.

Ngành Văn hóa Tiền Giang đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới

Cập nhật: 09:57, 02/07/2021 (GMT+7)

Tuyên truyền được xem là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về bình đẳng giới (BĐG). Những năm qua, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Trung tâm) đã đẩy mạnh tuyên truyền về BĐG thông qua việc xây dựng nhiều chương trình văn nghệ, hội thi, hội diễn, tiểu phẩm sân khấu… Qua đó, nâng cao nhận thức người dân trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Với vai trò, chức năng của mình, Trung tâm đã cụ thể hóa các nhiệm vụ chuyên môn gắn với mục tiêu bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới. Cụ thể, Trung tâm đã tổ chức tuyên truyền, cổ động thông qua các phương tiện trực quan như pano, khẩu hiệu, áp phích… Các hoạt động được thực hiện thường xuyên và vào các đợt cao điểm tuyên truyền, qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về BĐG và dần tiến tới xóa bỏ bạo lực gia đình.

Cùng với đó là hoạt động tuyên truyền lưu động, tuyên truyền bằng các loại hình nghệ thuật như trích đoạn cải lương, tiểu phẩm… đã mang đến cho khán giả tỉnh nhà những câu chuyện, những tình huống sân khấu hóa có nội dung phù hợp về BĐG. Nhiều tiểu phẩm nội dung phong phú, phản ánh các khía cạnh khác nhau của đời sống gia đình với những mâu thuẫn, xung đột liên quan đến vấn đề BĐG, bạo hành gia đình, tệ nạn xã hội, đạo đức, lối sống, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình… Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân cùng nhau quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, bình đẳng, tiến bộ và không ngừng phát triển.

Trung tâm đã xây dựng nhiều tiết mục sân khấu hóa tuyên truyền về công tác gia đình góp phần nâng cao nhận thức để mỗi người xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Trung tâm đã xây dựng nhiều tiết mục sân khấu hóa tuyên truyền về công tác gia đình góp phần nâng cao nhận thức để mỗi người xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Ngoài ra, Trung tâm còn tuyên truyền về BĐG thông qua hoạt động chiếu phim. Đơn vị lựa chọn những tác phẩm điện ảnh có nội dung phù hợp để giới thiệu đến khán giả tỉnh nhà. Đây là hình thức tuyên truyền dễ đi vào lòng người, qua đó nâng cao nhận thức của người dân về tình cảm gia đình, ý thức giữ gìn hạnh phúc gia đình; đồng thời, khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Nhạc sĩ Đức Phú, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Thời gian qua, Trung tâm đã xây dựng và tổ chức nhiều chương trình văn hóa - nghệ thuật, trong đó chú trọng đến chủ đề hạnh phúc gia đình, xây dựng xã hội công bằng bình đẳng, tiến bộ và không bạo lực. Hạnh phúc gia đình luôn là nội dung chủ đạo trong chương trình văn nghệ phục vụ Ngày Quốc tế Hạnh phúc, Ngày Gia đình Việt Nam, hội thi, hội diễn với chủ đề gia đình… Các tiết mục biểu diễn luôn được khán giả đón nhận, bởi nội dung mang tính nhân văn sâu sắc, được đầu tư dàn dựng công phu, có chất lượng nghệ thuật phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của công chúng”.

Còn theo đồng chí Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, những năm qua, công tác gia đình luôn được lãnh đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, trong đó công tác tuyên truyền luôn được chú trọng. Với chức năng nhiệm vụ của mình, ngành Văn hóa nói chung và Trung tâm nói riêng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trong tỉnh về BĐG và xóa bỏ bạo lực. Các hoạt động không ngừng đổi mới về nội dung, có sự phát triển hơn về hình thức thể hiện và luôn nâng tầm về chất lượng nghệ thuật.

“Trước đây khi chưa bùng phát dịch Covid -19, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thi, hội diễn thường xuyên được tổ chức với nhiều chủ đề như: Xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình hạnh phúc… Trung tâm cũng như nhiều đơn vị của ngành Văn hóa, địa phương xây dựng các chương trình, tiểu phẩm có tính thời sự cao đã truyền tải những thông điệp sâu sắc về giữ gìn đạo lý, nhân cách con người và những giá trị truyền thống gia đình có sức lan tỏa trong cộng đồng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của mỗi người dân trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, xã hội phát triển văn minh”, đồng chí Lê Văn Dũng cho biết thêm. 

Thực tế cho thấy, một xã hội văn minh, tiến bộ không thể có hành vi bất BĐG và bạo lực về giới. Để hướng tới mục tiêu đó, đòi hỏi mọi người không ngừng nỗ lực bằng nhận thức và hành động cụ thể. Thiết nghĩ, để xây dựng một xã hội bình đẳng, công bằng và phát triển không chỉ là nỗ lực đơn lẻ của một cá nhân hay tổ chức nào mà đó là sự cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là thay đổi nhận thức của mỗi người và cùng hành động vì mục tiêu BĐG.

HOÀI THU

.
.
.