Để bài vọng cổ mãi ngân xa
Bài vọng cổ ra đời cách nay gần 100 năm. Tuy trải qua nhiều thăng trầm, nhất là trong những năm gần đây, nhưng bài vọng cổ vẫn giữ được chỗ đứng và ăn sâu vào lòng giới mộ điệu, có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ trong nước, mà còn theo chân người Việt đi khắp nơi trên thế giới. Trong những năm qua, việc sáng tác vọng cổ vẫn được các soạn giả, nghệ sĩ, nghệ nhân âm thầm thực hiện, đóng góp cho hoạt động biểu diễn đờn ca tài tử, cải lương ngày càng thêm phong phú.
Các tác giả đoạt giải trong Cuộc thi Sáng tác lời mới bài vọng cổ ĐBSCL năm 2017 do Tiền Giang đăng cai tổ chức. |
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH BÀI VỌNG CỔ
Để có được sự hoàn chỉnh như ngày nay, bài vọng cổ đã trải qua một quá trình hình thành và hoàn thiện lâu dài. Năm 1919, nhạc sĩ Cao Văn Lầu cho ra đời bài Dạ Cổ Hoài Lang tại Bạc Liêu, đặt nền móng cho sự ra đời của bài vọng cổ. Từ năm 1923, trên sân khấu cải lương, bài Dạ Cổ Hoài Lang dần thay cho bài Tứ Đại Oán. Từ nhịp 2, bài Dạ Cổ Hoài Lang đã được các nhạc sĩ, danh ca tài tử dần dần bồi đắp, mở rộng đến nhịp 8, rồi nhịp 16, 32, 64. Trải qua gần 100 năm, nhưng vọng cổ vẫn là bài chủ lực của sân khấu cải lương.
Theo Soạn giả - Nghệ nhân Ưu tú Huỳnh Anh, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang, bài vọng cổ nhịp 16 ra đời vào giữa thập niên 40 của thế kỷ XX. Sau đó bài vọng cổ nhịp 32 ra đời, đây là nhịp thức được phổ biến nhiều nhất trong các bài ca lẻ; đồng thời, được sử dụng hầu hết trong các tuồng cải lương. Trong giai đoạn đầu, bài vọng cổ nhịp 32 được sáng tác phổ biến với 6 câu. Tuy nhiên, do nhận thấy bài vọng cổ 6 câu dài dòng và dàn trải nên các soạn giả đã rút ngắn lại còn 4 câu, từ đó giúp cho bài vọng cổ cô đọng hơn. Từ khi ra đời cho đến nay, bài vọng cổ đã trở thành một phương tiện chuyên chở tình tự dân tộc một cách đắc lực, đi vào lòng mọi tầng lớp nhân dân. Bài vọng cổ chứa đựng và có khả năng diễn tả tất cả các cung bậc tình cảm con người, như vui, buồn, đau khổ, hào hùng…
Gần 100 năm ra đời, bài vọng cổ đã song hành cùng với quá trình phát triển và đi lên của đất nước. Bài vọng cổ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, đó là đồng hành cùng dân tộc trong 2 cuộc kháng chiến, trong giai đoạn chiến đấu, bảo vệ biên giới và kiến thiết, xây dựng đất nước sau chiến tranh. Việc tiếp nối cha anh, cho ra đời nhiều bài vọng cổ có chất lượng, đi vào lòng người để cổ vũ cho các phong trào thi đua, lao động sản xuất…, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần giữ gìn và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc không chỉ là trách nhiệm của đội ngũ sáng tác, mà còn là trách nhiệm của các ngành hữu quan. |
Trong gần 100 năm qua, bài vọng cổ luôn đồng hành cùng với quá trình đấu tranh, xây dựng, kiến thiết đất nước. Trong chiến tranh, bài vọng cổ theo chân các cô chú văn công, tay súng tay đờn phục vụ cho bộ đội bằng những lời ca, tiếng hát ngọt ngào của giai điệu hò - xự - xang - xê - cống, cùng với những ca từ mượt mà trong 4 câu vọng cổ, thể hiện ý chí quật cường, quyết tâm giành độc lập, tự do cho dân tộc. Từ đó, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu cho bộ đội rất thiết thực và hiệu quả. Trong giai đoạn xây dựng, kiến thiết đất nước sau chiến tranh, bài vọng cổ với những ca từ mượt mà, sâu lắng đã vào nhà máy, đến công trường, ra cánh đồng đang mùa sản xuất…, góp phần hun đúc, cổ vũ tinh thần hăng say lao động cho tất cả mọi tầng lớp nhân dân.
