.

Anh em hòa thuận, tại sao không?

Cập nhật: 09:14, 26/02/2022 (GMT+7)

(ABO) Ngày xưa, mỗi khi giành với chị tôi món đồ chơi hay cái bánh, bị chị xô ngã, má tôi rầy cả hai chị em: “Chị em phải thương nhau, nhường nhịn nhau, nhớ nha con!”. Rồi má đọc: “Anh em như thể tay chân/ Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”.

Tôi không ỷ lại mình là con út muốn gì được nấy, trái lại những lời dạy của má tôi luôn làm theo, hỏng phải tôi tự khen mình ngoan, nhưng những câu ca dao của má đã nhập vào người tôi lúc nào mà tôi cũng không biết.

Bây giờ anh em tôi đã lớn nhưng vẫn giữ được mối quan hệ tình cảm ruột thịt, thường xuyên thăm viếng, gặp gỡ. Ngay khi trận dịch Covid-19 lắng dịu, anh em, con cháu gia đình tôi tranh thủ sum họp trong cái Tết vừa qua, thật đầy đủ và đầm ấm. Tôi rất vui vì gia đình hòa thuận, đoàn kết, chắc dưới "suối vàng" ba má tôi cũng thấy vui và mãn nguyện.

Sau Tết, tôi đọc báo thấy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định 224 về việc ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Trong đó tiêu chí ứng xử của anh chị em là phải hòa thuận. Tôi muốn chia sẻ một chút về vấn đề này.

Theo tôi, để có hòa thuận và duy trì ngọn lửa hạnh phúc trong gia đình là điều không đơn giản. Song để có được hòa thuận trong ngôi nhà chung sống nhiều thế hệ càng không dễ vì đòi hỏi mỗi thành viên phải biết cách dung hòa lối sống, thói quen, quan điểm sống của nhau, biết tha thứ và bao dung cho nhau. Nếu mỗi người làm được như vậy thì mỗi gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống sẽ thực sự là một mái ấm gìn giữ những giá trị truyền thống của gia đình Việt trong môi trường sống hiện đại.

Muốn thuận thì phải hòa trước. Hòa là dung hòa, là nhường nhịn, là làm giảm đi cái tôi của mình để biết nghĩ về người khác. Thuận là đồng thuận, là cùng nhau suy nghĩ và hành động phù hợp với lẽ phải, với lương tâm. Có hòa mới có thuận, không có hòa mà thuận thì người ta gọi là bằng mặt mà không bằng lòng.

Để hòa được, trước tiên chúng ta luôn phải dung hòa giữa cái tôi của mỗi người, giữa cái tôi của cá nhân với cái tôi của tập thể. Cái tôi của con người lớn lắm, vì cái tôi mà mình trở nên ích kỷ, tham lam, muốn thu góp tất cả lợi lộc cho mình và gia đình nhỏ của mình, bất chấp thiệt hại của người khác. Đã có những gia đình anh em bất hòa vì mảnh đất, căn nhà của cha mẹ để lại, đã có những vụ án chết người vì tranh giành tài sản, có khi chỉ là cái đường thoát nước, cái hàng rào vô cảm! Chuyện nhỏ như "con thỏ", mà hậu quả khôn lường.

Nếu chúng ta biết sống hài hòa mọi thứ, nhường nhịn lẫn nhau, yêu thương lẫn nhau thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên yên bình , nhẹ nhàng và tươi đẹp hơn.

Có nhiều cách để giải quyết mâu thuẫn giữa anh chị em trong gia đình, nhằm tìm tiếng nói chung, giải tỏa những thắc mắc, hiểu lầm với nhau. Cách tốt nhất là ngồi lại với nhau, thẳng thắn trao đổi những khúc mắc. Nếu khó quá thì nên mời một người lớn trong dòng tộc có uy tín làm trung gian giải quyết. Biện pháp không ai muốn là nhờ đoàn thể, chính quyền can thiệp, tất nhiên đây là giải pháp cuối cùng. Khi hòa giải, mỗi người nên cố gắng nhường nhịn nhau, nghĩ về nhau, tìm mọi cách để dung hòa lợi ích có thể chấp nhận được.

Ông bà có câu: “Nhịn một lúc sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Câu nói này thể hiện trí tuệ xử thế và khí chất làm người chân chính. Trong cuộc sống, nếu như chúng ta có thể đối đãi khiêm nhường, biết nhường nhịn thì sẽ tránh được những xung đột không đáng có.

Về khoa học, các nhà khoa học phân tích, nếu tâm trạng chúng ta bất an, có thái độ tức tối, giận hờn, không hợp tác, lúc đó cơ thể chúng ta tiết ra những hóa chất như adrenaline và noradrenaline trong máu, làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, nếu kéo dài sẽ gây hậu quả xấu về thể chất và tinh thần, làm giảm sút khả năng tự giám sát và khả năng quan sát khách quan. Lúc đó vùng vỏ não trước trán, vùng hoạt động cơ bản và ra quyết định của não bị ức chế, chỉ số thông minh IQ của chúng ta giảm 10 đến 15 điểm, người bình thường là 85 điểm IQ. Chúng ta hay nói “giận mất khôn”, có người giận quá, huyết áp tăng cao, dễ đột quỵ, nguy hiểm đến tính mạng.

Hòa thuận không khó, chỉ cần mọi người biết thương yêu, nhường nhịn, đoàn kết, vượt qua cái tôi vốn ích kỷ của mỗi người thì sẽ có được một gia đình hạnh phúc.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC



         
 
 
 

 

.
.
.