NSND Trần Hiếu và cuốn sách của cuộc đời
Gần 90 tuổi, NSND Trần Hiếu mới hoàn thành cuốn sách mà ông đã thực hiện suốt mấy chục năm qua với tựa đề Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam. NSND Trần Hiếu chia sẻ, ông viết cuốn sách này từ năm 1968, ông cứ viết và chờ đợi đến ngày từng trang giấy được in, như món nợ mà cuộc đời trao cho mình.
1. NSND Trần Hiếu là một trong những giọng ca lớn của thế kỷ 20, giọng ca được mệnh danh là trầm nhất Việt Nam, thể hiện được đa dạng các dòng âm nhạc từ opera, thính phòng đến nhạc cách mạng, nhạc trữ tình… Nhiều người cũng biết đến NSND Trần Hiếu là một nhà sư phạm thanh nhạc đã đào tạo nhiều nghệ sĩ tài năng như cố NSND Y Moan, NSND Thanh Hoa, NSND Quốc Hưng, NSƯT Tấn Minh, ca sĩ Trọng Tấn… Nhưng nhiều người sẽ bất ngờ khi đón nhận thông tin NSND Trần Hiếu ra mắt cuốn sách với tư cách một tác giả.
Chia sẻ về Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam, NSND Trần Hiếu nói, đây chính là những kinh nghiệm được ông đúc kết từ thực tiễn nghiên cứu, biểu diễn và giảng dạy thanh nhạc. Năm 1968, khi Trần Hiếu sang Pháp, sau khi nghe ông trình diễn bài Con voi của nhạc sĩ Xuân Khoát, nhà nghiên cứu văn hóa âm nhạc Trần Văn Khê mời Trần Hiếu về nhà chơi. Trong cuộc trò chuyện về âm nhạc, nhà nghiên cứu Trần Văn Khê khuyên ông thử viết sách ghi lại những tìm tòi, nghiên cứu về ngôn ngữ âm nhạc…
“Người Việt Nam thích nghe gì ở ca hát; say mê những loại hình ca khúc nào? Đó là câu hỏi cứ đi theo tôi suốt một đời ca hát. Không hiểu rõ được điều đó thì làm sao đi vào lòng người được… Tôi đã nhận ra được vẻ đẹp đặc biệt của ngôn ngữ Việt Nam trong tiếng hát mà cha ông chúng ta đã từng dày công xây dựng. Tôi đã ấp ủ làm một cuốn sách ngôn ngữ Việt trong tiếng hát ngay từ khi mới bước vào nghề, và hôm nay rất vui mừng khi ước mơ đã thành hiện thực”, NSND Trần Hiếu trải lòng.
2. Quá trình thực hiện sách Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam của NSND Trần Hiếu cũng nhiều lận đận. Ấp ủ để viết ra được cuốn sách, ông nói đó là tâm huyết của cả đời người nhạc sĩ, người thầy, và chỉ mong truyền lại được cho thế hệ sau những điều bổ ích, lý thú.
Ở tuổi U.90, những năm gần đây sức khỏe của ông không ổn định, không thể tự tay chấp bút trên từng trang bản thảo cuối cùng. Song, được sự động viên và sát cánh của người bạn đời, NSND Trần Hiếu đã dần biến mong muốn của mình thành hiện thực. Bà Nguyễn Thị Minh Ngà - vợ ông, chia sẻ, bà ghi chép lại, sau đó cùng đọc để ông có thể chỉnh sửa theo ý muốn. Sau khi bản thảo đã hoàn thành, được sự góp sức của người cháu ruột, cùng các học trò - mà đứng đầu là NSND Quốc Hưng, cuốn sách chuyển sang khâu tiếp theo của quá trình xuất bản.
“Trong cuốn sách, NSND Trần Hiếu đã phân tích sâu về vai trò và ý nghĩa của âm vị học trong tiếng hát Việt Nam, đưa ra các đặc điểm về nguyên âm, phụ âm, đặc điểm về khiếu thưởng thức ca hát của người Việt Nam, tính tượng hình, tượng thanh trong tai người Việt, tác động của “phụ âm đầu và cuối âm tiết” vào nguyên âm tiếng Việt… Có lẽ đây là lần đầu tiên có một cuốn sách, một công trình khảo cứu về nghệ thuật thanh nhạc Việt Nam bàn sâu về vấn đề này”, NSND Quốc Hưng nhận xét.
Với thế hệ hậu bối, đây thực sự là món quà quý nên tiếp cận và đọc để biết về tầm quan trọng trong ngôn ngữ của nghệ thuật ca hát Việt Nam.
Theo sggp.org.vn