Nhà văn Hồ Biểu Chánh - Kho tiểu thuyết của vùng đất Nam bộ
Hồ Biểu Chánh tên thật Hồ Văn Trung, tự là Thứ Tiên, sinh ngày 1-10-1885 tại làng Bình Thành, nay thuộc xã Thành Công, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Thuở nhỏ ông được học chữ Nho tại gia đình rồi chữ Pháp tại Trường Collège de Mytho (nay là Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu) và tốt nghiệp Bằng Thành Chung từ Trường Chasseloup-Laubat, Sài Gòn. Bắt đầu ra làm ký lục, thông ngôn, rồi Tri huyện, Tri phủ, Đốc phủ sứ. Bận rộn với cuộc đời công chức, nhưng yêu văn học, ông viết rất sớm. Hồ Biểu Chánh có một sự nghiệp văn chương đồ sộ trong văn học sử nước nhà.
VỀ CUỘC ĐỜI “ÔNG QUAN” HỒ VĂN TRUNG
Năm 1906, ở tuổi 21, ông bắt đầu sống cuộc đời công chức. Từ năm 1906 - 1912, ông tòng sự tại dinh Hiệp Lý. Tại đây, ông được dân yêu mến bởi giữ chức sắc hệ trọng nhưng không lấy quyền lực mà hà hiếp người yếu thế. Ông luôn trọng nhân trọng nghĩa, dù ngồi trên chiếc ghế của thực dân Pháp. Từ 1912 - 1914, chỉ trong vòng 2 năm, Hồ Biểu Chánh phải tòng sự ở nhiều nơi. Các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Long Xuyên là những nơi ông phải trông nom về hành chính. Đến năm 1919, Hồ Biểu Chánh được cử về làm việc tại Gia Định (nay là TP. Hồ Chí Minh).
Đầu năm 1937, ông muốn từ bỏ cuộc đời công chức, nên đâm đơn xin nghỉ hưu và ông đã được Chính phủ Pháp chấp thuận. Tuy đơn xin từ chức đã được chính phủ chấp thuận, nhưng ông vẫn không rời được chiếc ghế quan chức. Vì chưa có người thay thế vị trí mình, ông đành phải tại chức cho đến năm 1941 mới được thôi việc. Nhưng chỉ được tự do ít hôm, ngày 4-8-1941, chính quyền Pháp lại cử ông làm Nghị viện Hội đồng Liên bang Đông Dương. Cuối năm 1941, Sài Gòn và Chợ Lớn được sáp nhập thành một, ông lại bị cử làm Nghị viện trong Ban Quản trị Sài Gòn - Chợ Lớn cho đến năm 1945.
Tính từ ngày được Chính phủ Pháp chấp thuận cho đến khi nghỉ hưu, phải mất đến 9 năm ông mới thoát được cuộc đời công chức. Năm 1946, khi vừa rời khỏi chiếc ghế quan chức, Hồ Biểu Chánh đã vội vã quay về cố hương tại Gò Công sống cuộc đời dân dã. Về cuộc đời “ông quan” Hồ Văn Trung, người đời sau thống nhất nhau ở một điểm: Đây là ông quan thanh liêm, noi theo nếp sống thanh bạch của người xưa và xem đó là chuẩn mực để hun đúc tinh thần đạo nghĩa phương Đông.
ĐẾN NHÀ VĂN HỒ BIỂU CHÁNH
Nhân dân Nam bộ biết ông với tư cách là nhà văn hơn là một viên chức của chính quyền Pháp. Với bút danh Hồ Biểu Chánh, ông đến với văn chương từ rất sớm. Năm 1910, ông viết truyện thơ đầu tay U tình lục, tiếp theo là 5 tác phẩm nữa. Từ năm 1921 - 1941, ông cho ra đời 44 tác phẩm.
Từ năm 1943 - 1945, ông sáng tác sung mãn nhất: 48 tác phẩm gồm nhiều thể loại. Từ năm 1953 - 1958, ông cho xuất bản 22 tác phẩm. Trong quãng đời cầm bút, ông đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ gồm: 64 tiểu thuyết, 3 truyện ngắn, 7 đoản thiên, 2 tập thơ, 5 hài kịch, 4 vở hát bội, 3 vở cải lương, 5 tác phẩm tùy bút và phê bình, 6 tập hồi ức, 8 bài diễn thuyết, 23 tác phẩm khảo cứu và văn học.
