Di tích khảo cổ Gò Thành: Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa cổ xưa
Tại Tiền Giang, có một di tích thuộc nền văn hóa Óc Eo đã được khai quật là di tích Gò Thành, thuộc địa phận ấp Tân Thành, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo. Đến tham quan di tích Gò Thành, những vỉa gạch, những lối đi xưa bị chôn vùi dưới lớp bụi thời gian sẽ gợi cho chúng ta về các quy luật phát triển lịch sử xã hội trên vùng đất Nam bộ, trên đất nước Việt Nam và cả Đông Nam Á...
Theo các tư liệu lịch sử, vào năm 1941, nhà khảo cổ người Pháp L.Malleret đã từng biết đến nơi này. Đến năm 1979, một số cán bộ Bảo tàng Tiền Giang đến đây khảo sát; và 8 năm sau (tháng 7-1987) một cuộc điều tra khảo cổ học được tiến hành, đã xác định: Di tích khảo cổ Gò Thành thuộc nền văn hóa Óc Eo. Óc Eo có nghĩa là “vùng sáng”, “điểm sáng”, là tên gọi từ xa xưa của vùng Ba Thê - núi Sập (nay là xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Sau khi L. Malleret phát hiện ra nơi này, ông đã thu thập một số hiện vật và cho công bố ở Pháp. Nền văn hóa này được lấy tên theo địa danh nơi phát hiện, nên được gọi là “Văn hóa Óc Eo”.
Các hiện vật tại nhà trưng bày ở Khu di tích Gò Thành. Ảnh: mytiengiang.vn |
Trong 2 năm (1988 - 1989), Bảo tàng Tiền Giang kết hợp với Trung tâm Khảo cổ học (thuộc Viện Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh) tiến hành 2 mùa khai quật tại di tích này. Đó là một di tích nằm trên giồng đất sét pha cát cao 3 m so với mực nước biển, trong một gò đất nhân tạo rộng khoảng 1 ha. Nơi đây, trước khi khai quật, chính quyền địa phương cho xây dựng sân bóng đá đơn sơ, không có khán đài.
Sau những trận mưa lớn, thỉnh thoảng người dân địa phương nhặt được những mảnh vàng (khoảng 16k) nhỏ và mỏng, chỉ bằng một phần của móng tay. Trên mặt đất nổi lên những vỉa gạch, rải rác có những mảnh gốm tô màu hoặc không tô màu, một số mảnh tượng vỡ và khá nhiều đá cuội. Ở lòng kinh đào, lớp văn hóa lộ ra bên vách, với nhiều mảnh gốm và một số xương, răng động vật, cho thấy ở Gò Thành có nhiều loại hình di chỉ như: Di chỉ cư trú, di chỉ kiến trúc và di chỉ mộ táng; nhất là di chỉ kiến trúc với nhiều đền tháp ở cạnh nhau có quy mô khác nhau, rất hoành tráng, tuy chỉ còn phần nền.
Sau 2 đợt khai quật và 1 đợt đào thám sát, các nhà khảo cổ nhận thấy rằng, ở phía ruộng thấp về phía tây và tây nam của gò cao là di chỉ cư trú. Ở độ sâu chừng 1,5 m đến 3 m, phát hiện nhiều gốm cổ bị vỡ nhiều vòi bình; nhiều di cốt trâu, bò, heo và xương cá; nhiều dấu vết tro, than, vỏ trái cây, lá dừa nước, cùng với vài cọc gỗ có dấu vết gia công.
Ở trung tâm gò cao phát hiện những nền kiến trúc bằng gạch, tuy không còn nguyên vẹn. Trong đó, có 2 nền hình vuông có dạng “căn phòng”; 1 nền hình chữ nhật có lối vào từ phía nam, bên trong có bức tường (bị sụp đổ) bằng gạch ngăn đôi kiến trúc này. Ở phía nam của kiến trúc hình chữ nhật có một khối đá hoa cương hình chữ nhật có chốt 2 đầu và bệ thờ hình vuông có lỗ ở giữa (các hiện vật này đã được đưa về Bảo tàng Tiền Giang), ở phía bắc của kiến trúc này có dấu vết gạch vỡ xếp thành vòng tròn, đường kính khoảng 1 m, độ sâu khoảng 1,5 m. Ngoài ra, có kiến trúc gạch tựa như một con đường có lề, rộng khoảng 2 m, một bên có rãnh tựa “đường thoát nước” của con đường.
Cũng trên mặt gò cao, các nhà khảo cổ phát hiện 12 ngôi mộ, có huyệt hình giếng vuông nằm rải rác trên mặt gò. Những người Phù Nam có tục hỏa táng. Bên trên mộ được đắp bằng gạch nguyên hoặc gạch vỡ tạo thành một gò nổi rộng hơn 100 m2. Tuy nhiên, có vài mộ không được đắp nổi như vậy. Huyệt hình vuông mỗi cạnh từ 1,8 m đến 3 m, sâu từ 2,5 m đến 3 m. Hầu hết trong các huyệt được lấp bằng những lớp đá cuội xen lẫn với lớp cát xám, bên trên là gạch. Tại đáy huyệt có một hộc tứ giác được xây bằng gạch hoặc bằng gỗ, bên trong hộc có cát, than tro và những hiện vật bằng vàng lá (rất mỏng).
Số hiện vật được tìm thấy trong di tích Gò Thành gồm: Hơn 100 hiện vật bằng vàng (vừa nguyên, vừa bị vỡ từng mảnh nhỏ), trong đó có vòng đeo gắn hình lá cây, hạt chuỗi hình trái xoan và một số hiện vật bằng vàng hình bông mai 6 cánh, hoặc hình tứ giác, trong có khắc hình voi. Có 6 hiện vật bằng đồng, trong đó có 2 nhẫn, 1 ống đồng nhỏ và 2 mảnh đồng hình thang. Trong số 22 hiện vật bằng đá, có một tượng thần Visnu (thần Bảo Vệ) còn nguyên vẹn. Trong số hiện vật bằng đất nung, có nhiều mảnh vòi bình, nhiều gốm thô, mịn có tô màu đỏ hoặc màu nâu, có hoa văn trang trí…
Có thể nói, đây là một di tích khá đặc biệt, phong phú về loại hình di chỉ, đa dạng về hiện vật, biểu thị cho nền văn minh cổ, hình thành vào loại sớm nhất ở Đông Nam Á. Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận Di tích khảo cổ Gò Thành là Di tích Quốc gia vào năm 1994.
LINH CHI
(tổng hợp)