.

Nhiếp ảnh Việt Nam sẽ có Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú?

Cập nhật: 10:50, 30/05/2022 (GMT+7)

Nhiếp ảnh là bộ môn nghệ thuật được phong danh nghệ sĩ (qua Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam). Thế nhưng, vì sao đến nay bộ môn nghệ thuật này vẫn chưa có danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NDND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) như các nghệ sĩ của những chuyên ngành nghệ thuật khác?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Đại hội Hội NSNA Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025.            Ảnh: NGÔ VIẾT NGỌC
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Đại hội Hội NSNA Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: NGÔ VIẾT NGỌC

Vừa qua, Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) tỉnh Tiền Giang đã gửi kiến nghị đến Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang bổ sung nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) vào đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nhân Dự Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa khai mạc ngày 23-5-2022.

ĐÁNH GIÁ “ĐẲNG CẤP” QUA TƯỚC HIỆU FIAP

Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh quốc tế (theo tiếng Pháp là Féderation International de L’Art Photographique) viết tắt là FIAP, được thành lập vào tháng 9-1947. Hiện nay, FIAP đã có hơn 85 quốc gia thành viên và vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục. Dù tự nhận mình là một tổ chức nghiệp dư, nhưng FIAP vẫn là tổ chức Nhiếp ảnh Nghệ thuật lớn nhất, có uy tín thuộc Ủy ban UNESCO của Liên Hiệp quốc.

Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) chính thức gia nhập FIAP từ năm 1991 - thời điểm Việt Nam bắt đầu mở cửa và vẫn còn bị Mỹ cấm vận, nên khả năng giao lưu hội nhập với quốc tế còn hạn chế. Vì thế, thông qua FIAP, cơ hội đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước của các NSNA Việt Nam được mở rộng hơn. Bởi thành viên của FIAP khá đông, những cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế do FIAP bảo trợ cũng rất nhiều, lên tới con số hàng trăm.

Và theo thời gian, số lượng tác phẩm dự thi và đoạt giải của các nhiếp ảnh gia Việt Nam ngày càng tăng lên. Hơn 200 NSNA Việt Nam được FIAP phong tước hiệu. Từ năm 2012 đến nay, trong bảng xếp hạng của Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA), các NSNA Việt Nam luôn có mặt trong top 10; qua đó đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới.

Không thể phủ nhận những giá trị nhất định, được cân đong bằng “thước đo” FIAP. Vì thế, mà từ lâu, các tước hiệu của FIAP được xem để khẳng định “đẳng cấp” của các NSNA. Và ngay cả trong VAPA, cách đánh giá thành tích của anh em hội viên cũng thông qua các tước hiệu theo tiêu chí gần giống của FIAP. Tuy nhiện, để hiểu và đánh giá được các tước hiệu này, chỉ có những người “trong nghề” (anh em trong giới nhiếp ảnh) mới biết hết được. 

a
Tác phẩm Mùa lũ của NSNA Ngô Viết Ngọc (Tiền Giang) - HCV Cuộc thi ảnh Quốc tế tổ chức tại Việt Nam (VN 09) năm 2009.

ĐÃ VÀ ĐANG TIẾP TỤC ĐỀ NGHỊ

Vấn đề đặt ra là: Tại sao thành tích của NSNA lại đánh giá qua các tước hiệu của FIAP và các tước hiệu của VAPA, mà không được công nhận qua danh hiệu chính thức của Nhà nước; mặc dù nhiều anh em NSNA đoạt rất nhiều giải thưởng, huy chương trong nước và quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước ra thế giới, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước thời hội nhập? 

NSNA Trương Hoàng Thêm, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành VAPA nhiều khóa cho biết: Vấn đề này do Nhà nước quy định, danh hiệu NSND, NSƯT chỉ dành cho bộ môn nghệ thuật biểu diễn; bộ môn nghệ thuật sáng tác như nhiếp ảnh, hội họa chưa được xét phong tặng. Việc này đã nhiều nhiệm kỳ, Hội, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Nghệ thuật Việt Nam cũng đã có kiến nghị.

Chi hội NSNA Việt Nam tỉnh Tiền Giang tại Đại hội nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Chi hội NSNA Việt Nam tỉnh Tiền Giang tại Đại hội nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Tại các kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc của VAPA cũng đã có nhiều ý kiến về vấn đề này. Theo các đại biểu, lâu nay VAPA phong tước hiệu NSNA theo tiêu chuẩn của FIAP; vì thế cần xem xét, đề xuất Nhà nước phong tặng danh hiệu như NSƯT. NSND cho những NSNA có thành tích xuất sắc, hơn là chạy theo tước hiệu của FIAP như thời gian qua, mà nhiều người vẫn chưa hiểu hết giá trị của những tước hiệu này.

Về vấn đề này, sáng 27-5, trong phiên thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, cần thiết phải bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các “soạn giả” trong lĩnh vực sân khấu là đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

Các tước hiệu phong cho NSNA của VAPA: NSNA xuất sắc - EVAPA, NSNA đặc biệt xuất sắc - EVAPA/G, NSNA cống hiến xuất sắc - ESVAPA… Mỗi tước hiệu đều có tiêu chí riêng, chủ yếu là thành tích qua các cuộc thi, đóng góp nhiều cho hoạt động Hội, tuổi Hội…

Các tước hiệu của FIAP gồm: Artist FIAP (gọi tắt AFIAP), Excellence FIAP - EFIAP, Excellence FIAP / Bronze- EFIAP/b, Excellence FIAP / silver - EFIAP/s, Excellence FIAP / gold- E FIAP/g, Master FIAP - M FIAP.

NSNA Trần Thị Thu Đông, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bạc Liêu đã phát biểu: Đối với chuyên ngành nhiếp ảnh, có nhiều tương đồng với chuyên ngành mỹ thuật. Các NSNA và họa sĩ đều có những cống hiến thông qua các tác phẩm của mình, góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương cho nhân dân.

Nhiều tác phẩm nhiếp ảnh đã đóng góp những giá trị tuyên truyền đối với thắng lợi của các cuộc kháng chiến và công cuộc kiến quốc, nhiều tác phẩm đoạt giải cao trên trường quốc tế đã mang vinh quang về cho Tổ quốc. Nhưng từ trước đến nay, tác giả của các tác phẩm nhiếp ảnh không được xem xét, trao tặng danh hiệu cao quý NSND, NSƯT.  Nhiều NSNA như Võ An Ninh, Đinh Đăng Định, Lương Nghĩa Dũng, Lâm Tấn Tài… đã để lại các tác phẩm vô giá, được coi như di sản văn hóa của dân tộc. Những tác phẩm đó được tạo nên bằng tài năng, thậm chí là cả xương máu của nghệ sĩ, do đó họ cần được trao tặng danh hiệu xứng đáng.

Rõ ràng, Nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật có nét đặc trưng, mang tính chân thực, sáng tạo của người nghệ sĩ; và đây cũng là loại hình nghệ thuật có tính trực quan dễ đến với công chúng, có tác động đến cảm xúc, mang tính giáo dục và sức lan tỏa cao… Do vậy, việc mong muốn được xem xét và công nhận của Nhà nước thông qua những danh hiệu cho các NSNA cũng là điều dễ hiểu.

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) sẽ được biểu quyết thông qua vào cuối Kỳ họp lần thứ 3 này của Quốc hội.

SƠN PHẠM

.
.
.