.

Hai tiếng "dạ, thưa" ngọt lịm tâm can

Cập nhật: 09:14, 19/02/2022 (GMT+7)

(ABO) Tết vừa rồi, trận đại dịch đã lắng dịu, con cháu tranh thủ về quê sum họp gia đình. Tôi và anh Chín tôi ngồi ghế giữa uống trà, ăn kẹo chuối xào. Cháu tôi ở xa về dẫn hai đứa con trai, ba mẹ nó cúi đầu chào “Dạ thưa bác, thưa chú con mới về!”. Còn hai thằng con, một đứa học cấp III, một đứa cấp II nhoẻn miệng cười gật đầu, rồi đi thẳng ra phía sau nhà dưới.

Anh Chín bực mình nói với tôi: “Tụi này không biết dạy con cách chào hỏi người lớn. Nó làm như tụi mình là bạn ngang hàng với nó vậy, chỉ gật đầu cười rồi thôi, không có biết tôn ti trật tự gì hết”. Tôi cười nói cái này là trách nhiệm không chỉ do gia đình, mà còn nhà trường nữa anh.

Thật vậy, chẳng phải tự nhiên mà trẻ em từ khi mới bi bô đã phải học nói “dạ” khi mẹ gọi, lớn lên một chút thì phải biết “thưa nội con đi học”,“thưa ba con mới về”... Ra ngoài gặp người lớn thì phải chào hỏi lễ phép, được hỏi chuyện thì cũng phải dạ thưa trước câu trả lời. Thế nhưng chẳng biết từ bao giờ, người ta đang dần thu gọn ngôn ngữ truyền thống đẹp đẽ, mở rộng ngôn ngữ hiện đại ngắn gọn, có khi nghe cộc lốc!

Tiếng dạ thưa mở đầu một câu nói là thể hiện sự tôn trọng mối quan hệ, tôn trọng người đối diện. Tôn trọng lẫn nhau chính là nền tảng của mọi mối quan hệ trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Càng lớn con người ta càng ít dùng tiếng dạ thưa. Bởi lẽ ta so sánh tuổi đời của mình với tuổi của người khác ít hơn mình, ta thường không dùng tiếng dạ thưa nữa.

Có lẽ một số người cho rằng tiếng dạ thưa là tự hạ mình, tự ti, cảm thấy mình thấp kém hơn người đối diện. Thật sự tiếng dạ thưa là tiếng đệm tự nhiên, xuất phát từ cái tâm khiêm tốn luôn hiện hữu của một người tốt, chứ không phải dạ, thưa theo kiểu khúm núm để cố lấy lòng người đối diện hay khi nhờ vả chuyện gì đó.

Ai cũng vì cái tôi nên không chịu thua người khác, luôn cho mình hơn người nên không thể dạ thưa được. Và cũng chính vì cái tôi ấy mà có người không biết hạ mình để học hỏi cái hay, cái đẹp của người khác. Những người như thế thường tự cao tự đại, thường khó gần và khó thành công trong cuộc sống.

Tôi khám bệnh cho bệnh nhân, một bà mẹ hỏi tôi: “Con của con ăn cháo được không bác sĩ”. Tôi đáp “Dạ được, nó tới tuổi ăn cháo rồi con”. Bà mẹ hình như bất ngờ, đáp: “Trời ơi, bác sĩ dạ với con làm con tổn thọ?!”. Tôi cười, nói đó là thói quen của bác từ nhỏ. Mà không phải mình tôi có thói quen dạ thưa. Các thầy lớn tuổi đã từng dạy tôi, khi nói chuyện với tôi vẫn dùng từ đệm dạ thưa một cách bình thường. Các vị ấy luôn được nhiều thế hệ học trò kính trọng và mang ơn.

Ở Mỹ Tho, có một nhà thầu nổi tiếng lâu năm là chú Hữu Quế, năm nay chú đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi nói chuyện với bất cứ ai, dù nhỏ hay lớn, chú đều mở đầu câu nói bằng hai tiếng dạ thưa, chú luôn thành công trong nghề xây dựng và con cái nối nghiệp chú cũng có phong cách giao tiếp như vậy. Tôi nghĩ tính khiêm cung của gia đình chú là một trong những yếu tố làm nên tên tuổi một nhà thầu uy tín.

Dạ thưa là tiếng đệm của mọi người, nghe ngọt lịm tâm can, là từ giúp mọi người tôn trọng lẫn nhau, giữ gìn mối quan hệ tốt giữa người với người và hơn hết nó giúp chúng ta phát triển tính khiêm tốn, khiêm nhường đối đãi với nhau trong xã hội có văn hóa.

BS. NGUYỄN THÀNH ÚC

 

.
.
.