.

Chùa Bửu Hưng: Nơi lưu dấu lịch sử phát triển TP. Mỹ Tho

Cập nhật: 14:09, 09/05/2022 (GMT+7)

Trên  địa bàn TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, hiện nay, có hơn 50 ngôi chùa; trong số này có rất nhiều ngôi cổ tự được xây dựng qua nhiều thế kỷ, ghi dấu ấn quá trình khai phá vùng đất này. Tọa lạc tại đường Nguyễn An Ninh, phường 2, TP. Mỹ Tho, chùa Bửu Hưng được xem là một chứng tích quan trọng ghi dấu lại quá trình phát triển của TP. Mỹ Tho.

Chùa Bửu Hưng ghi dấu lại quá trình phát triển của TP. Mỹ Tho.
Chùa Bửu Hưng ghi dấu lại quá trình phát triển của TP. Mỹ Tho.

NGÔI CỔ TỰ KHỞI PHÁT TỪ MIẾU THỜ

Theo nhiều tài liệu khoa học, từ năm 1623, một bộ phận người Việt từ miền Bắc và miền Trung vào lập nghiệp ở vùng tả ngạn sông Mỹ Tho (các phường 2, 3, 8 và các xã Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh và Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang ngày nay).

Đến năm 1679, một nhóm khoảng 3.000 người Hoa - Minh Hương được chúa Nguyễn cho định cư ở vùng đất này. Từ đây Mỹ Tho là Chợ phố lớn được lập ra ở làng Mỹ Chánh, huyện Kiến Hòa, mà theo cách gọi lúc bấy giờ là Mỹ Tho đại phố. Như vậy, Mỹ Tho đại phố ngày ấy không phải là toàn TP. Mỹ Tho hiện nay mà chỉ là một khu vực nằm ở bờ Đông sông Mỹ Tho.

Sông Mỹ Tho xưa chảy ra sông Tiền bởi 2 vàm, cho nên trung tâm Mỹ Tho xưa có một cái cù lao, gọi là cù lao Điều Hòa nằm giữa 2 vàm rạch Mỹ Tho. Cư dân người Việt và người Minh Hương sống tập trung ở phía Đông và phía Nam cù lao Điều Hòa. Tại đây, có 2 xóm đánh cá của người Minh hương là xóm Cá ngoài và xóm Cá trong. Trong khuôn viên chùa Bửu Hưng nay còn ngôi miếu thờ Thiên Hậu Thánh mẫu, vốn là tín ngưỡng của người Minh Hương.

Phật tử và người dân chuẩn bị lễ vật cúng bái nhân dịp Lễ vía bà Thiên Hậu vào ngày 22 và 23 tháng 3 âm lịch vừa qua.
Phật tử và người dân chuẩn bị lễ vật cúng bái nhân dịp Lễ vía bà Thiên Hậu vào ngày 22 và 23-3 âm lịch vừa qua.

Hòa thượng Thích Thiện Duyên, Trụ trì chùa Bửu Hưng cho biết, chùa Bửu Hưng hay được người dân gọi là chùa Bà Xóm Cá hay chùa Bà Cầu Vòng... Gần 300 năm trước có nhóm người Minh Hương từ Trung Quốc sang được Chúa Nguyễn cho vào Việt Nam lập nghiệp tại Mỹ Tho. Trong đó, gia đình ông Lý Quang Trợt đến xã Điều Hòa, Mỹ Tho sinh sống và chọn miền sông nước Mỹ Tho khẩn đất, xây miếu thờ bà Thiên Hậu và xây nhà để ở. Vào năm 1848, miếu được tái thiết lần thứ nhất. Đến năm 1900, khi ông Lý Quang Trợt qua dời, người kế vị là ông Lý Quang Bích đã cho tu sửa lại Võ ca làm thành ngôi chùa để hiệu là Bửu Hưng.

Chùa Bửu Hưng được trùng tu sửa chửa nhiều lần vào các năm 1960, 1969, 2011, 2017. Kiến trúc và quy mô của ngôi chùa có thay đổi. Hiện nay trong khuôn viên chùa có miếu Bà, Đông Lang, nhà Bếp, nhà Cửu huyền, miếu Năm Bà, miếu Bảy Bà, Mẫu Hoàng và Chúa Xứ để thờ cúng.

SỰ HÒA HỢP DÂN TỘC

Với lịch sử mấy trăm năm gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của TP. Mỹ Tho, chùa Bửu Hưng có giá trị rất lớn trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nơi đây, nhất là cộng đồng người Minh Hương đang sinh sống và làm việc tại TP. Mỹ Tho.

Hằng năm, người dân trong vùng tề tựu tại chùa để chiêm bái vào những dịp lễ lớn tại chùa. Trong đó, Lễ vía Thiên Hậu vào ngày 22 và 23 tháng 3 âm lịch, người dân gần xa tề tựu về chùa Bửu Hưng để chuẩn bị các nghi thức trong ngày vía bà và cầu bình an, hạnh phúc.

Phật tử Lê Thị Hồng Oanh (phường 7, TP. Mỹ Tho) chia sẻ: “Không chỉ có cộng đồng người Hoa, mà người Việt cũng là những phật tử có nhiều đóng góp cho các hoạt động tại chùa. Chúng tôi sống chan hòa và cùng nhau góp công sức trong việc giữ gìn ngôi cổ tự được khang trang. Ngoài dịp lễ trọng của chùa, vào những lúc trước khi đi biển đánh cá, bà con làm nghề biển đều đến viếng chùa lễ Phật và cúng bà Thiên Hậu để cầu mong chuyến ra khơi an toàn, trúng mùa biển”.

Hiện nay, chùa Bửu Hưng đã được UBND TP. Mỹ Tho công nhận là cơ sở thờ tự văn hóa của thành phố.

THỦY HÀ - CAO THẮNG

.
.
.