.
PHAN THẾ DÕNG:

Đạo diễn điện ảnh tài ba

Cập nhật: 10:18, 17/06/2021 (GMT+7)

Phan Thế Dõng là nhà quay phim đầu tiên từ miền Bắc vượt Trường Sơn trở về miền Nam lúc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam mới ra đời (tháng 12-1960); là một trong những người sáng lập Xưởng phim Giải Phóng; người thầy đào tạo lực lượng điện ảnh miền Tây Nam bộ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; nghệ sĩ điện ảnh có mặt ở chiến trường đất thép Củ Chi, ở miền hạ Long An, vùng ven Sài Gòn, trên vùng Tam Giác Sắt (bao gồm phần đất của 3 huyện Củ Chi, nay thuộc TP. Hồ Chí Minh - Bến Cát, nay thuộc tỉnh Bình Dương - Trảng Bàng, nay thuộc tỉnh Tây Ninh) đầy máu lửa; đồng thời, là một trong những đạo diễn có mặt tại TP. Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 với những thước phim rực lửa.

Phan Thế Dõng có các nghệ danh Nguyệt Hải, Trần Nhu, sinh năm 1927 tại làng Thạnh Trị, tổng Hòa Đồng Hạ, tỉnh Gò Công (nay là xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang). Năm 1947, ông gia nhập bộ đội, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Lúc bấy giờ, ông công tác tại bộ phận tuyên truyền thuộc Trung đoàn 115 tỉnh Sa Đéc.

Năm 1949, với nghệ danh Nguyệt Hải, ông được điều động về Tổ Nhiếp - Điện ảnh thuộc Khu 8, là một trong những người có công khai sinh ra nền điện ảnh kháng chiến Nam bộ. Ông là nhà quay phim chiến trường trên đất Nam bộ cùng thời với Mai Lộc, Khương Mễ, Vũ Sơn suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, được phân công về Phòng Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1956, ông chuyển ngành, công tác tại Xưởng phim tài liệu Trung ương. Trong khoảng thời gian này, ông được tham gia lớp đào tạo quay phim đầu tiên của nền điện ảnh nước nhà cùng với những tên tuổi khác: Hải Ninh, Bùi Đình Hạc, Vương Hồng Sến...

Tháng 4-1961, ông xung phong trở lại chiến trường miền Nam, tham gia chiến đấu trên mặt trận điện ảnh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Năm 1962, Xưởng phim Giải Phóng được thành lập, ông là một trong những trụ cột của xưởng phim này. Với bản chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, ông không ngại gian khổ, hy sinh, xông xáo thâm nhập chiến trường và quay được những bộ phim có giá trị to lớn về nội dung và nghệ thuật nhằm ca ngợi và động viên tinh thần chiến đấu anh dũng, bất khuất của quân và dân miền Nam trên tuyến đầu chống Mỹ.

Những bộ phim do ông quay đều đoạt được những giải thưởng có uy tín ở trong nước và quốc tế, như Chiến thắng Gò Quao (Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ Giải phóng năm 1965); Du kích Củ Chi (Huy chương Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Matxcơva - Liên Xô năm 1967, Giải Bồ câu Bạc tại Liên hoan phim quốc tế Laixích - Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1967, giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1970) hiện nay, hằng ngày bộ phim này vẫn được chiếu cho du khách xem tại Khu di tích Địa đạo Củ Chi - TP. Hồ Chí Minh);  Đội nữ pháo binh Long An (Giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1970); Hạt lúa vành đai (Giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1970).

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975), ông tiếp tục lao động nghệ thuật tại Hãng phim Giải Phóng, TP. Hồ Chí Minh, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Năm 2005, ông từ trần sau một cơn tai biến huyết áp.

THÁI AN SƠN

.
.
.