Xích lô - một thời để nhớ!
Vào những năm 1930, xích lô được xem là một phương tiện giao thông phổ biến của người Sài Gòn. Và từ những năm 1948, 1949 Mỹ Tho cũng đã có xích lô. Nhưng giờ đây, với nhịp sống ngày càng vội vã, hình ảnh những chiếc xích lô ngày càng vắng bóng và dần lui vào dĩ vãng. Nghề chạy xích lô để mưu sinh trên khắp các con phố của TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) đã đi vào hoài niệm một thời.
Đa số người chạy xích lô hiện nay ở TP. Mỹ Tho đều đã lớn tuổi. |
Trong bối cảnh phương tiện giao thông ngày càng hiện đại, các loại hình di chuyển từ cá nhân đến công cộng phát triển nhanh chóng và đa dạng hình thức như: Xe buýt, taxi, các loại xe công nghệ vận chuyển hành khách, xe máy, ô tô… hầu như phổ biến với tất cả mọi người. Nhu cầu đi lại thường ngày của người dân ở TP. Mỹ Tho trên những chiếc xích lô truyền thống đã không còn nữa. Điều này làm cho những người hành nghề xích lô dần phải bỏ nghề do vắng khách hoặc phải chuyển sang vận chuyển hàng hóa trên những chiếc xích lô của mình.
Hòa chung dòng chảy của thời gian và những đổi thay của thời cuộc, tại TP. Mỹ Tho, hiện nay, những người mưu sinh bằng nghề chạy xích lô chỉ còn khoảng 20 đến 30 người. Đa phần những người bám trụ được với nghề chạy xích lô đều lớn tuổi, nhỏ nhất cũng đã ngoài 50. Hầu hết họ đều có hoàn cảnh khó khăn, không đất đai canh tác. Do đó, việc chuyển đồi nghề với họ là rất khó khăn nên họ phải gắn bó với nghề chạy xích lô để mưu sinh. Tuy nhiên, hiện nay, xích lô dùng để vận chuyển hành khách không còn nữa mà chủ yếu dùng để chở hàng hóa.
Với những người từng gắn bó nhiều năm với nghề chạy xích lô, thì những năm trước đây nghề này đã mang lại cho họ thu nhập nuôi sống gia đình. Còn hiện nay, nghề chạy xích lô rất khó kiếm sống, bởi thu nhập từ nghề quá ít. Nhớ về khoảng thời gian sống bằng nghề chạy xích lô, ông Nguyễn Văn Minh (68 tuổi), ngụ phường 1, TP. Mỹ Tho cho biết: “Tôi có hơn 40 năm làm nghề chạy xích lô. Cách đây khoảng 20 năm trở về trước, nghề chạy xích lô làm ăn được lắm, lúc nào cũng có khách, nhiều lúc chở mà không kịp nghỉ ngơi. Nhờ vậy mà khi làm nghề, tôi đã nuôi cả gia đình, lo cho 3 đứa con ăn học thành tài, có việc làm ổn định. Nhưng vài năm trở lại đây, hầu như không ai đi xích lô nữa, người dân chủ yếu đi taxi, xe “ôm”, xe buýt hoặc xe máy cá nhân… nên xích lô giờ chỉ để chở hàng hóa. Nhiều lúc ngồi cả ngày mà chẳng chở được chuyến hàng nào.Tuy thu nhập bấp bênh nhưng kiếm được đồng nào hay đồng đó, chứ giờ lớn tuổi rồi, bỏ nghề này thì biết làm gì”.
Còn ông Trần Minh Thanh, ngụ phường 2, TP. Mỹ Tho, gắn bó với nghề chạy xích lô từ năm 1975 cho đến nay đã 71 tuổi mà vẫn không bỏ nghề. “Lúc trước người đi xe xích lô đông lắm, bây giờ thì rất ít, chỉ có một số ít người lớn tuổi vẫn còn thói quen đi chợ bằng xích lô mỗi sáng, bởi họ thích nhìn ngắm đường phố và có phần vì họ sợ đi xe máy. Giờ chạy xích lô một tháng kiếm chưa tới 2 triệu đồng nhưng vẫn không bỏ nghề được, giống như nghề đã ăn vào xương máu mình rồi” - ông Thanh chia sẻ.
Theo ông Thanh, bây giờ chạy xích lô chủ yếu chở hàng hóa, mỗi ngày được vài chục ngàn đồng, có khi không có đồng nào, nhiều anh em trong nghề đã bán sắt vụn chiếc xích lô. Thật vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay khách hàng của những người làm nghề chạy xích lô thường là các bà nội trợ đã lớn tuổi, các tiểu thương cần mang hàng ra chợ, cửa hàng buôn bán cần thuê chở hàng hóa cho khách. Mỗi lượt đi có khi chỉ được khoảng 20.000 - 50.000 đồng, tùy đoạn đường xa, gần, hàng hóa nhẹ hay nặng. Tuy nhiên, số người thuê phương tiện này cũng không còn nhiều.
Theo những người còn bám trụ với nghề chạy xích lô, nghề này thời nào cũng gian truân, lận đận, bởi mỗi cuốc xích lô luôn chan đầy mồ hôi mới mong đổi được miếng cơm, manh áo. Chiếc “xe sắt” 3 bánh ấy có thể len lỏi bất cứ nơi đâu trên phố phường TP. Mỹ Tho, có thể chở nhiều người cùng lúc, cũng có thể chở đồ dùng không mấy khó khăn và giúp không ít người mưu sinh bằng nghề này.
Trong ký ức những người dân TP. Mỹ Tho, xích lô là một loại phương tiện phổ biến và tiện dụng. Tuy hôm nay chạy xích lô không còn thích hợp với hình ảnh thành phố hiện đại nhưng người ta vẫn nhớ nó như một nét văn hóa của Mỹ Tho đại phố năm nào.
NGỌC AN