Nghệ sĩ Ưu tú Hồ Ngọc Xum chia sẻ nhận xét về tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh từ ngôn ngữ văn học đến ngôn ngữ điện ảnh. Ảnh: MINH ANH |
Tất cả những tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh, đề tài phần lớn là cuộc sống Nam bộ từ thành thị đến nông thôn. Ông đã phản ánh và khắc họa lại bối cảnh xã hội vào những năm đầu thế kỷ XX. Ngày nay, đọc lại tiểu thuyết của ông, độc giả vẫn còn tìm thấy những câu chuyện rất xúc động với cách diễn đạt nôm na, bình dị, vẫn còn góp sức to lớn trong việc hình thành thể loại tiểu thuyết trên chặng đường hiện đại.
Ngoài ra, Hồ Biểu Chánh là một trong những văn sĩ miền Nam dùng tiếng địa phương khá nhiều, giọng văn “trơn tuột” như nói. Một cái riêng khác nữa cũng rất đặc biệt ở nhà văn Hồ Biểu Chánh là về diện mạo khẩu ngữ Nam bộ khi đã đưa vào văn học, để rồi qua những từ láy ấy đã trở thành ngôn ngữ tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, như ngồi chồm hổm, nằm dàu dàu, nằm không cục cựa, đầu chơm bơm, đi lầm lũi, nước mắt nước mũi, đôi mắt láo liên…
Tại Hội thảo khoa học “Giá trị văn học trong các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh” do Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức vào tháng 8-2015, Tiến sĩ Hồ Sĩ Hiệp (Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) nhận định: “Tiếp thu kỹ thuật xây dựng tiểu thuyết phương Tây, Hồ Biểu Chánh đã góp phần cách tân thể loại tiểu thuyết về các mặt xây dựng cốt truyện, tình tiết, bố cục tác phẩm, tính cách, tâm lý nhân vật cho đến ngôn ngữ văn chương. Cỗ xe chở tư tưởng là chữ quốc ngữ trước đó nặng nề, ì ạch; đến đây đã được đẩy đi một cách nhẹ nhàng, phăng phăng lướt trên những dặm đường văn học mới. Đó là công lao của anh phu xe tiền phong Hồ Biểu Chánh”. |
Bên cạnh viết tiểu thuyết, nhà văn Hồ Biểu Chánh còn nghiên cứu văn học, lý luận, tôn giáo... Đến năm 1954, độc giả không thấy Hồ Biểu Chánh xuất bản tiểu thuyết mới, ngoài những sáng tác mới của ông đăng trên các báo: Tiếng Chuông, Saigon Mới..., bởi ông đang làm một công việc khác, hấp dẫn không thua gì những quyển tiểu thuyết của ông, đó là viết những tác phẩm mang tính khảo cứu về lịch sử, về tôn giáo, về văn học.
Những quyển sách này không những có giá trị trong thời kỳ ấy, mà còn được lưu trữ ở một số thư viện trên cả nước hiện nay, do có giá trị về văn hóa Nam bộ, được ghi chép lại trong thời kỳ vùng đất mới còn hoang sơ. Cái hay của ông là viết rất thực, thực như người Nam bộ trong thời kỳ đi mở cõi, giọng văn chất phác và gần gũi của người Nam bộ được thể hiện trong tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh.
Những ngày cuối đời, dù bệnh tim rất nặng, thầy thuốc cấm viết, con cháu nài nỉ ngưng viết, nhưng ông vẫn viết. Ông viết lén lút, viết trong những lúc cả nhà đi vắng, mọi người đang ngủ say. Cho đến ngày ông qua đời, người ta không khỏi ngậm ngùi khi thấy những áng văn bản thảo tiểu thuyết của ông đang dang dở trên bàn giấy. Chính điều này cho ta thấy Hồ Biểu Chánh là một người rất đam mê công việc, đặc biệt là sự nghiệp văn chương. Ông đã để lại cho đời một khối tiểu thuyết khổng lồ và giá trị.
Cho dù nhà văn Hồ Biểu Chánh đã đi xa, nhưng khối lượng tiểu thuyết của ông để lại cho đời vẫn là con số chưa có người thay thế. Rất nhiều tác phẩm của Hồ Biểu Chánh từng được chuyển thể thành phim, như: Con nhà nghèo, Khóc thầm, Nợ đời, Chúa tàu Kim Quy, Cay đắng mùi đời… được đông đảo khán giả truyền hình đón nhận và lấy đi nước mắt của rất nhiều khán giả xem phim truyền hình.
Nhà văn Hồ Biểu Chánh mất ngày 4-9-1958 tại Phú Nhuận, Gia Định, hưởng thọ 74 tuổi. Hiện nay, tại quận Phú Nhuận (TP. Hồ Chí Minh) có một con đường mang tên ông.
LINH THỦY (tổng hợp)