THIẾU TÁC PHẨM ĐỂ LẠI DẤU ẤN
Bài vọng cổ cũng đã đưa tên tuổi nhiều tài danh nghệ sĩ lên đỉnh cao, tên tuổi và giọng ca của họ sống mãi với thời gian và trong lòng người mộ điệu. Đồng thời, bài vọng cổ cũng đã đưa tên tuổi của nhiều soạn giả nổi tiếng khắp nơi, mà Soạn giả - Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu là một điển hình. Trong “gia tài” đồ sộ của mình, ông đã để lại cho giới mộ điệu khoảng 2.000 bài vọng cổ, trong đó nhiều bài vọng cổ thuộc “khuôn vàng thước ngọc” đã đi vào lòng hàng triệu công chúng.
Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, một lớp soạn giả mới xuất hiện như: Châu Thanh, Ngô Hồng Khanh, Huỳnh Anh (Tiền Giang), Trọng Nguyễn (Bạc Liêu), Dương Thị Thu Vân (Bến Tre), Diệp Vàm Cỏ, Việt Sơn (Long An)… cũng đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng giới mộ điệu với rất nhiều bài vọng cổ nổi tiếng, được công chúng đón nhận. Trong những năm gần đây, giới nghệ sĩ sáng tác vọng cổ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khá hùng hậu. Soạn giả Huỳnh Anh cho biết: Ở Tiền Giang, đội ngũ sáng tác vọng cổ cũng khá đông, nhưng chỉ có khoảng 10 đến 15 tác giả là viết “ra bài”.
Tuy nhiên, các tác giả này cũng đã ở tuổi trên dưới 50; còn tác giả ở lứa tuổi trên dưới 40 không nhiều.
Không chỉ hụt hẫng về đội ngũ sáng tác tiếp nối, chất lượng của tác phẩm vọng cổ trong thời gian gần đây cũng đặt ra nhiều vấn đề. Có thể dễ dàng nhận thấy tác phẩm vọng cổ hiện nay không phải thiếu, nhưng tác phẩm có sức sống, tạo được dấu ấn, đi vào lòng giới mộ điệu thì chưa nhiều. Theo Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tiền Giang Nguyễn Thanh Hải, tác phẩm vọng cổ hay, đi vào lòng người đòi hỏi phải có tính thời sự, có ý nghĩa xã hội, chất trữ tình, tầm tư tưởng và có tính khái quát cao. Đồng thời, ngôn ngữ, hình ảnh phải mộc mạc, dung dị, có chất văn học; câu từ dễ ca, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người.
Để tìm những bài vọng cổ hay phục vụ cho phong trào đờn ca tài tử - cải lương, trong những năm qua, Hội Văn học - Nghệ thuật các tỉnh ĐBSCL đã phối hợp, luân phiên tổ chức Cuộc thi Sáng tác lời mới bài ca vọng cổ. Cuộc thi được tổ chức 2 năm/lần, Tiền Giang đã đăng cai tổ chức 2 lần vào năm 2017 và 2019. Qua cuộc thi đã xuất hiện nhiều bài vọng cổ có chất lượng; đồng thời, xuất hiện nhiều tác giả trẻ có tiềm năng. Tuy nhiên, các tác phẩm vọng cổ đoạt giải cũng chỉ được phổ biến trong khuôn khổ cuộc thi, chưa được phổ biến rộng rãi trên sóng phát thanh và truyền hình. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang đã nhiều lần tổ chức tập huấn cho đội ngũ sáng tác vọng cổ, mời các soạn giả nổi tiếng về truyền đạt kinh nghiệm. Tuy nhiên, các tác phẩm vọng cổ hay, đi vào lòng người, được giới mộ điệu đón nhận vẫn còn hạn chế.
THIÊN LÊ