Thứ Sáu, 11/09/2020, 09:23 (GMT+7)
.
NHÀ THƠ VŨ TUẤN:

Một tâm hồn nhạy cảm, một ngòi bút say đắm với thơ ca

Nhà thơ Vũ Tuấn đặt ra phương châm sáng tác của mình: “Sống chân thật, sống hết mình, viết trung thực với niềm đam mê khám phá cuộc sống ở những góc khuất tận cùng của nó. Viết ít, viết chậm mà chắc. Quý hồ tinh bất quý hồ đa”.

Có lẽ cũng vì thế mà 2 tập thơ “Giai điệu phù sa” và “Mật ngữ đồi thông kim” của anh cách nhau gần 15 năm, một khoảng cách khá dài đủ cho thơ lắng. Mặc dù thế, tình yêu dành cho thơ ca của anh trước sau vẫn vậy, luôn đắm say, chung thủy, cũng không kém phần quyết liệt và nhiệt thành.

Những người yêu thơ đến cuồng nhiệt và dám dấn thân, đánh đổi như Vũ Tuấn ở Tiền Giang không nhiều. Ở tuổi 18 - 20, chàng trai Vũ Tuấn hăm hở bước vào con đường thơ ca bằng niềm đam mê cháy bỏng.

Bước vào cấp III, Vũ Tuấn đã có nhiều thơ đăng trên Tập san Văn hóa - Văn nghệ Cái Bè, Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang, rồi được giới thiệu vào Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang năm 1991 khi đang học lớp 11. Cũng vì quá mê thơ nên chểnh mảng việc học, bị lưu ban, nên có thời gian Vũ Tuấn lên TP. Hồ Chí Minh làm thơ và sinh hoạt thơ ca với những bạn bè có cùng niềm đam mê.

Nhà thơ Vũ Tuấn (thứ ba từ trái sang) tại buổi tọa đàm giới thiệu tác phẩm của anh.
Nhà thơ Vũ Tuấn (thứ ba từ trái sang) tại buổi tọa đàm giới thiệu tác phẩm của anh.

Một thời gian sau địa phương gọi về đi nghĩa vụ quân sự. Sau khi rời quân ngũ, Vũ Tuấn quyết tâm học tập bổ túc văn hóa với mong muốn tiếp tục dấn thân vào con đường sáng tác.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, nên có lúc Vũ Tuấn hầu như đoạn tuyệt hẳn với việc sáng tác để lo công việc mưu sinh. Những niềm đam mê dành cho thơ cứ thôi thúc anh, nên khi kinh tế gia đình tạm ổn định, Vũ Tuấn lại tiếp tục đeo đuổi niềm đam mê sáng tác.

Tôi nhớ, có thời gian anh đưa ghe đi rong ruổi ở tận miệt Đồng Tháp Mười để thu mua lúa, nhưng khi Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang có tổ chức hội họp hay trại viết, anh đều cố gắng dành thời gian về tham dự. Vũ Tuấn đến với thơ ca bằng sự đắm say thật sự, bằng tâm huyết đem những vần thơ làm đẹp cho đời.

Nhắc đến những khó khăn, chông gai để đến với thơ ca của Vũ Tuấn thì mới lý giải được tại sao trong thơ anh luôn canh cánh những nỗi khát khao chinh phục, khám phá vẻ đẹp thơ ca, những tâm sự sẻ chia về công việc sáng tạo đầy nhọc nhằn cũng như những thăng trầm trong cuộc đời tác giả… Vũ Tuấn viết:

“Giã thơ, ta làm ruộng/Rút-rơm-trâu-ăn-mê!/Có gì như nghiệp chướng/Lang thang lại trở về…
Bạn bè bung… cánh mộng/Ta, đi theo rãnh cày/Thời gian - gã lật lọng/Nửa đời vẫn trắng tay!”.

