.

Tiền Giang: Chuyển biến tích cực trong phát triển văn hóa nông thôn

Cập nhật: 20:15, 26/08/2020 (GMT+7)

Thực hiện Quyết định 22 ngày 5-1-2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” (viết tắt là Đề án), những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện Đề án nghiêm túc, đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi, bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc.

Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, ấp được đầu tư xây dựng khang trang, bề thế.
Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, ấp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được đầu tư xây dựng khang trang, bề thế.

Công tác tuyên truyền được các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được thực hiện cả chiều rộng lẫn chiều sâu với nhiều hình thức đa dạng. Theo đó, đã tuyên truyền được 85.152 cuộc, với khoảng 3.195.000 lượt người dự. Bên cạnh đó, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan đã soạn thảo và phát hành 11.600 quyển tài liệu hỏi - đáp về xây dựng nông thôn mới (NTM); in ấn và phát hành 492.000 tờ bướm tuyên truyền xây dựng NTM cấp phát đến hội viên, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh...

Qua công tác phổ biến, quán triệt, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa nông thôn, xây dựng NTM. Đặc biệt là, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Đề án, cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp thành phong trào sâu rộng trong nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện Đề án.

Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được quan tâm đầu tư sửa chữa, xây mới, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa lành mạnh, bổ ích cho người dân nông thôn. Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự đồng lòng hưởng ứng của nhân dân, số lượng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển mạnh. Đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang có 104 Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã và 279 Nhà văn hóa ấp (liên ấp) đạt chuẩn theo quy định.

Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang. 	                                                                                                          Ảnh: THU HOÀI
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: THU HOÀI

Cùng với phát triển số lượng, việc nâng cao chất lượng hoạt động để phát huy công năng của thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đã được quan tâm đẩy mạnh. Một trong những công việc để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở là tổ chức củng cố, xây dựng, phát triển phong trào văn nghệ - thể thao quần chúng, trong đó nòng cốt là xây dựng duy trì hoạt động các đội, nhóm, câu lạc bộ (CLB) văn nghệ, thể thao.

Nhiều mô hình hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao truyền thống và hiện đại đã được các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng duy trì hoạt động có hiệu quả như: Câu lạc bộ Hát với nhau, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử, CLB Dưỡng sinh, CLB Võ thuật…, thu hút đông đảo người dân đến sinh hoạt, giao lưu, góp phần từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được các địa phương quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện gắn với phong trào thi đua Chung sức xây dựng NTM…

Kết quả, qua 10 năm triển khai thực hiện Đề án, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân ở hầu hết các vùng nông thôn trong tỉnh ngày càng được cải thiện; kết cấu hạ tầng kinh tế -xã hội nông thôn được tăng cường, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Đề án vẫn còn những hạn chế nhất định, đó là: Việc phối hợp giữa các ngành thành viên Ban Chỉ đạo ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ, thường xuyên nên hiệu quả đạt được chưa cao, chưa phát huy được sự tự nguyện, tự giác tham gia của cộng đồng. Hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao chưa được phát triển đồng đều; các thiết chế văn hóa ở cơ sở chưa được sử dụng hiệu quả để phục vụ đời sống văn hóa của nhân dân...

Để tiếp tục thực hiện Đề án đạt kết quả tốt, thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh Tiền Giang cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về văn hóa, thể thao của người dân ở nông thôn. Nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thông tin và thể thao ở nông thôn. Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, tạo nền tảng vững chắc và góp phần thiết thực trong việc xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.       

NGUYỄN MINH PHÚC

.
.
.