.

Lộ Ma xưa và nay

Cập nhật: 07:16, 17/02/2022 (GMT+7)

Trải qua hơn 340 năm hình thành và phát triển, một số địa danh xưa và mới của TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cùng đồng hành theo sự phát triển của vùng đất này. Theo tiến trình lịch sử, nhiều tên gọi vẫn bền vững theo thời gian, nhưng cũng có những địa danh dần dần ít được nhắc đến, đi vào quá khứ, như đường Lộ Ma xưa, nay là đường Thái Sanh Hạnh...

LỘ MA XƯA

Từ năm 1623, một bộ phận người Việt từ miền Bắc và miền Trung vào lập nghiệp ở vùng tả ngạn sông Bảo Định. Đến năm 1679, những người này cùng với một nhóm người Minh Hương mới đến được chúa Nguyễn cho định cư ở đây, đã hình thành nên “Mỹ Tho đại phố” ở làng Mỹ Chánh, huyện Kiến Hòa, kéo dài đến cầu Vỹ (xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho hiện nay), là tiền thân của TP. Mỹ Tho ngày nay.

Sách Gia Định thành thông chí của tác giả Trịnh Hoài Đức ghi lại: “Chợ phố lớn Mỹ Tho nhà ngói cột chạm, đình cao chùa rộng, ghe thuyền các ngả sông, biển đến đậu đông đúc, là một chốn đô hội, rất phồn hoa, huyên náo…”.

Đường Thái Sanh Hạnh ngày nay.
Đường Thái Sanh Hạnh ngày nay.

Mỹ Tho xưa là vùng tiếp giáp 3 dinh Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ. Năm Đinh Dậu (1777), chúa Nguyễn đã lập một đơn vị quản lý đặc biệt là đạo Trường Đồn tại giồng Kiến Định. Sau đó, đạo Trường Đồn được nâng lên thành dinh Trường Đồn, rồi đổi tên là dinh Trấn Định và dời lỵ sở về thôn Mỹ Chánh, huyện Kiến Hòa vào năm Tân Sửu (1781). Năm Nhâm Tý (năm 1792), chúa Nguyễn cho xây thành Mỹ Tho (bấy giờ gọi là thành Trấn Định).

Theo Gia Định thành thông chí: “Thành vuông, chu vi 998 tầm, có mở 2 cửa ở bên phải và bên trái, ở các cửa có làm cầu treo bắc ngang. Hào rộng 8 tầm, sâu 1 tầm, bốn mùa nước đều ngọt, nhiều cá tôm. Dưới cầu có dòng nước nhỏ đổ ra sông lớn Mỹ Tho. Ngoài hào đắp lũy đất, có cạnh góc lồi lõm như hình hoa mai. Mặt trước chân lũy ra 30 tầm đến sông lớn. Trong đồn có kho gạo, kho thuốc súng, trại quân và súng lớn tích trữ đầy đủ…”. Khi đắp thành, chúa Nguyễn Ánh ngự giá đến xem để động viên tinh thần quân sĩ. Trong vòng 2 năm, công trình này đã được khánh thành.

Lộ Ma là một trong các con đường của Mỹ Tho xưa. Tại khu vực này, Nhà Nguyễn từng cho dựng một pháp trường hành quyết những người tử tội, tồn tại đến đời vua Tự Đức. Bao nhiêu người đã bị hành quyết không rõ, nhưng người dân địa phương cho dựng tại chỗ này một ngôi miếu thờ, gọi là miếu Cây Gạo. Pháp trường, ngôi miếu và sự hoang vắng trong khu vực nên người dân nơi đây gọi con đường này là đường Lộ Ma. Đến thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân trưng dụng một phần của đường Lộ Ma làm bãi rác, vì vậy có tên ngã ba Sở Rác. Cảnh vật hoang tàn, đầu năm 1911, cụ Phan Chu Trinh từ Côn Đảo về Mỹ Tho, thăm chợ Cũ, đã làm bài thơ tặng Huỳnh Trí Phú - một chiến sĩ của phong trào Minh Tân ở Mỹ Tho, than thở: “Thành xưa dấu sót lau đôi cụm / Nước cũ tro tàn liễu may doanh”.

