.

Hăm ba ông Táo về Trời

Cập nhật: 11:59, 04/02/2021 (GMT+7)

(ABO) Theo dân gian, Đông Trù Tư mạng Táo quân (hoặc Định Phước Táo quân) là một vị thần đại diện Thượng đế ở tại mỗi nhà có nhiệm vụ theo dõi việc thiện ác của từng người, đến cuối năm ngài về chầu nơi thượng giới để báo cáo rồi trở lại trần gian vào lúc giao thừa.

 

Hàng năm tục cúng tiễn ông Táo về trời vẫn còn giữ trong gia đình hiện đại
Hằng năm tục cúng tiễn ông Táo về trời vẫn còn giữ trong gia đình hiện đại. Ảnh: Minh Anh

Táo quân là thần củi lửa, do tích hợp nhiều dòng văn hóa nên có nhiều sự tích khác nhau. Có tích nói “bộ ba” Táo quân là Táo ông, Táo tướng (thần lửa) và Phán quan; cũng có tích nói “bộ ba” đó là Táo ông, Táo bà và Táo tướng. Tuy nhiên, cụ Trịnh Hoài Đức thì cho rằng đó là “một bà hai ông” - biểu tượng quẻ ly - gồm một vạch âm ở giữa hai vạch dương, tượng trưng cho củi lửa. Bên cạnh, dân gian cũng cho rằng đến ngày 23 tháng Chạp chỉ có Táo ông, Táo bà về trời, còn Táo tướng phải ở lại trần gian lo việc củi lửa cho chúng sinh.

Theo tục xưa, vào những ngày đầu tháng Chạp, người ta lo móc đất sét nhồi với trấu nắn những bộ “ông đầu rau” mới. Đến ngày đưa ông Táo thì bưng những bộ “ông đầu rau” cũ đem bỏ cạnh cái “thủ chủ” (thờ thổ chủ - thổ thần) rồi đem nồi ơ nấu nướng bên hè tạm thời. Mãi đến chiều ngày cuối năm mới khai trương bộ “ông đầu rau” mới và đến lúc giao thừa thì cúng rước Táo quân hồi gia. Đây là phong tục đã bỏ vì chẳng ai muốn hoang phí trong khi mấy ông đầu rau cũ vẫn còn lành lặn.

Quan niệm người miền Bắc, Táo quân về trời bằng cá chép nên có tục thả cá chép. Còn người Nam bộ nói chung và vùng Tiền Giang nói riêng cho rằng, vợ chồng Táo về trời hễ đường bộ thì đi ngựa, đường hàng không thì cỡi hạc nên ngoài số giấy vàng bạc làm lộ phí thì có thêm tranh vẽ ngựa và hạc gọi nôm na là giấy “cò bay ngựa chạy”. Báo Điễn Tín xuân Đinh Sửu năm 1936 có bài thơ mô tả:

Làm một bài thơ tiễn Táo quân                                             

Đì đùng pháo nổ khắp xa gần

Chè xôi công khó ăn no bụng

Cò ngựa đường xa đỡ mỏi chân

Hữu đức tâu bày nơi thượng giới

Vô tư xét hỏi chốn phàm trần

Kề tai hỏi nhỏ cùng Thiên đế

Số kiếp tôi sao lắm nợ nần.

Táo ông và Táo bà là tai mắt lợi hại của Thượng đế. Khi tâu rỗi với Ngọc hoàng chỉ cần một lời nói thiên lệch cũng có thể làm hại gia chủ cả năm. Từ đó dân gian bày ra tục cúng  đồ ngọt gồm chè xôi, kẹo bánh, phổ biến là kẹo thèo lèo, bánh in với hàm ý lời nhắc nhở ngọt ngào (!). Nhưng đâu phải ai cũng có điều kiện để sắm phương tiện hay lễ vật lo lót cho vợ chồng nhà Táo, cũng có gia đình vì nghèo phải làm khó Táo quân cho đỡ tức:

Tiện tặn quanh năm chỉ bấy nhiêu

Không tiền mựa chớ đãi chi nhiều

Trà tàu chuối sứ đâu mà có

Ngựa chạy cò bay đã bỏ tiêu  

Để đó đi chơn xem cảnh vật

Chừng về lội bộ với đồng liêu

Vì ông chẳng chịu tâu Thiên đế

Khổ cực này đây chớ khá kêu !

(Tấn sĩ - Điễn Tín - Xuân Đinh Sửu,1936)

Mươi năm trước mỗi khi gần đến ngày 23 tháng Chạp thì đã thấy ngoài chợ bán một loại đồ mã gồm một lá sớ nhờ Táo quân dâng lên Ngọc đế, hình ảnh hai con ngựa và hai con hạc (cò bay ngựa chạy) cùng một số giấy tiền vàng bạc, kể cả đô la âm phủ.

Gần đây nhiều gia đình sử dụng bếp điện, bếp ga, việc cúng ông Táo trở nên đơn giản và chắc chắn tục lệ này sẽ còn thay đổi nữa.

PHAN LÊ

 

.
.
.