"Cánh chim đầu đàn" của dòng âm nhạc giao hưởng Việt Nam
Giáo sư - Tiến sĩ - Nghệ sĩ Nhân dân (GS-TS-NSND) Quang Hải tên thật Huỳnh Tấn Sĩ, sinh năm 1935, tại xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Ông là một trong những “cánh chim đầu đàn” của dòng âm nhạc giao hưởng Việt Nam, là một trong số những nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên được đào tạo chính quy ở bậc đại học và nghiên cứu sinh thuộc 2 chuyên ngành: Chỉ huy giao hưởng và nhạc kịch và lý luận phê bình âm nhạc tại Nhạc viện Léningrade (Saint Peterburg CHLB Nga); là một nhà sư phạm âm nhạc, nhà chỉ huy biểu diễn và là nhà soạn nhạc giao hưởng, đặc biệt là việc kết hợp dàn nhạc giao hưởng với nhạc cụ dân tộc.
Ông đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao vị thế và khả năng thể hiện của nhạc cụ dân tộc lên một tầm cao mới khi cho chúng “đối thoại” với dàn nhạc giao hưởng; và cũng là người viết nhiều concerto (bản hòa tấu) nhất Việt Nam.
GS-TS-NSND Quang Hải cùng con gái - nữ nhạc trưởng Hoàng Điệp. |
10 TUỔI ĐÃ THAM GIA VĂN NGHỆ
Quang Hải là con thứ tư trong gia đình và những người anh của ông đều tham gia hoạt động cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 1945, Quang Hải đã tham gia các đoàn văn nghệ của một số tỉnh ở Nam bộ, mới 10 tuổi đã có mặt trong các chương trình văn nghệ chào mừng thành công của cách mạng. Năm 1948, Tổ Quân nhạc khu 8 thành lập tại Đồng Tháp Mười, Quang Hải đã trở thành tổ viên, dưới sự dìu dắt của Tổ trưởng là Nhạc sĩ Huê Nhu (tác giả “Vệ quốc đoàn tiến lên” và Tổ phó là Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí (tác giả “Tiểu đoàn 307”). Cách mạng đã giác ngộ ông từ đó.
Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Năm 1956, ông được cử đi học tại Liên Xô. Đến năm 1963, ông tốt nghiệp khoa Chỉ huy giao hưởng và Nhạc kịch tại Nhạc viện Léningrad. Năm 1968, ông tốt nghiệp Nghiên cứu sinh chỉ huy dàn nhạc và nhận Bằng Tiến sĩ Lý luận âm nhạc tại Nhạc viện Léningrad. Ông giữ chức Giám đốc Nhà hát Giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam tại Hà Nội từ năm 1970 đến 1975 và làm Giám đốc Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh từ năm 1975 đến 1997. Năm 1981, ông được phong hàm Phó Giáo sư, năm 1991 được phong hàm Giáo sư, năm 1993 được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Từ năm 1982 đến 1999, GS-TS-NSND Quang Hải làm việc ở nhiều vị trí: Ủy viên Hội đồng Âm nhạc quốc gia (thành viên của Hội đồng Âm nhạc quốc tế), Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa III (1983 - 1989), Ủy viên Hội đồng Học hàm ngành Văn hóa - Nghệ thuật (1981 - 1999). Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục làm việc trong vai trò Ủy viên Hội đồng Khoa học Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời hoạt động và gắn bó với nghệ thuật, ông còn là người Việt Nam duy nhất chỉ huy Dàn nhạc Nghệ sĩ công huân tập thể của Nga (là một trong những dàn nhạc nổi tiếng nhất thế giới).
Có thể nói, các tác phẩm viết cho các nhạc khí dân tộc Việt Nam độc tấu với dàn nhạc giao hưởng của GS-TS-NSND Quang Hải là sự thể nghiệm thành công nhất của ông trong việc đưa “những cuộc đối thoại độc đáo và ăn ý” giữa khí nhạc Việt Nam và khí nhạc phương Tây, tạo nên một phong cách và ngôn ngữ âm nhạc mới trong các tác phẩm khí nhạc Việt Nam hiện đại.
Không chỉ sáng tác cho khí nhạc, ông còn viết nhạc cho hơn 30 vở kịch nói, cải lương, kịch truyền hình, phim và múa. Trong “gia tài tri thức” của ông còn có gần 60 công trình khoa học, tiểu luận, tham luận và hàng trăm bài báo đăng trong và ngoài nước. Ngoài ra, ông cũng là người khởi xướng và tổ chức đào tạo tiến sĩ âm nhạc đầu tiên tại Việt Nam, trực tiếp đào tạo trên 50 nghiên cứu sinh, cao học và đại học.
ĐẠT KỶ LỤC VỀ TÁC PHẨM CHO NHẠC CỤ DÂN TỘC VÀ DÀN NHẠC GIAO HƯỞNG
Với 23 năm làm Giám đốc Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh (1975 - 1998), GS-TS-NSND Quang Hải đã góp công sức cho việc đào tạo nhiều thế hệ nhạc sĩ và nghệ sĩ tên tuổi. Ngoài ra, ông còn được công chúng biết đến không chỉ là một nhà sư phạm, một nhạc trưởng, mà còn là một nhạc sĩ sáng tác khí nhạc.
