Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống
Ngày 7-11, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống (1990-2020) và chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11.
PGS, TS Đặng Thị Thu Hương và TS Nguyễn Sơn Minh đại diện lãnh đạo Viện đón nhận Bằng khen từ Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn. Ảnh: AN PHONG. |
Tới dự buổi lễ có PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; các nhà báo lão thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân: Hà Đăng, Hồng Vinh; GS, TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn; Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Quế Đình Nguyên..., cùng đông đảo các thế hệ giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên của Viện.
Năm 1990, khoa Báo chí (tiền thân của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) ra đời, ghi dấu mốc quan trọng cho sự kiện lần đầu tiên, việc đào tạo và nghiên cứu báo chí được đặt trong một ngôi trường không nằm trong hệ thống trường Đảng, hơn nữa, còn là trường đại học hàng đầu trong đào tạo và nghiên cứu các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam - Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường ĐH KHXH và NV, ĐHQG Hà Nội).
Ngay từ những ngày đầu thành lập, khoa Báo chí đã quy tụ được đội ngũ cán bộ, giảng viên tâm huyết, nhiệt tình, trong đó, nhiều thầy, cô là những nhà khoa học lớn, có tên tuổi, uy tín. Trong môi trường đào tạo và nghiên cứu KHXH và NV hàng đầu ở Việt Nam, sinh viên báo chí được tiếp cận và được truyền thụ những kiến thức cơ bản, nền tảng và sâu sắc nhất từ những giáo sư đầu ngành, tạo nên những phông nền kiến thức quan trọng và quý báu giúp các nhà báo tương lai có nhiều bài viết đi vào lòng người với chiều sâu văn hóa và sự hiểu biết xã hội toàn diện.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết những sinh viên từ khoa báo chí (nay là Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) luôn có nét riêng, đó là chất khoa học xã hội nhân văn được truyền thụ từ đội ngũ giảng viên của khoa.
“Người ta nói làm báo không phải làm văn, nhưng làm báo rất cần chất văn. Chính các thầy cô đã truyền được chất văn đó vào các thế hệ sinh viên”, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ nhận định.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS, TS Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông cho biết, từ mái trường này, hơn 10.000 cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ báo chí đã tỏa về mọi miền đất nước, tác nghiệp, cống hiến những dòng tin hối hả, tạo nên dòng chảy liền mạch trong xã hội, gắn kết thông tin giữa Đảng, Chính phủ với nhân dân, gắn kết giữa doanh nghiệp với công chúng.
Nhiều cựu sinh viên là các nhà báo luôn ở tuyến đầu trong những thời khắc cam go của bão tố, lũ lụt, thiên tai, nhiều nhà báo là cây bút hàng đầu trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, hàng trăm cựu sinh viên đã được nhận nhiều giải thưởng báo chí ở cấp quốc gia, và các cấp bộ, ngành...
Năm 2018, trên cơ sở tích hợp khoa Báo chí và Truyền thông và Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đã ra đời, ghi dấu mốc là đơn vị tiên phong trong trường ĐH KHXH và NV, phát triển từ Khoa lên Viện, chuẩn bị tiền đề cho hoạt động tự chủ đại học sau này. Trong 5 năm vừa qua, Viện đã thực hiện ba đề tài cấp nhà nước và mới đây nhất là nhiệm vụ trọng điểm cấp quốc gia về Nghiên cứu xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Tập Truyền thông.
Các đại biểu tham dự buổi lễ. Ảnh: AN PHONG |
“Với sức trẻ của tuổi 30 đầy hoài bão, Thầy và trò Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông sẽ tiếp tục phát huy nội lực và sức mạnh tập thể, thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế để xây dựng và phát triển Viện theo chiều sâu và theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá các mặt công tác trong sự phát triển chung của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Quốc gia Hà Nội”, PGS, TS Đặng Thị Thu Hương nói.
Nhân dịp này, Viện đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác; đón nhận Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu cấp Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hiện nay, 100% giảng viên của Viện có trình độ từ thạc sĩ trở lên, trong đó 35% cán bộ giảng dạy của viện là PGS, hơn 60% đạt học vị Tiến sĩ. Nhiều cán bộ được đào tạo bài bản chuyên nghiệp tại các nước phát triển và là các chuyên gia uy tín trong giới học thuật, nghiên cứu báo chí truyền thông.
Tuyển sinh đầu vào các ngành Báo chí, Báo chí chất lượng cao và Quan hệ công chúng của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông nhiều năm liền luôn đứng trong tốp 3 các ngành có đông sinh viên đăng ký nhất.
(Theo nhandan.com.vn)