.

Đọc sách Tìm về cội nguồn Hồ Chí Minh

Cập nhật: 08:38, 28/02/2022 (GMT+7)

Tập hợp các bài viết nghiên cứu tiêu biểu thời gian qua, cuốn sách Tìm về cội nguồn Hồ Chí Minh của Giáo sư, Tiến sĩ (GS, TS) Đinh Xuân Dũng vừa ra mắt là nguồn tài liệu tham khảo quý, giúp bạn đọc có thể nắm bắt trong đó những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực cùng các phân tích, đánh giá sâu sắc để từ đó vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người trong thực tiễn công tác và đời sống.

a
 

Nhiều năm qua, việc nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được triển khai sâu rộng trong các tầng lớp cán bộ, đảng viên và toàn dân ta.

Quá trình xây dựng, phát triển đất nước cùng những biến động của tình hình trong nước và thế giới, mới thấy hết giá trị và ý nghĩa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tính cấp thiết, thực tiễn của vấn đề, nhất là trong giáo dục thế hệ trẻ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Cũng từ nhu cầu bức thiết đó, GS, TS Đinh Xuân Dũng, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã hoàn thành cuốn sách Tìm về cội nguồn Hồ Chí Minh (NXB Hà Nội).

Không dày dặn như một công trình đồ sộ thường thấy trong các công trình nghiên cứu lý luận về tư tưởng Hồ Chí Minh, cuốn sách có độ dày gần 200 trang, là tập hợp những tiểu luận, bài viết nghiên cứu ngắn gọn, súc tích, song vô cùng sâu sắc và dễ hiểu của GS, TS Đinh Xuân Dũng về tư tưởng Hồ Chí Minh trong những năm gần đây với ba phần nội dung chính. Trong đó, tập trung vào cơ sở phương pháp luận nghiên cứu, tính đồng nhất hệ giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh và các giá trị của nhân loại, làm rõ nội dung chính của tư tưởng Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, đạo đức và quân sự.

Trong phần một về những vấn đề chung, cuốn sách Tìm về cội nguồn Hồ Chí Minh đã phân tích, chỉ ra những thành tựu nổi bật trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta trong việc kế thừa, phát huy các giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh khi tập trung nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống tư tưởng của Người gắn chặt với nêu gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Vấn đề lớn, có ý nghĩa thực tiễn là kiên trì, sáng tạo, linh hoạt để làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thực sự thấm sâu vào đời sống, giúp cho cán bộ, đảng viên có khả năng vận dụng sáng tạo, thiết thực trong hoàn cảnh mới và thực hiện một cách tự giác.

Từ phân tích của mình, tác giả đã đưa ra các đánh giá quan trọng về những đóng góp lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc “bổ sung, phát triển, sáng tạo chủ nghĩa Mác trong điều kiện và đặc điểm rất đặc thù, đặc biệt của phương Đông, để từ đó vận dụng vào cách mạng Việt Nam”.

Cũng từ góc nhìn về minh triết Hồ Chí Minh, GS, TS Đinh Xuân Dũng đã tóm tắt những nội dung chính, đồng thời đưa ra các nhận định về tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế và văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang, trong đó có sự so sánh ý nghĩa “Việt hóa” và sự đồng điệu trong các tư tưởng lớn của thế giới.

Những kinh nghiệm thực tiễn, có thành công và cả vấp váp, đã giúp chúng ta tiệm cận, thực hiện sáng tạo, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới, hiện đại hóa đất nước đi vào chiều sâu với những đòi hỏi về chất lượng mới, cũng như trong công tác xây dựng Đảng thời kỳ mới. Xuất phát từ các luận điểm khoa học, tác giả đi đến nhận định: “Trở về với cội nguồn Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ đến với một chủ thuyết phát triển của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh”.

GS, TS Đinh Xuân Dũng đã dành phần quan trọng của cuốn sách để tìm hiểu, diễn giải tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, văn học, nghệ thuật và phương pháp vận dụng sáng tạo quan điểm của Người trong xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thấm sâu phẩm chất nhân văn, dân chủ mà trước hết là sự tôn trọng, yêu thương con người, góp phần cho sự phát triển toàn diện của con người, bồi dưỡng và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa chiến lược sâu sắc, vừa có tác dụng chỉ đạo cụ thể trong hoạt động thực tiễn. Trong đó, văn nghệ phải bám sát và phụng sự tốt nhất những nhiệm vụ cơ bản và cụ thể của dân tộc và nhân dân ta trong từng giai đoạn. Mỗi tác phẩm văn nghệ phải là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng con người mới, xã hội mới. Muốn như vậy, các văn nghệ sĩ phải thật sự hòa mình với quần chúng, gắn bó máu thịt với đời sống, vì chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng cho những sáng tác của văn nghệ sĩ bằng nguồn nhựa sống để từ đó có được các tác phẩm xứng đáng với thời đại, với dân tộc.

Bên cạnh đó, tác giả đi sâu phân tích một luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa là: xây dựng và phát triển văn hóa phải là sự nghiệp của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ý nghĩa thực tiễn của vấn đề có thể thấy rõ trong sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta trong công cuộc xây dựng, phát triển văn hóa với chủ thể nhân dân tham gia sáng tạo, có nghĩa vụ, trách nhiệm đóng góp cho sự phát triển văn hóa bền vững và được quyền hưởng thụ, tiếp nhận, lưu giữ cũng như truyền bá văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, trở thành động lực, sức mạnh nội sinh của phát triển kinh tế-xã hội. Có như vậy, chúng ta mới có được một nền văn hóa chung, thống nhất trong đa dạng.

Quan điểm xây dựng văn hóa là sự nghiệp của toàn dân cũng chính là cách chúng ta đang cổ vũ, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong các phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, bao gồm giáo dục đạo đức, nếp sống, lối sống văn hóa, lưu giữ và tạo dựng các giá trị thuần phong mỹ tục, tạo nên những chuyển biến sâu sắc, rộng lớn trong đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân.

Trong phần cuối cuốn sách Tìm về cội nguồn Hồ Chí Minh, với kiến thức và kinh nghiệm của một cán bộ quân đội đã có nhiều năm làm công tác văn hóa, tư tưởng, GS, TS Đinh Xuân Dũng đề cập những nghiên cứu chuyên sâu tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục trong lĩnh vực quân sự. Không chỉ là sự tiếp nhận các quan điểm lý luận của Người mà quan trọng hơn cả là vận dụng các giá trị đó vào thực tiễn, từ đó tìm ra và giải quyết các vấn đề đang đặt ra trong hoạt động giáo dục của quân đội ta, góp phần xây dựng quân đội nhân dân thật sự cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo đảm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, xứng đáng với hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, một giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam.

Với những vấn đề được đề cập ngắn gọn, nhưng mang tính bao quát, có thể nói, cuốn sách Tìm về cội nguồn Hồ Chí Minh là tài liệu có giá trị hữu ích cho việc tìm hiểu, nghiên cứu và học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Theo nhandan.vn

 

.
.
.