2 cây me bonsai "hiếm có, khó tìm" ở Tiền Giang
(ABO) Với dáng vẻ độc đáo và hiếm lạ của 2 cây me bonsai cổ thụ trên 300 tuổi của ông Phạm Văn Chính, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Tiền Giang, đang thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Cây thứ nhất được ông Chính gọi là “cây mẹ cụ”, dáng trực thẳng đứng uy nghi. Với chiều cao vượt trội, vẻ cổ kính cùng bộ tán khỏe mạnh được ông Chính chăm sóc cẩn thận. Ông Chính cho biết, ông mua cây me này từ năm 2000 trong một lần đi miền Trung. Hơn 20 năm qua, cây me được ông chăm sóc, tạo tán và hiện có bề hoành 3 người ôm không xuể.
"Cây me cụ" với dáng trực, bề hoành 3 người ôm không xuể. |
Không to cao, hùng dũng như "cây me cụ", cây me bonsai thứ hai có vẻ đẹp riêng với thế mẫu tử. Ông Chính cho biết, cây me thứ hai này, ông chăm sóc công phu hơn "cây me cụ". Khi ông mua về từ nhà vườn khoảng năm 2005, cây me chưa có dáng vẻ như bây giờ. 2 cây me bonsai cổ thụ của ông Chính được chăm sóc cầu kỳ, công phu nên được định giá hàng tỷ đồng.
Theo giới chơi cây cảnh, hiện ở Việt Nam, số cây me dáng độc như 2 cây me bonsai của ông Chính chỉ đếm trên đầu ngón tay và có thể nói ở Tiền Giang đây là 2 cây me “hiếm có, khó tìm” bởi dáng bonsai độc đáo hiếm có, tuổi thọ cao, vừa có hoa, vừa có trái. Bonsai cây me không chỉ nổi tiếng với thế cây đẹp, dễ chăm sóc, mà còn là một loài cây mang nhiều ý nghĩa phong thủy giúp chủ nhân thuận lợi trong công việc, hanh thông trên con đường tiến chức.
Cây me với thế mẫu tử được chú Chính chăm sóc cẩn thận. |
Ông Chính cho biết: “Me trong phong thủy mang ý nghĩa tốt, nên nó không chỉ làm cảnh mà còn đem lại những điều may mắn cho gia chủ. Cây me chính là biểu tượng cho sự cần cù và thăng tiến. Là loài cây có thể sống dai, sống khỏe trong môi trường khắc nghiệt. Vì thế, me được ví như loài cây nỗ lực vươn lên dù trong hoàn cảnh nào. Mặt khác, me là loài cây với hoa trái xum xuê mang biểu tượng cho sự tài lộc đầy nhà”.
LÊ PHƯƠNG
.