.
Ngược dòng Bảo Định

Bài 3: Nhân kiệt vùng Bảo Định hà

Cập nhật: 13:55, 06/05/2022 (GMT+7)

Bài 1: Tìm lại dòng sông

BÀI 2: Mỹ Tho trên bến dưới thuyền

Dòng sông bồi đắp phù sa, hội tụ thương hồ, nơi hẹn hò của tao nhân mặc khách, nhân tài hào kiệt… Ngược dòng Bảo Định, chúng ta đến những vùng địa linh, nơi phát xuất của nhiều bậc hiền tài.

Khu Đền thờ Anh hùng dân tộc  Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân  ở ấp Hòa Quới, xã Hòa Định,  huyện Chợ Gạo.
Khu Đền thờ Anh hùng dân tộc Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân ở ấp Hòa Quới, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo.

VÙNG ĐẤT KHOA BẢNG XƯA

Lấy mốc từ chợ Bến Tranh, kinh Bảo Định đi qua xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang: Từ ngôi chợ Thang Trông ngày xưa (nay là chợ Phú Kiết) đến xã Mỹ Tịnh An, con kinh gặp rạch Cái Lao gần cầu Hòa Tịnh. Qua xã Mỹ Tịnh An đến rạch Ông Dâu là qua địa bàn tỉnh Long An. Trên đường đi, chúng ta sẽ bắt gặp vài địa danh còn sót lại từ mấy trăm năm trước, như chợ An Khương ở Mỹ Tịnh An, vốn là tên của một thôn xưa mà địa bạ Minh Mạng ghi là xứ Cai Lộc, tức vùng đất do Cai vệ Phạm Hoằng Lộc chỉ huy khai khẩn; chợ Tịnh Hà, nơi Anh hùng dân tộc Nguyễn Hữu Huân bị giặc Pháp xử chém…

 

Phú Kiết vốn là một làng cổ, gốc là thôn Phú An xưa, thuộc tổng Kiến Thuận, huyện Kiến Hòa, trấn Định Tường. Đến đời Vua Minh Mạng mới đổi thành Phú Kiết. Đây có thể coi là vùng đất khoa bảng ngày xưa, với nhiều người đậu cử nhân ở trường thi Gia Định như: Phạm Quang, khoa Ất Dậu năm 1825; Cao Phục Lễ, khoa Mậu Tý năm 1828, làm đến quan Ngự sử; Phạm Hoằng Đạt, khoa Nhâm Dần năm 1842, làm quan Án sát Hà Tiên (khoa này còn có Âu Dương Xuân, làm quan đến chức Giáo thọ); Nguyễn Hữu Huân, Thủ khoa kỳ thi tại trường thi Gia Định năm Nhâm Tý (1852), được bổ làm Giáo thọ phủ Kiến An; Âu Dương Lân, đỗ cử nhân tại trường thi hương Gia Định năm 1858, được triều đình bổ làm Tri huyện…

VÀ NHỮNG HÀO KIỆT YÊU NƯỚC

Ở ấp Hòa Quới, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, có Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Hữu Huân (sinh năm 1830 tại thôn Tịnh Giang, tên một thôn xưa của xã  Hòa Tịnh). Ông đỗ Thủ khoa kỳ thi tại trường thi Gia Định năm Nhâm Tý (1852), được bổ làm Giáo thọ phủ Kiến An. Sau khi giặc Pháp hạ thành Gia Định, ông hợp lực với Võ Duy Dương chiêu mộ nghĩa quân, phất cờ khởi nghĩa, được phong chức Phó Quản đạo.

Tháng 7-1862, ông hợp cùng lực lượng nghĩa quân của Trương Định, nhận chức Phó Đề đốc. Sau khi căn cứ Tân Hòa thất thủ, ông về vùng Chợ Gạo xây dựng căn cứ Bình Cách. Giặc Pháp tấn công căn cứ này. Để bảo toàn lực lượng, ông cho nghĩa quân rút qua Thuộc Nhiêu, tiếp tục cuộc chiến đấu. Cuối năm 1863, thực dân Pháp huy động lực lượng lớn tấn công Thuộc Nhiêu. Nghĩa quân rút vào Đồng Tháp Mười, xây dựng căn cứ.

Theo sự phân công giữa ông với Võ Duy Dương, ông sang tỉnh An Giang để tuyển mộ nghĩa quân và vận động nhân dân ủng hộ tiền của, vũ khí, lương thực cho cuộc kháng chiến. Tháng 7-1864, quan Tổng đốc An Giang bắt ông giao nộp cho quân giặc. 1 tháng sau, ông bị chính quyền thực dân kết án khổ sai chung thân, đày đi Cayenne (Trung Mỹ).

