Thứ Bảy, 16/04/2022, 08:50 (GMT+7)
.

"Đánh thức" tiềm năng di tích lịch sử, văn hóa - Bài 2: Một số di tích chưa được khai thác xứng tầm

Bài 1: Khai thác tiềm năng, lợi thế

Hiện tỉnh Tiền Giang có 182 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Tiềm năng di sản là vậy, song bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít hạn chế, bất cập, khiến một số di tích chưa được khai thác xứng tầm, kém hiệu quả, gây lãng phí.

 Di tích Dinh Tỉnh trưởng Gò Công đang xuống cấp, cửa đóng then cài nhiều năm qua.
Di tích Dinh Tỉnh trưởng Gò Công đang xuống cấp, cửa đóng then cài nhiều năm qua.

ĐẦU TƯ CHƯA ĐỒNG BỘ

Dù sở hữu một hệ thống di tích lịch sử, văn hóa có quy mô và tầm cỡ lớn, nhưng đến nay nhiều di tích vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế do việc đầu tư kinh phí tôn tạo, sửa chữa, nâng cấp chưa đồng bộ.

Theo cán bộ quản lý Khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút Lê Thị Hà,  Di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút là di tích cấp quốc gia đặc biệt, tuy được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, còn thiếu từ cơ sở vật chất đến nhân lực phục vụ. Cụ thể, di tích gắn liền với một chiến công hiển hách của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ và nhân dân Tiền Giang đã cùng các nghĩa quân Tây Sơn thực hiện một trận đánh kỳ diệu, tiêu diệt gọn gần toàn bộ đội quân xâm lược Xiêm nhưng rất ít hình ảnh, tư liệu và cũng chưa phục dựng tái hiện lại trận chiến năm xưa.

Mặt khác, chưa có phòng làm việc riêng cho Tổ quản lý khu di tích, hiện làm việc tại hạng mục nhà cổ của khu di tích, trong khi theo quy định, nhà cổ và những vật dụng trong nhà cổ là để trưng bày, không được sờ, đụng, nhưng do không có phòng làm việc nên cán bộ phải ở trong nhà cổ để làm việc, tiếp khách khi có các đoàn đến liên hệ để tham quan, tìm hiểu, về nguồn, gây khó khăn, bất tiện. Chưa có bãi giữ xe và nhà vệ sinh cũng chưa đáp ứng nhu cầu du khách (chỉ có 2 phòng vệ sinh). Cấp trên có hứa sẽ làm bãi giữ xe nhưng nhiều năm rồi vẫn chưa làm được.

Tình trạng lãng phí tài nguyên du lịch ở TX. Gò Công diễn ra nhiều năm qua. Điển hình như, Dinh Tỉnh trưởng Gò Công (dinh Tham biện) được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh, xây dựng vào năm 1885, là một trong những công trình kiến trúc đầu tiên tại Nam kỳ lục tỉnh khi thực dân Pháp đặt nền móng đô hộ.

Công trình này có quy mô 1 trệt, 1 lầu, diện tích sử dụng 1.400 m2, nằm trong khuôn viên rất rộng, cảnh quan nên thơ; tuy nhiên, nhiều năm qua di tích này cửa đóng then cài, đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, đang chờ nguồn kinh phí để trùng tu, bảo tồn.

Theo cán bộ quản lý di tích của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh TX. Gò Công Đặng Văn Thương, địa phương có nhiều di tích nổi tiếng, giá trị lớn. Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác tài nguyên du lịch là các di tích tại đây còn nhiều bất cập, hạn chế.

