.

Chợ Gạo - vùng đất trù phú của quá khứ và hiện tại

Cập nhật: 10:22, 10/11/2021 (GMT+7)

Chợ Gạo xưa là tên một ngôi chợ, đến thời Pháp thuộc trở thành tên hành chính của một quận: Quận Chợ Gạo. Ngôi chợ xưa đóng ở làng Bình Phang (tên chữ nói trại từ Bình Phương). Làng Bình Phương do ông Trần Văn Nguyệt thành lập vào thời Cảnh Hưng. Theo “Phủ biên tạp lục” của Lê Quí Đôn, vào cuối thế kỷ XVIII, Chợ Gạo là một trung tâm mua bán gạo. Có lẽ, tên Chợ Gạo đã có trong giai đoạn này.

Đào kinh Chợ Gạo. 		ẢNH: SƯU TẦM
Đào kinh Chợ Gạo. ẢNH: SƯU TẦM

CHỢ GẠO XƯA TRÙ PHÚ

Vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, vùng đất này là trung tâm lúa gạo của đồng bằng Nam bộ. Lê Quí Đôn ghi lại trong sách “Phủ biên tạp lục”: “Thường đi vào tháng 9, tháng 10, về vào tháng 4, tháng 5 năm sau. Lĩnh giấy phép ra biển, đến xứ Vũng Tàu ở đầu cõi Gia Định, là chỗ hải đảo có dân cư, hạ buồm đậu vào. Hỏi thăm nơi nào được mùa, nơi nào mất mùa, biết nơi nào được mùa thì đến ở. Trên thì có cửa biển Cần Giờ, ở giữa thì có cửa biển Soài Rạp, dưới thì vào cửa Đại, cửa Tiểu. Đến chỗ nào thì cũng là thuyền buồm tụ họp... Tôm cá to béo, ăn không hết, dân địa phương thường phơi khô bán…”.

Ngoài ra, còn có chợ Ông Văn, do ông Dương Văn Văn lập tại thôn Bình Đăng (nay thuộc xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo).

Trong “Tự vị tiếng nói miền Nam”, tác giả Vương Hồng Sển có ghi: “Năm 1897, Chợ Gạo là một trong tổng số 26 ngôi chợ của Mỹ Tho…”. Năm 1912, Pháp thành lập quận Chợ Gạo. Đến năm 1939, Chợ Gạo trở thành 1 trong 5 quận trọng yếu của tỉnh Mỹ Tho.

Vào đầu thế kỷ XVII, lưu dân người Việt từ Trung bộ đã đến Mỹ Tho và các vùng lân cận khai khẩn đất để trồng lúa, đánh bắt cá tôm để sinh sống. Tuy vất vả nhưng đoàn người khai hoang đi đến đâu cũng gặp mưa thuận gió hòa, cá tôm hào sảng, phù sa màu mỡ nên kinh tế nông nghiệp phát triển rất nhanh. Đến cuối thế kỷ XVII, Mỹ Tho đã trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn ở đồng bằng Nam bộ (Mỹ Tho đại phố).

Lúc bấy giờ, ngoài thương nhân người Việt, còn có người Hoa, người Tây Dương, Nhật... đến giao dịch mua bán bằng đường thủy; và lần hồi họ mở rộng thương trường, tiến dần về các vùng nông nghiệp trù phú: Chợ Gạo, Cái Bè, Gò Công...

KINH CHỢ GẠO - TUYẾN KINH HUYẾT MẠCH

Kinh Chợ Gạo được người Pháp cho đào thủ công cách đây hơn 140 năm, chỉ sau một thời gian ngắn chiếm đóng Nam kỳ, nhằm nối sông Tiền và sông Vàm Cỏ, tạo tuyến đường thủy từ Sài Gòn đi miền Tây Nam bộ ngắn nhất, nối thẳng từ rạch Kỳ Hôn đến sông Tra - một nhánh ngắn của sông Vàm Cỏ.

Kinh Chợ Gạo được đào bằng tay vào năm 1877, sâu 3 m, rộng 20 m theo đề án của Đô đốc, Chánh Tham biện tỉnh Mỹ Tho Duperré, nên còn gọi là kinh Duperré, nhằm tạo con đường thủy cho tàu thuyền chuyển lúa gạo lên Sài Gòn để xuất cảng.

Thực dân Pháp đã huy động 40.000 người, đào 900.000 m3 đất, trong 2 tháng hoàn thành con kinh. Việc đào kinh theo lối thủ công còn nhằm mục đích kềm giữ thanh niên trong độ tuổi lao động, đề phòng những cuộc khởi nghĩa chống Pháp tiếp theo.

Huyện Chợ Gạo ngày càng trù phú, phát triển. Ảnh: NGỌC DUYÊN
Huyện Chợ Gạo ngày càng trù phú, phát triển. Ảnh: NGỌC DUYÊN

Năm 1892, kinh Chợ Gạo được vét lại, cũng bằng thủ công. Đến giai đoạn 1906 - 1910, kinh được cải tạo bằng cơ giới, to rộng như ngày nay và trở thành con đường thủy quan trọng giữa Sài Gòn và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là công trình đầu tiên và có quy mô lớn của thực dân Pháp ở tỉnh Mỹ Tho. Từ đó, vai trò đường thủy huyết mạch của rạch Bảo Định bị lu mờ.

