Nhà văn - nhà giáo song toàn
Tác phẩm Cánh đồng của nhà văn - nhà giáo Trần Đắc Giỏi được xếp vào trào lưu/xu hướng hiện thực phê phán của giai đoạn văn học 1930 - 1945 cùng với những tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam, như Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê… của Vũ Trọng Phụng; Bước đường cùng, Tinh thần thể dục của Nguyễn Công Hoan; Tắt đèn, Việc làng của Ngô Tất Tố; Bỉ vỏ của Nguyên Hồng; Lão Hạc, Một bữa no, Chí Phèo… của Nam Cao.
Trần Đắc Giỏi, hiệu Trúc Giang (1916 - 1990), quê quán làng Dưỡng Điềm, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình trí thức. Ông từng học Trường Huỳnh Khương Ninh và Trường Lasan Taberd ở Sài Gòn.
Sau đó, ông ra Hà Nội học tiếp; nhưng do gia cảnh khó khăn nên ông trở về Sài Gòn mở “Cours Trúc Giang” ở số 184, đường d’Ayot (nay là đường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP. Hồ Chí Minh), chuyên dạy Tiếng Pháp cho học sinh trung học.
Năm 1956, ông trở về Mỹ Tho, thành lập Trường Trung học tư thục Trúc Giang ở đường Alexandre de Rhôdes (nay là đường Nguyễn Tri Phương, phường 7, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), tiếp tục làm nghề dạy học. Ông nổi tiếng là một thầy giáo dạy giỏi, phong cách mô phạm, có đạo đức gương mẫu, tâm huyết với nghề giáo và tận tụy với học sinh.
Ngoài việc dạy học, ông còn sáng tác thơ văn và dịch thuật. Về tiểu thuyết có 2 văn phẩm Cánh đồng và Hai làn sóng; về thơ có 2 thi phẩm Tiếng trúc bên sông và Dòng sông xanh; về dịch thuật các tác phẩm văn học từ Tiếng Việt, Tiếng Hán sang Tiếng Pháp có Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, Tráng sĩ hành của Trần Tuấn Khải, Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị.
Trong những tác phẩm của ông, tiểu thuyết Cánh đồng ra đời vào năm 1938 là nổi bật hơn cả. Cốt truyện xoay quanh gia đình vợ chồng Hương tuần, là nông dân hiền lành, chân chất, thật thà. Vợ chồng cần cù lao động, quanh năm đầu tắt mặt tối với mảnh ruộng thuê mướn của địa chủ với mức địa tô cao ngất, thường chiếm 2/3 số lúa ruộng thu được; mặc dù vậy, luôn lâm cảnh túng thiếu, đói nghèo.
Để kiếm thêm nguồn thu nhập, anh phải lên miệt Đồng Tháp Mười làm mắm và đã bỏ thây trên dòng nước bạc... Rồi hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh cùng với sự bóc lột của bọn cường hào, địa chủ, khiến chị Hương tuần phải lần lượt bán heo, bán trâu và đem cả đứa con trai út của chị đi ở đợ để trang trải nợ nần, thuế khóa. Vì bệnh tật và kiệt sức, chị đã qua đời.
Người con rể của chị không còn con đường nào khác là phải đăng ký làm phu cho sở cao su ở miền Đông Nam bộ, bỏ vợ của mình ở lại chốn làng quê trong lúc bụng mang dạ chửa, bơ vơ, trơ trọi một mình, đắm mình trong sự tăm tối, nghèo khổ cùng cực. Cánh đồng đã tả lại cuộc sống thống khổ của người nông dân bị vây phủ bởi các thế lực của thiên nhiên, của bọn cường hào, ác bá, địa chủ ở địa phương. Có thể nói, Cánh đồng là tiếng kêu cùng khổ của người nông dân Việt Nam dưới ách thống trị tàn bạo và sự bóc lột nặng nề của chế độ thực dân Pháp cấu kết với bọn phong kiến tay sai.
SONG LAN