Dù cấp trên quan tâm đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo một số di tích lịch sử, văn hóa, nhưng việc đầu tư dàn trải, chưa có di tích nào được đầu tư tu bổ hoàn chỉnh từ kiến trúc tới hạ tầng, từ nội thất tới ngoại thất, nên việc phát huy giá trị di tích chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Điển hình như quần thể di tích Anh hùng dân tộc Trương Định, du khách chỉ đến và đi trong ngày, bởi cơ sở vật chất và hoạt động lễ hội, dịch vụ, vui chơi, giải trí còn đơn điệu, chưa có sự kết hợp tốt giữa khai thác di sản văn hóa vật thể với di sản văn hóa phi vật thể…

KHÓ KHĂN, BẤT CẬP

Năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã tổ chức đoàn kiểm tra tại các huyện, thành, thị trong tỉnh để nắm tình hình thực hiện phân cấp quản lý các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Qua khảo sát thực tế đã đánh giá tình trạng xuống cấp của các di tích lịch sử, văn hóa trong tỉnh khá nhiều, chưa được trùng tu, tôn tạo.

Mặt khác, nhận thức của một số cán bộ và một bộ phận nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của di sản lịch sử, văn hóa tuy được nâng lên một bước song chưa cao. Việc đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích tuy đã có những thành tựu bước đầu, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Nhiều di tích, nhân viên bảo vệ kiêm bán vé, hướng dẫn, thuyết minh, cắt tỉa chăm sóc cây xanh...
Nhiều di tích, nhân viên bảo vệ kiêm bán vé, hướng dẫn, thuyết minh, cắt tỉa chăm sóc cây xanh...

Công tác xã hội hóa trong việc trùng tu, tôn tạo di tích hiệu quả chưa cao. Về phân cấp quản lý di tích, chưa phát huy được vai trò của chính quyền địa phương, tổ chức và cá nhân được phân công quản lý các di tích trong việc vận động các nguồn lực từ xã hội.

Cùng với đó, ngân sách các địa phương phân bổ hằng năm cho việc tu bổ, tôn tạo di tích có hạn, nên việc trùng tu, sửa chữa kéo dài, nhiều di tích khảo cổ mặc dù đã được công nhận xếp hạng nhưng vẫn chưa được tu bổ, tôn tạo, ảnh hưởng không tốt đến việc bảo quản di tích và chưa kết nối được các tour, tuyến để các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, vui chơi giải trí...

Trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ quản lý di tích trên địa bàn tỉnh cho biết, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và khai thác hoạt động du lịch chưa được chú trọng, dẫn đến không ít tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý các di tích chưa am hiểu, nắm rõ nguyên tắc bảo quản, tu bổ, quản lý di tích.

Tại nhiều điểm di tích cấp tỉnh, nhân viên bảo vệ kiêm luôn vai trò hướng dẫn, thuyết minh, cắt tỉa chăm sóc cây xanh, chất lượng thuyết minh chưa thu hút khách tham quan. Việc sản xuất sản phẩm du lịch (quà lưu niệm) thể hiện đặc trưng gắn bó với di tích phục vụ khách tham quan chưa được chú ý; giá trị dịch vụ trong khai thác di tích hầu như không có, điều này đang diễn ra ở nhiều di tích trên địa bàn tỉnh, khiến nhiều tài nguyên du lịch chưa được khai thác hiệu quả.

Theo Sở VH-TT&DL, nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập nêu trên là do hạn chế về kinh phí, nhiều di tích đang xuống cấp và xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có hoặc không đủ kinh phí để trùng tu, sửa chữa. Nguồn nhân lực quản lý di tích còn quá mỏng, thiếu kinh nghiệm, chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn.

Hiện nay, Phòng Văn hóa và Thông tin là đơn vị tham mưu công tác quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn phụ trách, cán bộ quản lý di tích chỉ có 1 người, kiêm nhiệm các lĩnh vực, công việc khác của phòng. Sự phối hợp giữa Bảo tàng tỉnh, Phòng Văn hóa và Thông tin, Ban Quản lý di tích địa phương và cộng đồng chưa đồng bộ, chặt chẽ. Sự phối hợp liên ngành trong hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa chưa chặt chẽ…

THU HOÀI
(Còn tiếp)

 

.
.
.