai...” và cứ thế, “xuất thần” những câu tiếp sau.
Tác giả vừa sáng tác vừa hát lên để quần chúng đi trong đoàn biểu tình hát theo. Tới Nhà hát Lớn thì ca khúc “19 tháng Tám” đã hoàn chỉnh. Giữa Quảng trường Nhà hát Lớn trong mùa thu, rực rỡ cờ sao, nhân dân phấn khởi, tự hào, hát vang bài ca được sáng tác tại chỗ, kịp thời nhất: “... Người Việt Nam đều thống nhất reo vang lời thề: Mười chín tháng Tám, chớ quên là ngày khởi nghĩa. Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam”.
Sau đó ít ngày, bài hát được Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm và phát sóng liên tục cả tuần tiếp đó, vào đúng dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, nên bài hát càng có ý nghĩa sâu sắc và đọng lại mãi trong lòng mọi người.
Bài hát chỉ có 10 câu ngắn gọn nhưng rất chỉn chu về khúc thức với hình thức hai đoạn đơn theo nhịp điệu hành khúc đậm chất hào hùng, khỏe mạnh, ca từ mộc mạc nhưng sống động, đầy thực tiễn trên đường phố lúc đó và chứa đựng sự quyết tâm cao cả, lời hiệu triệu những trái tim yêu nước Việt Nam vùng lên giành độc lập dân tộc. Vì lẽ ấy, “19 tháng Tám” đã nhanh chóng vượt ra khỏi 5 cửa ô của Thủ đô Hà Nội bay đến với đồng bào khắp mọi miền trong cả nước, từ chiến khu Việt Bắc tới bưng biền kháng chiến Nam Bộ.
Với giai điệu ngắn gọn, giản dị, hùng tráng, lời ca sống động, dễ nhớ, dễ thuộc, “19 tháng Tám” là ca khúc “để đời” của nhạc sĩ Xuân Oanh, có sức cổ vũ, động viên quần chúng vùng dậy đấu tranh giành tự do, độc lập cho đất nước. Bài hát là tiếng nói khát vọng của nhân dân, là tài sản văn hóa của dân tộc...
Trong cuộc trò chuyện tôi được biết thêm, sau Cách mạng tháng Tám, ông lên chiến khu Việt Bắc làm báo Cứu Quốc. Năm 1950, ông được cử tham gia vào các hoạt động hòa bình - đoàn kết - hữu nghị, vận động nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến, kiến quốc. Từ đó, hơn 40 năm, ông gắn bó với công tác này cho đến lúc nghỉ hưu. Ông từng giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam.
Vừa làm việc trong lĩnh vực ngoại giao, Xuân Oanh vừa tiếp tục sáng tác hàng trăm ca khúc, trong đó có những bài hát nổi tiếng: “Hà Nội - Bắc Kinh - Mạc Tư Khoa”, “Quê hương anh bộ đội”, “Ca ngợi chế độ ta tươi đẹp”... Ngoài ra, dựa vào khả năng thành thạo hai ngoại ngữ Anh, Pháp, ông dịch thuật hơn 10 tác phẩm văn học nổi tiếng như: “Cuộc chiến tranh giữa các vì sao”, “Trần trụi giữa bầy sói”, “Cuộc phiêu lưu của Héc Quyn”...
Lúc chia tay, ông nói vui với tôi: “Mặc dù chưa một ngày được cầm súng nhưng tôi vẫn tự hào là đồng đội của anh, là cựu chiến binh, bởi lẽ, đã hai lần cấp trên biệt phái tôi vào quân đội công tác; có ca khúc đoạt giải viết về lực lượng vũ trang và bản thân là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - ngoại giao...”.
Người nhạc sĩ ấy, người lính ấy đã đi xa (ông mất năm 2010) nhưng ca khúc “19 tháng Tám” của ông vẫn vang lên hùng tráng mỗi độ tháng Tám thu về…
(Theo chinhphu.vn)