GS-TS-NSND Quang Hải được xem là người đã sáng tác nhiều concerto nhất Việt Nam (7 tác phẩm). Riêng về tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc, sách Vietbook 2007 đã ghi nhận ông là “Người có tác phẩm độc tấu nhạc khí dân tộc hòa với dàn nhạc giao hưởng nhiều nhất Việt Nam”.
Những sáng tác nổi bật của ông có thể kể đến: 3 tổ khúc giao hưởng, các concerto cho đàn tranh, piano, đàn nguyệt, sáo trúc biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng, biến tấu trên chủ đề Hoa thơm bướm lượn (dân ca quan họ Bắc Ninh), biến tấu trên chủ đề Thăng Long hành khúc, hòa tấu cho dàn nhạc dân tộc ngày hội, giao hưởng - đại hợp xướng Chuỗi ngọc Biển Đông, giao hưởng - thanh xướng kịch Ký ức Hồ Chí Minh, concerto cho đàn T’rưng và dàn nhạc giao hưởng Dốc sương mù…
Cuộc đời GS-TS-NSND Quang Hải có nhiều cái “đầu tiên” đáng nói: Là 1 trong 3 nhà chỉ huy đầu tiên của Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài (cùng với NSND Trọng Bằng và NSND Trần Quý); người đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được mời chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng Công huân nước Nga; người khởi xướng và tổ chức đào tạo tiến sĩ âm nhạc đầu tiên ở Việt Nam. Đặc biệt, nếu GS Nguyễn Văn Nam - người cùng quê Tiền Giang - được xem là người viết nhiều bản giao hưởng nhất, thì GS-TS-NSND Quang Hải là người viết nhiều concerto nhất. Ngoài ra, ông là người Việt Nam thứ hai lấy Bằng Tiến sĩ Nghệ thuật ở nước ngoài (người đầu tiên là GS Trần Văn Khê). |
Được hỏi tại sao là dân chỉ huy giao hưởng được học ở trường “Tây” mà lại viết nhiều tác phẩm cho nhạc cụ dân tộc, ông cho biết: “Tôi là người sinh ra ở Tiền Giang - một trong những cái nôi của nhạc tài tử. Cha là hương nhạc trong làng, chú ruột và anh cả là những tay đàn tài tử khá lão luyện..., nên từ nhỏ đã thấm nhuần các âm điệu nhạc dân tộc. Tôi biết chơi nhiều loại nhạc cụ dân tộc trước khi biết đàn violin, piano; và với vốn học của mình, tôi muốn góp phần nâng cao khả năng thể hiện của nhạc cụ dân tộc và vào việc phát triển âm nhạc giao hưởng đương đại…”.
Với sự đóng góp, cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và sự nghiệp phát triển văn hóa - nghệ thuật nước nhà, GS-TS-NSND Quang Hải đã vinh dự đón nhận nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba; Huân chương Hữu nghị Hoàng gia Campuchia; Huân chương Lao động hạng Nhất; các Huy chương Vàng, Huy chương Bạc tại Hội diễn toàn quốc và khu vực phía Nam; các giải Nhất, Nhì, Ba về Sáng tác khí nhạc và hợp xướng toàn quốc và khu vực; Giải thưởng Nhà nước năm 2001...
GIA ĐÌNH ÂM NHẠC NỔI TIẾNG
Vợ của GS-TS-NSND Quang Hải là bà Trần Hoàng Khanh. Người phụ nữ này không chỉ là người bạn đời, còn là người bạn kháng chiến của Quang Hải. Họ còn là đôi bạn với những tháng năm bên nhau trong vùng kháng chiến của Đồng Tháp Mười. Sau đó, đến độ tuổi 12 - 13, Quang Hải và Hoàng Khanh trở thành tình đồng chí và luôn cận kề ở khắp các chiến trường. Đến năm 1954, trên chuyến tàu đưa các cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc cũng có mặt đôi bạn ấy.
Từ tình bạn, tình đồng chí, một tình cảm tuyệt đẹp của cái tuổi mới lớn, tình đồng đội và tình đồng hương... Bao nhiêu chữ “tình” ấy của họ đã chuyển thành tình yêu. Từ đó, miền Bắc trở thành quê hương thứ hai của Quang Hải và Hoàng Khanh; và họ đã tổ chức đám cưới ở Hà Nội, có với nhau 3 người con gái.
Trong gia đình âm nhạc của GS-TS-NSND Quang Hải, Hoàng Điệp được xem là người con nối nghiệp cha thành công nhất. Là nữ nhạc trưởng thế hệ thứ ba ở Việt Nam, Ths. Huỳnh Thị Hoàng Điệp không chỉ được đánh giá cao về chuyên môn chỉ huy, mà chị còn nổi bật trong vai trò giảng viên sáng tác - chỉ huy - âm nhạc học và tổ chức quảng bá âm nhạc hàn lâm thông qua hình thức xã hội hóa. Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Điệp đã có 3 chương trình biểu diễn độc lập, được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và đã đào tạo được nhiều học trò đang phát huy tốt trong lĩnh vực âm nhạc.
HÀ ANH (tổng hợp)