Bài 2: "Men say" từ lan đột biến
Bài 1: Những người “si tình” với hoa lan
Những năm gần đây, phong trào chơi lan và trồng lan phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh. Riêng tại TP. Mỹ Tho, phong trào này ngày càng nở rộ, nhiều hộ gia đình từ trồng lan để thỏa niềm đam mê giờ chuyển sang trồng kinh doanh và sưu tầm nhiều loại lan độc, lạ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với nhiều người, việc chơi lan đã không còn xa lạ, bởi sự phổ biến của loài hoa này. Tuy nhiên, nhắc đến lan rừng, đó vẫn là câu chuyện thú vị, mỗi người đam mê có một thế giới riêng để đồng cảm, thấu hiểu.
Anh Đinh Vũ Duy (bìa trái) khoe khu vườn lan bạc tỷ. |
TỪ RỪNG XUỐNG PHỐ
Theo thời gian, lan rừng cũng có nhiều thay đổi. Nếu trước đây những người “si tình” với hoa lan chỉ được ngắm lan nở mỗi năm một lần như đặc tính vốn có của nó, thì ngày nay với kỹ thuật hiện đại, người chơi có thể làm cho lan nở 1 năm từ 2 đến 3 lần (tùy loài). Theo kinh nghiệm của những người chơi lan, trước đây nhiều loài lan rừng không lai tạo đột biến được, nên người chơi phải lên rừng săn lan, giá mỗi kg lan giả hạc chỉ khoảng 1,2 triệu đồng. Nếu may mắn trong số đó có 1 cây đột biến tự nhiên, giá của nó có thể lên đến vài trăm triệu đồng.
Nhân viên chăm sóc đang chụp ảnh mặt hoa để gắn mã số lan. |
Với bề dày kinh nghiệm hơn 48 năm chơi lan, chú Hoàng Minh Long, Phó Chủ tịch Hội Hoa lan TP. Hồ Chí Minh, Cố vấn Câu lạc bộ Hoa lan Sông Tiền, chia sẻ: Trước đây, ở Việt Nam có trên 6.500 loài lan trong tự nhiên, nhưng hiện nay công nghệ phát triển có thể lai tạo, cấy ghép cho ra nhiều giống lan khác. Khoảng năm 1975, giống dendro có giá cao, do thời điểm đó Việt Nam chưa cấy ghép được cây giống, chủ yếu mua từ Pháp về. Sau này, khoa học - kỹ thuật phát triển đã lai tạo và nhân giống nên giá lan bắt đầu giảm, ngoại trừ lan rừng đột biến tự nhiên thì giá vẫn cao”.
Theo giới chơi lan, lan rừng sau khi xuống phố được thuần hóa, sau đó lai tạo ra nhiều giống mới có giá trị kinh tế cao hơn. Chúng tôi thắc mắc vì sao hiện nay nở rộ phong trào kinh doanh lan, thậm chí ở một số tỉnh, thành phố lớn thị trường lan “sốt” hơn cả bất động sản? Giải đáp về vấn đề này, những người chơi lan cho rằng, nếu cùng diện tích đất, trồng lan cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng một số loại cây khác. Việc trồng lan không khó nhưng cũng không dễ. Cây lan có sức sống mãnh liệt, nhưng đòi hỏi người trồng lan phải am hiểu kỹ thuật, thời tiết, nhất là khâu chăm sóc, phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời xử lý khi bị sâu bệnh. Đặc biệt, không như những cây trồng khác, cây lan phải trồng trên giá thể khô, nên người trồng phải theo dõi và bổ sung dinh dưỡng phù hợp cho cây. Hơn nữa, với công nghệ phát triển như hiện nay, lan rừng cũng có thể lai tạo, cấy mô đột biến được, nên thu hút nhiều người tham gia vào sân chơi này.
Câu lạc bộ Hoa lan Sông Tiền tham gia trưng bày lan tại Hội chợ Triển lãm Công nghiệp Thương mại Đồng bằng sông Cửu Long. |
“MEN SAY” CỦA GIỚI MỘ ĐIỆU
Trước đây, người chơi lan chủ yếu đam mê, chơi theo sở thích cá nhân, gia đình, nhưng hiện nay phong trào chơi lan nở rộ. Thông qua mạng xã hội, thông tin được truyền thông rộng rãi, số người chơi lan tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Anh Đinh Vũ Duy (chủ vườn lan tại xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cho biết, hiện nay, lan đột biến trên thị trường có giá cao gấp hàng trăm, hàng ngàn lần so với lan thường. Với kỹ thuật hiện nay, xác suất lai tạo, cấy mô thành công lan đột biến khá thấp (có một số loài chỉ khoảng 5%), còn đa phần là chưa làm được. Vì vậy, lan đột biến có giá rất cao.
Theo phân tích của những người sành chơi lan, nếu muốn chơi lan đột biến thì phải chấp nhận mua với giá khá cao để sở hữu giò lan này. Chỉ một chồi lan rừng cao 1 - 2 cm nhưng có gen đột biến đôi khi giá lên đến hàng chục triệu đồng. Dù vậy, những người chơi lan thực sự nếu có điều kiện cũng sẽ mua để thỏa mãn đam mê, còn đối với một số người làm kinh tế cũng sẵn sàng bỏ bạc tỷ ra mua để đầu tư. Thực tế, con số này sẽ khiến cho nhiều người cảm thấy bất ngờ, nhưng giới chơi lan xem đó là chuyện bình thường.
Chỉ một khúc thân giả hạc 5 cánh trắng Tiểu Vy nhưng anh Đinh Vũ Duy mua với giá 600 triệu đồng. |
Giải thích với dân “ngoại đạo” như chúng tôi vì sao lan đột biến có giá cao, chú Long chia sẻ: Nói một cách dễ hiểu, trong hàng triệu cây lan đều nở màu tím, nhưng nếu có 1 cây đột biến nở hoa màu trắng thì cây nở hoa màu trắng này có gen đột biến trong tự nhiên thuộc dòng quý hiếm. Bởi tố chất “có 1 không 2” về màu sắc, mùi hương và những chuẩn mực về “cái đẹp” trong giới chơi lan nên cây lan này có giá rất cao.
Chơi lan là thú vui tao nhã, đối với những người “si tình” với hoa lan, mỗi giò lan được xem như một tác phẩm nghệ thuật, nhất là đối với lan rừng đột biến chỉ được ngắm, không cần sở hữu cũng thỏa mãn niềm đam mê.
GIA TUỆ - HÀ NAM
(còn tiếp)