Bài thơ “Nghĩ lại”, tác giả đề tặng các bạn văn chương trong Trại Sáng tác Văn học trẻ Tiền Giang năm 2002 đến nay đọc lại vẫn mang đầy nỗi niềm của anh nông dân với đam mê dành cho thơ ca. Ở tập thơ “Giai điệu phù sa” cũng ăm ắp những tâm sự chân thành như thế:

“Cuốc cày gieo gặt quanh năm
Đất thơ đào bới nhọc nhằn tìm thơ
Mệt nhoài, ngồi nhặt vu vơ
Đào lên lấp lại giấc mơ vô thường!”.

(Thơ giữa cơn đau)

Cảm hứng thơ ca của Vũ Tuấn bắt nguồn từ ngay chính những công việc thường ngày của anh. Từ cuộc sống với cảm xúc rất thật, những tứ thơ bất ngờ và độc đáo được thi sĩ nắm bắt trọn vẹn:

“Thi sĩ cuốc đất ban ngày
Để đêm đến lại miệt mài… làm thơ”.

Khó khăn như thế, nhọc nhằn như thế nên đối với Vũ Tuấn, sáng tạo thi ca là một công việc rất đáng trân trọng và đầy vinh quang:

“Huân chương của anh là nước mắt
Phía nào cũng rạng rỡ long lanh”.

(Nhà thơ)

Trong giai đoạn đầu sáng tác, Vũ Tuấn có thế mạnh ở thể loại thơ tứ tuyệt. Những bài thơ tứ tuyệt của anh luôn có cấu tứ mới lạ, hình tượng độc đáo gây bất ngờ cho bạn đọc. Một bài thơ của anh, tôi đã đọc cách đây hơn 15 năm nhưng đến nay vẫn thuộc nằm lòng:

“Cơn gió mang đi hết
Những hương hoa của đồng
Xác hoa người cũng nhặt
Tôi đem về trống không”.

(Trống không)

Vũ Tuấn cũng khá thành công với thơ tình. Thơ tình của anh không có quá nhiều cung bậc cảm xúc, đó là hạn chế nhưng cũng là thế mạnh của anh. Đọc thơ tình của Vũ Tuấn, ta bắt gặp một tình yêu nồng nàn và say đắm, như chính tình yêu của anh dành cho thơ.

Tình yêu trong thơ anh đẹp lung linh và thánh thiện, nhà thơ hướng đến sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa tâm hồn những người đang yêu.

Khoảnh khắc thăng hoa bừng bừng lửa bốc
em như ngọn gió lao ra từ đỉnh dốc
thổi bùng lên những giai điệu ngọt ngào
thổi bùng lên những dồn nén khát khao
phút giây tận hiến tuôn trào
khơi nguồn cho những đớn đau sinh thành?!

(Lửa thức)

Tâm hồn nhà thơ hướng về một tình yêu thủy chung, trọn vẹn. Dành trọn vẹn cảm xúc cho tình yêu, thơ tình Vũ Tuấn được tô đậm thêm với những chiêm nghiệm, chất suy tư để từ đó hình thành nên một giọng thơ đầy sự khát khao cháy bỏng tình yêu qua nhiều cung bậc cảm xúc.

Dù ngữ ngôn sáo rỗng
Dù ký tự nhạt nhòa
Một lời yêu vang vọng
Chưa bao giờ phôi pha

(Một tình yêu)

Thơ tình Vũ Tuấn không chỉ đem đến cho bạn đọc những cảm xúc đẹp, đầy thăng hoa trong tình yêu, còn mang đến những khám phá thú vị về về góc khuất ẩn sâu trong tâm hồn của mỗi người và của chính tâm hồn nhà thơ.

*   *
Con đường thơ ca vốn đầy chông gai và bất trắc. Điều đáng mừng là trải qua thời gian với lắm khó khăn, nhiều trở ngại nhưng nhà thơ Vũ Tuấn vẫn giữ được nguyên vẹn niềm đam mê dành cho thơ ca.

Trên con đường ấy, anh luôn có sự đồng hành và nhận được chia sẻ của những bạn bè văn chương và độc giả. Đó là niềm động viên lớn để nhà thơ Vũ Tuấn tiếp tục dấn thân trong thơ, cống hiến cho bạn đọc tác phẩm mới trong thời gian tới.

TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

.
.
.