Cù lao Tân Phong - vùng đất của những đặc sản
Xã Tân Phong (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), một cù lao nằm về phía hữu ngạn của chợ nổi Cái Bè, được bao quanh bốn bề là sông nước. Không ai biết rõ cù lao này hình thành từ bao giờ, nhưng đây lại là vùng đất từng một thời “nức tiếng” về đặc sản ốc gạo và được mệnh danh là vùng “đất vàng” của cây ăn trái.
ỐC GẠO - MÓN QUÀ TRỜI CHO
Sách Gia Định thành thông chí có đoạn viết: “Ốc gạo vỏ trắng xoáy tròn, lớn bằng ngón tay, khi nấu chín thì dưới yếm của nó lồi ra hạt mỡ trắng như hạt gạo, vị thơm ngon…”. Còn ở Tân Phong lại có một truyền thuyết đậm chất nhân văn được kể lại: “Hồi xửa hồi xưa, người dân ở Cồn Tre, xã Tân Phong đói nghèo quanh năm. Ông trời thương tình mới ban thưởng cho một loài ốc ngon để giúp họ khai thác đem bán lấy tiền đổi gạo. Từ đó con ốc này mới có tên là ốc gạo…”.
Ốc gạo, đặc sản của vùng đất Tân Phong. |
Theo lời kể của những người sống lâu năm ở cù lao Tân Phong, khoảng 40 năm trước, ốc gạo vùng Tân Phong có dày đặc như lúa mới sạ trên ruộng. Người dân chỉ cần lặn xuống sông dùng tay đùa gom ốc lại rồi hốt đem lên. Thời điểm này, ở Tân Phong khai thác ốc gạo thông qua đấu giá với những người nhà giàu mua từng khoảng sông để khai thác và được gọi là chủ rọ. Cứ vào dịp trước và sau Mùng 5 tháng 5 (âm lịch) trở đi, chủ rọ bắt đầu mướn dân khai thác ốc gạo để bán.
Và cũng từ đó đến nay, ốc gạo là đặc sản nổi tiếng của vùng đất Tân Phong, huyện Cai Lậy. Ốc gạo to, có vỏ xanh, ruột dày. Ốc gạo thường sinh sản vào khoảng tháng 7 âm lịch năm trước và đến tháng 5 âm lịch năm sau là đến mùa thu hoạch. Vào mùa ốc rộ, xuồng ghe đến lưu vực Tân Phong thu hoạch ốc. Loài ốc gạo ngon và lành hơn những loài ốc khác ở chỗ không có nhớt, ăn đến no mà không có cảm giác nặng bụng. Ốc mới luộc còn nóng, con nào cũng vàng ươm, béo ngậy, ngọt thịt, giòn giòn chấm với nước mắm xả, ăn hoài không thấy ngán.
Ngoài ra, ốc gạo Tân Phong còn được chế biến thành nhiều món như ốc gạo cuốn bánh tráng chấm với nước mắm me hay nước mắm chua ngọt đều rất ngon. Mỗi thực khách khi dùng xong món này đều phải công nhận đây là món ăn đặc sản của vùng đất này… Ốc gạo cũng có thể nấu cháo, cho ốc đã lể vào, thêm thật nhiều hành, tiêu cùng mấy lát gừng sợi cho ấm bụng. Đây cũng là một món ngon và là đặc sản của người dân nơi đây.
Ngày nay, ốc gạo Tân Phong ngày càng ít đi và có nguy cơ “biến mất”. Mặc dù ốc gạo Tân Phong cũng có mấy lần hồi sinh nhưng rồi lại “chết non”, vì bị khai thác theo kiểu tận diệt và sự xuất hiện ngày càng nhiều của nạn khai thác cát xung quanh cù lao Tân Phong.
ĐẶC SẢN CHÔM CHÔM, SẦU RIÊNG
Nhờ vị trí địa lý mà cù lao Tân Phong được thiên nhiên ban tặng cho những thứ không phải nơi đâu cũng có được, đó chính là phù sa bồi đắp hằng năm làm cho đất đai màu mỡ, phì nhiêu, thích hợp để trồng các loại cây ăn trái đặc sản. Thực hiện mục tiêu phát huy tiềm năng đất đai, lao động miền sông nước xây dựng quê hương giàu đẹp, chính quyền xã Tân Phong khuyến khích nông dân cải tạo vườn tạp để trồng chuyên canh các loại cây ăn trái đặc sản có lợi thế cạnh tranh như: Chôm chôm, nhãn, sầu riêng, cây có múi...
Cù lao Tân Phong được nhiều người biết đến là “Vương quốc chôm chôm”. |
Điển hình là việc khôi phục và phát triển thương hiệu “chôm chôm Tân Phong”, một trong những thương hiệu trái cây được ưa chuộng của miệt cù lao sông nước từ nhiều năm nay, bởi hương vị thơm ngon rất đặc trưng, còn chất lượng thì hơn hẳn chôm chôm trồng ở các nơi khác. Ngoài giống chôm chôm Java được trồng phổ biến lâu nay, Tân Phong còn du nhập thêm nhiều giống chôm chôm mới đang được thị trường ưa chuộng nhờ các ưu điểm vượt trội như: Chôm chôm nhãn, chôm chôm Thái...
Gần đây, trồng chôm chôm theo tiêu chí VietGAP - một bước đi khoa học tất yếu, đang được khuyến khích phát triển ở cù lao Tân Phong. Xã Tân Phong cũng đã thành lập Tổ hợp tác chôm chôm Tân Phong và được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chí “chôm chôm VietGAP”. Sầu riêng cũng thế, toàn bộ diện tích sầu riêng Tân Phong đều trồng các giống: Ri6, Mongthong chất lượng cao.
Ngày nay, một số nhà vườn ở Tân Phong đã mạnh dạn đầu tư vốn, nâng cấp cơ sở hạ tầng, chuyển diện tích trồng cây ăn trái thành các điểm du lịch để thu hút khách. Đến nay, Tân Phong có nhiều điểm kinh doanh du lịch hoạt động khá nhộn nhịp theo kiểu “liên kết vườn” với những vườn trái cây liền kề, mùa nào thức nấy phục vụ khách tham quan.
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, diện mạo kinh tế - nông nghiệp - nông thôn - nông dân trên địa bàn cù lao Tân Phong đã có nhiều thay đổi. Nhưng với thế và lực sẵn có, cù lao Tân Phong đã không dừng lại với những gì đã đạt được mà vẫn tiếp tục vươn mình phát triển, với nhiều tiềm năng du lịch đang mở ra và thực hiện tiến trình xây dựng nông thôn mới.
HỒNG NGHỊ