Từ khi có kinh Chợ Gạo, đời sống của cư dân đã bắt đầu sung túc, náo nhiệt nhất là từ năm 1902, thương thuyền qua lại tấp nập. Công ty giang vận (Messageries Fluriales) cũng sắm tàu đưa khách chạy trên tuyến kinh này. Để tránh tai nạn và tránh sự chen lấn, giành giật, nhà cầm quyền đã đặt một đồn kiểm tra và một chiếc đò đưa khách qua sông, gọi là “bắc Chợ Gạo”.

Để đi từ Mỹ Tho đến Gò Công buộc phải qua bắc Chợ Gạo. Lượng xe đò chở khách, xe tải chở hàng qua phà mỗi ngày rất nhiều. Phà nhỏ nên mỗi chuyến chỉ chở được khoảng 2 chiếc xe đò hoặc 4 - 5 chiếc xe lam và một số xe đạp cùng khách bộ hành. Năm 1972, sau vụ lật phà chết người, chính quyền Sài Gòn đã xây dựng cầu qua kinh Chợ Gạo, cách bến phà chừng 300 m. Bắc Chợ Gạo bị xóa sổ sau khi cầu Chợ Gạo hoàn thành.

 Tỉnh Tiền Giang có diện tích trồng cây thanh long lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, được tập trung đầu tư chuyên canh tại huyện Chợ Gạo. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, sự xuất hiện, phát triển mở rộng cây thanh long trên vùng đất Chợ Gạo là một hướng đi phù hợp, góp phần tích cực vào Chương trình xóa khó, giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho hàng ngàn hộ nông dân.

Bây giờ, đến huyện Chợ Gạo, len lỏi vào các vùng quê thuộc các xã Quơn Long, Tân Thuận Bình, Mỹ Tịnh An, Thanh Bình, Ðăng Hưng Phước, Lương Hòa Lạc... như lạc vào “vương quốc” của xứ sở thanh long, với một màu xanh ngút ngàn, trải dài, ngay hàng, thẳng lối; xen vào đó là những ngôi nhà khang trang, tạo nên bức tranh tươi tắn, phồn thịnh của bộ mặt huyện nông thôn mới Chợ Gạo.

Cũng như kinh Xà No ở tỉnh Hậu Giang, sau khi đào xong, dọc theo hai bên bờ kinh Chợ Gạo đã mở ra những bước phát triển mới, không những về nông nghiệp, mà còn thúc đẩy các ngành công, thương nghiệp và dịch vụ.

Hai bên bờ kinh dần dần mọc lên nhiều ngôi chợ, nhiều nhà máy sản xuất nước mắm…

Bà con nông dân huyện Chợ Gạo đã tỏ ra năng động, kịp thời nắm bắt nền kinh tế hàng hóa và cơ chế thị trường, mạnh dạn đầu tư sản xuất và nhanh chóng chuyển đổi vật nuôi, cây trồng cho phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Kinh Chợ Gạo còn mở ra một hệ thống kinh đào cùng với mạng lưới thủy lợi, giúp nội đồng canh tác được quanh năm.

Từ khi hình thành kinh Chợ Gạo đến nay, trải qua biết bao biến đổi thăng trầm, nhưng huyện Chợ Gạo lúc nào cũng sung túc, thịnh vượng và kinh Chợ Gạo vẫn giữ vai trò là con đường huyết mạch, ngày ngày tiếp sức cho các phương tiện vận chuyển nông sản và cát từ miền Tây lên TP. Hồ Chí Minh, là hợp điểm giao lưu kinh tế, văn hóa sôi động giữa Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

HUYỆN NÔNG THÔN MỚI CHỢ GẠO

Về huyện Chợ Gạo hôm nay, chúng ta dễ dàng cảm nhận sự khởi sắc của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chợ Gạo không ngừng nỗ lực vươn lên trên mọi lĩnh vực, nhất là trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ngày 7-10-2020, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Chợ Gạo đạt chuẩn nông thôn mới.

Huyện Chợ Gạo - “vương quốc” của trái thanh long.
Huyện Chợ Gạo - “vương quốc” của trái thanh long.

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình này, hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện có nhiều chuyển biến, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng lên, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, an ninh trật tự được giữ vững, ổn định.

Cụ thể, huyện đã thi công 282 công trình thủy lợi bằng cơ giới, với tổng chiều dài 350 km, tổng kinh phí thực hiện hơn 44,7 tỷ đồng, tạo thành mạng lưới thủy lợi hoàn chỉnh; xây dựng 19 chợ đạt chuẩn nông thôn mới.

Về xã hội hóa, đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới 3.766 căn nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở. Ngoài ra, huyện đã huy động được hơn 4.223 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân đóng góp hơn 1.425 tỷ đồng.

Về giáo dục, hiện toàn huyện có 50 trường học, trong đó có hơn 90% trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được triển khai hiệu quả, mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 94%...

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.