Bàn thờ Soạn giả Trần Hữu Trang tại Nhà lưu niệm ông.
Bàn thờ Soạn giả Trần Hữu Trang tại Nhà lưu niệm ông.

Tháng 2-1869, ông được thả về nước và bị quản thúc tại nhà của Tổng đốc Phương ở Chợ Lớn, nhưng vẫn tìm cách liên lạc với những người yêu nước và mưu tính phát động một cuộc khởi nghĩa mới. Năm 1872, ông về Mỹ Tho, Chợ Gạo cùng với Âu Dương Lân tiếp tục khởi nghĩa. Cuối năm 1874, ông bị sa vào tay giặc. Chúng đưa ông về chợ Tịnh Hà  xử chém ngày 15 tháng 4 năm Ất Hợi âm lịch (nhằm ngày 19-5-1875).

Với cuộc khởi quân lần thứ hai, Thủ khoa Huân đã được coi như một trong những người đứng đầu phong trào vũ trang chống Pháp kháng mệnh triều đình ở 3 tỉnh miền Đông, với một uy thế có thể nói chỉ sau Anh hùng dân tộc Trương Định.

Hào kiệt từng nghe Nguyên soái Định
Anh hùng còn hẹn Thủ khoa Huân.

Theo dấu người xưa trên dòng kinh Bảo Định, ta càng có thêm niềm tin để tự hào rằng quê hương Tiền Giang cũng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”.

Một hào kiệt thứ 2 trong phong trào kháng Pháp của vùng đất khoa bảng ven dòng Bảo Định hà là Âu Dương Lân. Ông là con trai của cụ Giáo Thọ Âu Dương Xuân, đỗ cử nhân tại trường thi hương Gia Định năm 1858, được triều đình bổ làm quan Tri huyện. Khi thực dân Pháp xâm chiếm Nam kỳ (năm 1859), Âu Dương Lân tham gia phong trào kháng chiến do Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân lãnh đạo, được Nguyễn Hữu Huân giao trọng trách Phó tướng của cuộc khởi nghĩa….

Làng Phú Kiết còn là nơi sản sinh những người nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó Soạn giả Trần Hữu Trang là nhân vật nổi bật. Soạn giả Trần Hữu Trang được người đời gọi một cách thân mật là Tư Trang, sinh năm 1906. Thuở  thiếu thời ông đã tự trang bị cho mình kiến thức sâu rộng về xã hội và nghệ thuật ca nhạc tài tử.

Soạn giả Việt Thường chia sẻ những kỷ niệm về người cha đáng kính của mình là Soạn giả Trần Hữu Trang.
Soạn giả Việt Thường chia sẻ những kỷ niệm về người cha đáng kính của mình là Soạn giả Trần Hữu Trang.

Theo ông Nguyễn Hữu Thường (Soạn giả Việt Thường), con trai út của Soạn giả Trần Hữu Trang, vào năm 1930, cha ông được em họ là Nghệ sĩ Năm Châu (Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thành Châu) giới thiệu vào làm thư ký chép tuồng cho một gánh cải lương, rồi bắt đầu sáng tác kịch bản cải lương. Không lâu sau trở thành một soạn giả nổi tiếng, với các vở: Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Lan và Điệp, Mộng hoa vương, Hồn chinh phụ… Tháng 8-1945, ông tham gia cách mạng, giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chánh - Kháng chiến xã Phú Kiết.

Năm 1947, ông được phân công lên Sài Gòn làm nhiệm vụ vận động, tập hợp giới trí thức, văn nghệ sĩ trong vùng tạm chiếm hướng về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và sử dụng sân khấu làm nơi đấu tranh chống giặc trên phương diện văn hóa - văn nghệ. Ông tham gia thành lập gánh cải lương Con Tằm và sau đó là gánh cải lương Phước Chung. 

“Sau năm 1954, cha tôi hoạt động trong phong trào bảo vệ hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn, đấu tranh đòi chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi Hiệp định Genève, thống nhất đất nước. Năm 1960, cha tôi ra vùng giải phóng, làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng, đã hy sinh trong một cuộc oanh kích của máy bay Mỹ ở chiến khu miền Đông Nam bộ” - Soạn giả Việt Thường cho biết.

Soạn giả Trần Hữu Trang được Nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Giải thưởng Hồ Chí Minh. Tên của ông được đặt cho một nhà hát ở TP. Hồ Chí Minh và một giải thưởng uy tín của giới nghệ sĩ cải lương.

NHÓM PV - CTV
(Còn tiếp)

.
.
.