.

Những khúc ca thương nhớ

Cập nhật: 09:12, 08/08/2021 (GMT+7)

Có lẽ, chưa có thời điểm nào khó quên như bây giờ, hàng triệu người khi nghe những khúc ca về Sài Gòn - TPHCM lại rưng rưng. Những bài hát có thể mộc mạc, không trau chuốt, nhưng gọi tên được cảm xúc của những người con thành phố.

a
Tuấn Hưng và Khắc Việt hát Sài Gòn ơi! Xin lỗi, cảm ơn

Tri ân nơi mình sống

Giữa lúc TPHCM đang đối mặt dịch bệnh, từ nhạc sĩ chuyên nghiệp đến người sáng tác không chuyên đã cho ra đời rất nhiều khúc ca đầy yêu thương dành riêng mảnh đất phương Nam này. Tôi yêu hết từng con đường những hàng cây nối dài nhau/Tôi yêu những cơn mưa đến rồi chợt qua mau/Một thành phố thấy thân quen cũng rất lạ/Ly cà phê sáng thức dậy, gánh bán hàng rong suốt ngày thân thuộc thế…

Đây là những câu hát trong ca khúc Sài Gòn ơi! Xin lỗi, cảm ơn do ca sĩ - nhạc sĩ Khắc Việt sáng tác mới đây để cổ vũ tinh thần lạc quan vượt qua dịch bệnh. Khắc Việt đã cùng Tuấn Hưng song ca bài hát này, cùng tri ân nơi đã giúp nghệ sĩ đến gần công chúng trong sự nghiệp ca hát của mình.

Với nỗi nhớ thành phố những ngày bình yên, nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng đã viết ca khúc Thương nhớ Sài Gòn, nói thay nỗi lòng bao người sống nơi này. Lấy cảm hứng từ dòng trạng thái trên Facebook của MC Bá Niên: “Hứa với bản thân sau này ra đường có kẹt xe mấy cũng sẽ không bực bội”, Bá Hùng ngồi vào đàn piano và viết ngay ca khúc chỉ trong 30 phút.

Những cảm xúc nhớ thành phố khi đang ở trong thành phố, thương nhớ những ngày yên bình, dung dị đời thường hiện lên trong từng lời, được nhiều khán giả đón nhận: Tôi nhớ chiều thành phố, ồn ào tiếng xe cộ/Tôi nhớ chiều ngoại ô, rộn ràng diều căng gió… Cũng gần như thế, khi bài thơ Sài Gòn thở đi em của tác giả Trương Bảo Châu được viết từ nỗi thương thành phố đến cháy lòng, cả 3 nhạc sĩ Kỳ Anh, Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Quốc Đông đã cảm tác ý thơ và phổ nhạc. Những dòng ca Cây táo vui vì biết nở hoa/Sài Gòn vui em biết thở hơi thở hiền hòa/Sau trăm năm tất bật thở cho núi sông người đi kẻ ở... làm xúc động lòng người.

Trong rất nhiều ca khúc về TPHCM thời gian này, có lẽ Sài Gòn tôi sẽ của thầy giáo trẻ Nguyễn Thái Dương (30 tuổi) khiến người ta xúc động mạnh. Những câu hát: Sài Gòn tôi sẽ náo nức như thường/Sẽ thơm phở ngon, sẽ huyên phố phường/Sài Gòn tôi sẽ thắm tươi hoa cờ/Sẽ vang tiếng ca muôn lời thơ… vỗ về, an ủi người nghe.

Nguồn cảm hứng

Không thể liệt kê hết các sáng tác nói về thành phố lúc này. Từ ca khúc Cố lên Sài Gòn do Nguyễn Hoài Anh sáng tác, được Ưng Hoàng Phúc và Dương Ngọc Thái, Quân A.P, Đạt G, Lena, SOBE, Bùi Dương Thái Hà thể hiện; ca sĩ Vũ Thắng Lợi ra mắt MV Thương nhớ Sài Gòn có ca khúc được nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn sáng tác dựa theo lời thơ của tác giả Trương Hòa Bình; nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác Mong sao hết dịch; nhạc sĩ Ngô Minh Tài với Sài Gòn là vậy thôi; nhạc sĩ Quốc An sáng tác ca khúc bolero Cách ly nói về tình người thành phố… Và có những bài hát từ miền Trung gửi tới như Sài Gòn ơi! Có mệt lắm không? do nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh phổ nhạc từ thơ cô giáo Ngọc Uyển, ca sĩ Quang Hào thể hiện; ca khúc Gửi vô Nam do nhà báo Hồ Tấn Vũ sáng tác, ca sĩ Ánh Tuyết thể hiện…

Vừa thực hiện MV Hồi sinh và là một trong những nghệ sĩ cùng nhạc sĩ Ngô Minh Tài thực hiện ca khúc Sài Gòn là vậy thôi ra mắt cách đây 1 tuần, nam ca sĩ Kyo York cho biết, chuẩn bị ra mắt MV ca khúc Sài Gòn thương do nhạc sĩ Lê Tự Minh sáng tác trong vài ngày tới. “Sống ở TPHCM hơn 9 năm, điều Kyo yêu mến nhất là sự gần gũi của con người nơi đây.

Mặc dù là thành phố lớn, nhưng người ta sống dễ thương, gần gũi, bao dung, luôn mở lòng chào đón những người từ những vùng quê khắp mọi nơi trên đất nước, kể cả những người nước ngoài như Kyo. Tôi nghe khá nhiều bài hát về thành phố thời gian này, rất xúc động. Các bài hát có cả hoài niệm, nhớ thương và có cả một tinh thần luôn đi về phía trước, không gục ngã…”, Kyo York bày tỏ.

Nhạc sĩ Quốc An chia sẻ, anh chưa bao giờ cảm nhận có một mạch nguồn sáng tác lớn, tuôn chảy mãnh liệt khi viết ca khúc về TPHCM đến như thế. “Thật sự đối với những nghệ sĩ, đặc biệt các nhạc sĩ, khi TPHCM gặp khó khăn, trong lòng mỗi người đều cảm thấy yêu thương và lo lắng. Bởi vậy, họ viết nên ca khúc cũng là tiếng lòng, bày tỏ tấm lòng với thành phố, chia sẻ với nỗi lo lắng của khán giả. Và là tấm lòng nên bài hát nào cũng tràn đầy cảm xúc”, nhạc sĩ Quốc An chia sẻ.

Nghe các ca khúc về TPHCM những ngày này, khán giả Trần Thị Thanh Thảo (TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ: “Lời các bài hát hay quá, từng câu, từng chữ đi vào lòng người. Nghe mà mắt cay cay, thương Sài Gòn của mình lắm luôn. Nếu không mang một tình yêu mãnh liệt, hẳn các tác giả sẽ chẳng thể nào viết nên những lời ca sâu nặng đến như vậy”. Anh Nguyễn Minh Trung (quận 3, TPHCM) nói: “Chiều nay khi được xem một clip cảnh phố vắng lặng có lồng bài hát vào - nước mắt tôi chảy dài. Các bài hát sẽ giúp thế hệ sau nhớ đã có một khoảng thời gian dù cho dịch bệnh bủa vây, nhưng tình yêu với TPHCM luôn tràn đầy”.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.