Năm 1809, vua Gia Long cho dựng kho tàng ở trong thành, dựng hành cung và các sảnh thự ở ngoài thành. Tuy nhiên, thành Định Tường chỉ tồn tại đến năm 1826. Năm đó, vua Minh Mạng cho dời lỵ sở về trấn Định Tường từ thôn Mỹ Chánh - Mỹ Tho đại phố, ở phía tả ngạn kinh Bảo Định sang hai thôn Điều Hòa và Bình Tạo của huyện Kiến Hưng; phía hữu ngạn dọc kinh Bảo Định (nay thuộc các phường 1, 4 và 7 của TP. Mỹ Tho).

Thành Định Tường mới được xây dựng. Thành Định Tường cũ với đường sá, kho gạo, kho đạn, trại quân... bị bỏ hoang. Năm 1836, triều Nguyễn cho lập địa bạ, đo đạc khu thành Mỹ Tho được hơn 40 mẫu, đem rao bán nhưng không ai mua. Thấy bãi đất trống tại khu thành Định Tưởng cũ hầu như không có giá trị, quan lại địa phương mới trưng dụng một phần làm pháp trường xử án tử tội nhân. Con đường dẫn vô pháp trường vắng vẻ đến lạnh người, nhiều câu chuyện về “ma” được đồn thổi, ban đêm chẳng ai dám đi ngang, nên có tên Lộ Ma.

ĐƯỜNG THÁI SANH HẠNH NGÀY NAY

Đồng chí Thái Sanh Hạnh (1925 - 1960) bí danh Trần Chí Nam, sinh năm 1925 tại xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), đồng chí gia nhập lực lượng Thanh niên Tiền phong và hoạt động sôi nổi trong phong trào học sinh Trường Collège de MyTho.

Tháng 8-1945, đồng chí tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Mỹ Tho, sau đó vào bộ đội. Năm 1946, được phân công trở vào nội ô Mỹ Tho xây dựng phong trào đấu tranh của giới tư sản, trí thức yêu nước và thanh niên, học sinh. Năm 1950, bị địch bắt giam tại nhà tù Mỹ Tho, nhưng không đủ chứng cớ để buộc tội, nên trả tự do cho đồng chí. Rút vào hoạt động bí mật, đồng chí đảm nhận chức vụ Thị ủy viên thị xã Mỹ Tho, phụ trách quân sự.

Sau năm 1954, được tổ chức phân công ở lại miền Nam hoạt động. Năm 1957, được chỉ định làm Bí thư Thị xã ủy Mỹ Tho, lãnh đạo và chỉ đạo phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng và xây dựng cơ sở cách mạng trong đội ngũ trí thức, công thương gia, thanh niên, học sinh... Năm 1958, được đề bạt làm Tỉnh ủy viên, phụ trách thị xã Mỹ Tho.

Đầu năm 1960, đồng chí được phân công phụ trách thêm huyện Chợ Gạo. Đêm 20-9-1960, từ căn cứ của Tỉnh ủy đặt tại Tân Hòa Đông, đồng chí vượt lộ 4 (nay là Quốc lộ 1) để về Chợ Gạo chỉ đạo đợt nổi dậy 23-9, nhưng khi đi đến Tân Lý Đông, đồng chí bị lọt vào ổ phục kích của địch. Sau khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đã anh dũng hy sinh. Hiện nay, thi thể đồng chí được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Tiền Giang.

Trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tên của đồng chí được đặt cho Trường Đảng, Trường Đoàn và Nhà máy In của tỉnh. Năm 2006, HĐND tỉnh Tiền Giang đổi tên tuyến đường Lộ Ma là Thái Sanh Hạnh, thuộc phường 9, TP. Mỹ Tho. Tuyến đường tuy không dài, nhưng chạy ngang qua các khu vực có nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên tuyến đường như: Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang, Trường Cao đẳng Tiền Giang, Công an Tiền Giang...

Ngày nay, tuy Lộ Ma không còn nữa, nhưng với những người dân cao niên Mỹ Tho luôn nhớ về một con đường ẩn chứa những câu chuyện “rùng rợn” của quá khứ được lưu truyền từ thời xa xưa cho đến bây giờ.

LINH THỦY (tổng hợp)

.
.
.