Thứ Hai, 18/04/2022, 10:07 (GMT+7)
.
"Đánh thức" tiềm năng di tích lịch sử, văn hóa

Bài cuối: "Mở khóa" khai thác những năng lực tiềm tàng

Bài 1: Khai thác tiềm năng, lợi thế

Bài 2: Một số di tích chưa được khai thác xứng tầm

Trong bối cảnh phát triển và hội nhập hiện nay, ngành Du lịch là một trong những ngành quan trọng, ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách quốc gia nói chung, cấp tỉnh nói riêng. Để các di tích lịch sử, văn hóa hiện có của tỉnh Tiền Giang được khai thác và phát huy đúng tầm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung, ngành Du lịch địa phương nói riêng, cần có giải pháp để “đánh thức” các di tích trong thời gian tới.
 

ĐẦU TƯ CÓ TRỌNG TÂM

Để khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc quản lý, khai thác các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Sở Văn hóa, Thể thao  và Du lịch (VH-TT&DL) đã tổ chức đoàn kiểm tra để đánh giá thực trạng các di tích, qua đó có giải pháp “đánh thức” các di tích trong thời gian tới.

Sở VH-TT&DL khuyến khích các doanh nghiệp kết nối tour, tuyến du lịch sinh thái sông nước với các di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh.
Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang khuyến khích các doanh nghiệp kết nối tour, tuyến du lịch sinh thái sông nước với các di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân cho biết: Lãnh đạo tỉnh sẽ tranh thủ nguồn kinh phí trung ương, tỉnh, các tổ chức nước ngoài và nguồn xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo các di tích và các khu, điểm du lịch, làng nghề truyền thống đang mang lại hiệu quả; không đầu tư dàn trải. Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo thuận lợi cho các đoàn xe đưa du khách đến tận nơi.

Mặt khác, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch, góp phần nâng cao mức sống của một bộ phận người dân ở địa phương; chọn lọc các lễ hội, làng nghề truyền thống đặc trưng của địa phương nâng lên tầm cỡ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để phục vụ du lịch, như: Lễ hội kỷ niệm Anh hùng dân tộc Trương Định, Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp; có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp kết nối tour, tuyến du lịch sinh thái sông nước với các di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, nhất là các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh…

Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Tiền Giang với Sở VH-TT&DL mới đây, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Đảm cho biết: Việc trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa phải thực hiện quy trình thủ tục rất nghiêm ngặt, nhất là di tích cấp quốc gia phải xin ý kiến trung ương, nên mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, ngành đã nỗ lực thực hiện, đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Theo đó, giai đoạn 2016 - 2021, ngành VH-TT&DL được đầu tư 9 công trình thuộc lĩnh vực văn hóa với tổng kinh phí trên 116 tỷ đồng, trong đó có nhiều công trình tu bổ, sửa chữa các khu di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.

Thời gian tới, Sở VH-TT&DL kiến nghị HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành tỉnh có liên quan hỗ trợ về chủ trương, chính sách và kinh phí thực hiện công tác tu bổ, sửa chữa các thiết chế văn hóa, đặc biệt là các công trình di tích lịch sử, văn hóa đã và đang phát huy hiệu quả…

Đối với UBND các huyện thành, thị, tập trung xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí sửa chữa, nâng cấp các di tích đưa vào danh mục đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của ngân sách cấp huyện.

Những di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia và di tích cấp quốc gia đặc biệt, UBND cấp huyện lập thủ tục trình Sở VH-TT&DL, để sở xin chủ trương Bộ VH-TT&DL kinh phí tu bổ, sửa chữa theo quy định.

Những trường hợp khó khăn trong công việc tu bổ và bảo quản di tích, UBND cấp huyện có văn bản đề nghị Sở VH-TT&DL xem xét, thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tu bổ, sửa chữa.

Ngoài ra, Sở VH-TT&DL tiếp tục chỉ đạo Văn phòng sở, Phòng Quản lý văn hóa, Bảo tàng tỉnh nghiên cứu, đề xuất Ban Giám đốc sở những di tích cấp thiết cần được tu bổ sửa chữa, chống xuống cấp và gìn giữ những giá trị gốc của di tích để trình cấp có thẩm quyền đăng ký danh mục đầu tư công trong năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025.

Rà soát lại các di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh nhưng nay không đủ tiêu chuẩn hoặc bị hủy hoại không có khả năng phục hồi để đề nghị UBND tỉnh hủy bỏ quyết định công nhận xếp hạng di tích. Ngoài ra, tiếp tục sưu tầm và nghiên cứu phục dựng một số mô hình tại các di tích lịch sử đã được xếp hạng để thu hút du khách; quảng bá giá trị của các di tích và những sản phẩm du lịch của địa phương cho nhiều người biết…

KHAI THÁC NGUỒN NHÂN LỰC

Một trong những yếu tố quan trọng để quản lý, khai thác tốt các di tích là nguồn nhân lực phục vụ, đã được Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” xác định: Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa.

Cán bộ Bảo tàng Tiền Giang trưng bày hiện vật lịch sử tại nhà trưng bày Khu di tích lịch sử  Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Cán bộ Bảo tàng Tiền Giang trưng bày hiện vật lịch sử tại nhà trưng bày Khu di tích lịch sử Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, cán bộ làm công tác khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ ở cơ sở. Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế...”. Về vấn đề này, nhiều cán bộ làm công tác quản lý di tích có thâm niên kiến nghị lãnh đạo tỉnh, các ngành có liên quan và lãnh đạo các địa phương cần quan tâm đầu tư nguồn nhân lực cho hệ thống các di tích đã được xếp hạng, vì hiện nguồn nhân lực quản lý, khai thác các di tích trên địa bàn tỉnh vừa thiếu lại vừa yếu; thậm chí có không ít cán bộ, nhân viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn.

Cán bộ quản lý di tích của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh TX. Gò Công Đặng Văn Thương cho rằng, cùng với việc trùng tu tôn tạo các di tích, cần tăng thêm biên chế chuyên ngành Du lịch, trong đó có biên chế làm công tác quản lý các di tích, chọn người có phẩm chất, năng lực và quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho họ.

Trong nhiều diễn đàn, hội thảo, hội nghị, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL cho rằng, văn hóa là nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực của sự phát triển. Văn hóa truyền thống và những giá trị tiếp biến hiện tại là tài nguyên vô giá, là sức mạnh nội sinh, “sức mạnh mềm”, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển bền vững đất nước. Vì lẽ đó, cần quan tâm nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ văn hóa, là một trong những tiền đề “then chốt” để tạo dựng nền tảng tinh thần lành mạnh, nhân văn, để cùng với các ngành, lĩnh vực khác sớm hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước Việt Nam thịnh vượng, hùng cường.

Mong rằng, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tiền Giang; sự nỗ lực của ngành VH-TT&DL và các ngành liên quan, các tài nguyên lịch sử, văn hóa sẽ được bảo tồn và khai thác hiệu quả hơn trong thời gian tới.

THU HOÀI

.
.
Liên kết hữu ích
.