.

Xây dựng môi trường văn hóa

Cập nhật: 19:53, 19/06/2021 (GMT+7)

Nghị quyết 33 ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đặt nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa mà trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa là nhiệm vụ quan trọng đối với các ngành, các cấp.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa, những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Tiền Giang đã tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh như: Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; các chương trình, đề án về văn hóa, gia đình… được các cấp, ngành tích cực tuyên truyền để mỗi người dân tham gia thực hiện.

Tuyên dương khen thưởng gia đình văn hóa tiêu biểu 5 năm liền (ảnh chụp khi dịch Covid-19 chưa bùng phát).                                                                                         Ảnh: QUẾ ANH
Tuyên dương khen thưởng gia đình văn hóa tiêu biểu 5 năm liền của tỉnh Tiền Giang (ảnh chụp khi dịch Covid-19 chưa bùng phát). Ảnh: QUẾ ANH

Qua đó, chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, các danh hiệu văn hóa ngày càng được nâng cao. Năm 2020, toàn tỉnh Tiền Giang có 93% hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa; 99% ấp, khu phố văn hóa; 88,83% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 91% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn văn hóa; xây dựng và duy trì hoạt động 684 Câu lạc bộ (CLB) “Gia đình hạnh phúc bền vững”, 392 đội phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) với 19.968  thành viên ngành văn hóa tham gia; 462 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; hơn 800 CLB do các ngành, đoàn thể xây dựng và duy trì sinh hoạt.

Thông qua các mô hình trên đã kịp thời phát hiện, xử lý, can thiệp, hòa giải các vấn đề xung đột, mâu thuẫn trong gia đình. Đến nay, toàn tỉnh có 100% đơn vị cấp xã có mô hình, nội dung PCBLGĐ theo hướng dẫn của Bộ VHTT&DL.

Để người dân được tiếp nhận, hưởng thụ văn hóa một cách lành mạnh, các địa phương của tỉnh Tiền Giang đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa như: Trung tâm văn hóa thể thao xã, nhà văn hóa ấp, khu phố, sân thể thao, trang thiết bị phục vụ hoạt động sinh hoạt cộng đồng… tạo sân chơi lành mạnh, ngăn các tệ nạn xã hội thâm nhập vào gia đình; đồng thời, tạo sự đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình. Hằng năm, tỉnh Tiền Giang có trên 1.200 hộ gia đình văn hóa tiêu biểu được các ngành, các cấp tuyên dương khen thưởng tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa tiến bộ, hạnh phúc bền vững, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nội dung như: Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa gắn với hệ giá trị, chuẩn mực cụ thể, tạo tiền đề cơ sở, định hướng sự hình thành, phát triển hoàn thiện nhân cách con người. Xây dựng đời sống văn hóa gắn với các hoạt động văn hóa của cá nhân và cộng đồng thông qua việc xây dựng lối sống, nếp sống văn minh.

Xây dựng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, tạo điều kiện để người dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa gắn kết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín dị đoan. Xây dựng và thực hành các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa, con người trong phát triển kinh tế…

NHƯ THẢO

.
.
.